Việt Nam xuất siêu tới 1,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm: Cần cẩn trọng

Việt Nam xuất siêu tới 1,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm: Cần cẩn trọng

Cán cân thương mại của Việt Nam đã có cú xoay chuyển, xuất siêu tới 1,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, thay vì nhập siêu so với ước tính trước đó. Đây là tin mừng đối với nền kinh tế Việt Nam, song cũng lại là điều cần hết sức thận trọng.

Cần phải nhắc lại rằng, cách đây ít ngày, khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thống kê vẫn ước tính cả nước nhập siêu 34 triệu USD. Con số này đã giảm đáng kể so với mức nhập siêu của tháng trước đó, nhờ vậy cán cân thương mại đã dần trở nên cân bằng hơn.

Năm nay, cán cân thương mại của Việt Nam trồi sụt khá thất thường. Tháng 1/2019, cả nước xuất siêu 750 triệu USD, tháng 2 lại nhập siêu 768 triệu USD, tháng 3 xuất siêu trở lại, với 1,63 tỷ USD và sang tháng 4, tiếp tục nhập siêu 550 triệu USD. Tháng 5/2019, mức nhập siêu thậm chí lên tới gần 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Tổng cục Hải quan đã cập nhật con số mới nhất. Theo đó, nền kinh tế đang xuất siêu tới 1,6 tỷ USD, chứ không phải nhập siêu 34 triệu USD.

Cán cân thương mại thặng dư, thì các áp lực lên tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối và tới cả tăng trưởng kinh tế phần nào được giải tỏa.

Mặc dù vậy, có lẽ sẽ phải lần đầu tiên đưa ra lời cảnh báo rằng, phải cẩn trọng cả với xuất siêu, bởi thực tế, Việt Nam nhập siêu từ hầu hết các nền kinh tế, gần như chỉ xuất siêu sang một số thị trường quen thuộc.

Hiện chưa có con số cập nhật của Tổng cục Hải quan, mà chỉ có số liệu ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê, song xu hướng này là khá rõ ràng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam ước nhập siêu từ Trung Quốc 20 tỷ USD, tăng 47,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,7 tỷ USD, giảm 2,1%; nhập siêu từ ASEAN 3,2 tỷ USD, tăng 5,2%. Trong khi đó, riêng xuất siêu sang EU là hơn 13 tỷ USD (giảm 4,7% so với cùng kỳ); xuất siêu sang Hoa Kỳ cũng không nhỏ.

Nên nhớ, đây là số liệu được tính toán vào thời điểm Tổng cục Thống kê ước tính cả nước nhập siêu 34 triệu USD. Nếu con số thặng dư là 1,6 tỷ USD, thì gần như chắc chắn, trong đó có một phần thuộc về thị trường Hoa Kỳ.

Hiện tại, Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu để đảm bảo ổn định thị trường trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn muốn chống lại tự do hóa thương mại và nhiều lần cảnh báo về chuyện thương mại hàng hóa không công bằng. Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại để chống lại điều này. Thêm nữa, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng, chuyện lẩn tránh xuất xứ hàng hóa sang Việt Nam cũng nhiều lần được cảnh báo.

Chỉ cách đây vài ngày, đầu tháng 7/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết sơ bộ, rằng một số loại thép đã né thuế bằng cách sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan, nhưng chuyển đến Việt Nam gia công rồi xuất khẩu sang Mỹ dưới dạng thép chống gỉ và thép cán nguội. Do đó, Hải quan Mỹ đề nghị áp thuế lên tới 456,23% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng vật liệu từ hai nơi này.

Như vậy, trong câu chuyện với Mỹ, vấn đề không chỉ là xuất khẩu hàng hóa của riêng Việt Nam, mà còn là câu chuyện lẩn tránh xuất xứ hàng hóa. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kiểm soát chặt hơn luồng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất việc phải chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ.

Không chỉ là câu chuyện xuất siêu sang Mỹ, nhìn vào cán cân thương mại của Việt Nam, cũng không thể không để tâm chuyện hiện Việt Nam vẫn nhập siêu khá lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc và cả ASEAN. Trong bối cảnh đó, chuyện phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, chuyện chưa tận dụng được các cơ hội mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại cũng là điều cần nhắc lại dù nhiều lần được cảnh báo.

Tin bài liên quan