Đồng vốn đầu tư của Samsung luôn luôn thuộc diện “healthy” nhất, đúng với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong ảnh: Toàn cảnh Nhà máy SEV tại Bắc Ninh

Đồng vốn đầu tư của Samsung luôn luôn thuộc diện “healthy” nhất, đúng với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong ảnh: Toàn cảnh Nhà máy SEV tại Bắc Ninh

Viết tiếp giấc mơ “đồng thịnh vượng”

0:00 / 0:00
0:00
Samsung Việt Nam - bằng nỗ lực tuyệt vời - đã vượt qua một năm 2020 vô cùng khó khăn để cùng Việt Nam viết tiếp giấc mơ “đồng thịnh vượng”.

Nỗ lực “vượt bão” Covid-19

Một ngày cuối năm 2020, Trung tâm Hội nghị Quốc gia đông nghịt các “cô cử, cậu cử”. Họ tới tham dự Cuộc thi GSAT, được Samsung tổ chức lần thứ hai trong năm, để đón nhận cơ hội trở thành những nhân viên mới nhất trong các nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động SVMC tại Hà Nội.

Một cuộc thi được Samsung tổ chức hai năm một lần, nhưng lần này, đông vui lạ thường. Bởi trong thời Covid-19, chỉ thấy nơi nơi cắt giảm nhân viên, chứ mấy ai làm chuyện “ngược đời” là vẫn rầm rộ tuyển dụng nhân viên mới như Samsung đâu. Thế nên, người dự thi đến rất đông và vui. Người tuyển dụng cũng vui không kém.

Nửa năm trước, một cuộc thi tương tự đã được tổ chức trong nỗi lo lắng của ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam. Bởi khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Bên Hàn Quốc, phải tổ chức Cuộc thi GSAT bằng hình thức online. Nhưng rồi, mọi việc đều suôn sẻ. Không chỉ cuộc thi giữa năm ấy, mà ngay cả cuộc thi vào cuối năm, đều thành công rực rỡ.

“Với cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam, Samsung luôn ưu tiên hàng đầu việc tìm kiếm, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông qua chương trình tuyển dụng của mình, chúng tôi hy vọng có thể mang lại thêm cơ hội việc làm cho các bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như hiện nay. Đồng thời, đây cũng là sự chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho các kế hoạch phát triển của Công ty trong tương lai”, ông Choi Joo Ho đã nói như vậy.

Ông còn bảo rằng, Samsung làm được điều đó còn là nhờ Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu trong công tác phòng chống dịch. “Việc kiểm soát dịch bệnh vô cùng hiệu quả của Việt Nam đã giúp cho Tổ hợp Samsung trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động duy nhất của Samsung trên thế giới có thể duy trì sản xuất ổn định và đảm bảo hoạt động xuất khẩu”, ông Choi Joo Ho nói.

Thực ra, chẳng những vẫn tuyển thêm nhân sự mới, mà trong suốt một năm chống chọi với Covid-19 vừa qua, dù lượng đặt hàng trên toàn cầu giảm, kéo theo tỷ lệ vận hành các nhà máy sụt giảm, nhưng chưa có một nhân viên nào trong tổng số 130.000 nhân viên của Samsung Việt Nam bị mất việc hay phải nghỉ việc không lương.

“Trong một cuộc khủng hoảng, chắc chắn phải có sự hy sinh, chứ không thể cùng lúc đạt được tất cả các mục tiêu. Nhưng giữa lợi nhuận và sức khỏe của nhân viên, chúng tôi chọn hy sinh lợi nhuận để có được sự tin tưởng của người lao động”, ông Park Hyun-seung, Giám đốc An toàn, Sức khỏe và Môi trường của Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ.

Chọn hy sinh lợi nhuận nhưng không quên “mục tiêu kép”, nên năm qua, Samsung đã rất nỗ lực để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất - kinh doanh. Không chỉ khó vì vướng trong nhập khẩu linh kiện sản xuất, mà còn khó vì thị trường. Cả thế giới oằn mình chống chọi với Covid-19, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm công nghệ cũng sụt giảm. Thế nên, cả năm dù con số xuất khẩu vẫn còn sụt giảm nhẹ so với năm trước và điều này là dễ hiểu trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, nhưng cũng đủ để ghi nhận những cố gắng của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam này. Nhờ thế, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt thành tích đáng ngợi khen trong năm 2020, với kim ngạch 282,65 tỷ USD, tăng 7,0% so với năm ngoái.

Viết tiếp giấc mơ “đồng thịnh vượng”

Giữa bộn bề lo toan vì Covid-19, cuối tháng 10/2020, một diễn đàn đa phương với chủ đề “Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ Đại dịch Covid-19” đã được Samsung phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Một diễn đàn thường niên, được tổ chức dưới sáng kiến của Samsung Việt Nam từ năm 2018, nhằm tập hợp, kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, để cùng chia sẻ và thảo luận, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.

Năm nay, vấn đề quan trọng nhất của xã hội Việt Nam chính là ứng phó với Covid-19 và tái thiết, phục hồi sau khủng hoảng. Đại dịch tràn đến, hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng, các nhóm vốn đã dễ bị tổn thương thậm chí còn chịu tác động lớn hơn. Giải quyết những vấn đề này là trách nhiệm của cộng đồng xã hội, của những doanh nghiệp như Samsung. Tổ chức Diễn đàn để các bên cùng chia sẻ và thảo luận, tìm ra giải pháp cũng chính là cách Samsung ứng phó với khủng hoảng theo cách có trách nhiệm xã hội, cũng là cách để Samsung cùng Việt Nam viết tiếp giấc mơ “đồng thịnh vượng”.

Giấc mơ ấy, Samsung đã cùng Việt Nam viết nên từ hơn 20 năm trước, khi nhà máy đầu tiên của Samsung được xây dựng ở Thủ Đức (TP.HCM), đặc biệt là trong hơn 10 năm qua, sau khi đầu tư lớn ở Việt Nam, với 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM. Không chỉ đóng góp lớn cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Samsung còn giúp đưa những nam thanh, nữ tú của Việt Nam từ nông trại bước vào nhà máy. Đó chính là những bước đi quan trọng để Việt Nam thực hiện hành trình “công nghiệp hóa”.

Và hơn thế, Samsung còn là một trong những nhà đầu tư nước ngoài rất nỗ lực trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt, sẵn sàng trao cơ hội để các doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của mình.

Mới đây thôi, Samsung đã tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ cải tiến sản xuất cho 10 doanh nghiệp Việt, nâng tổng số doanh nghiệp đã nhận tư vấn cải tiến lên 260 doanh nghiệp.

Nhờ những nỗ lực này, qua quá trình nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Nếu so với chỉ có 4 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 vào năm 2014, thì tính đến hết năm 2019 là 42 doanh nghiệp và đến hết năm 2020 là 50 doanh nghiệp.

“Chiến lược của Samsung Việt Nam là hướng tới mục tiêu đồng thịnh vượng”, ông Choi Joo Ho nói.

Và câu chuyện về dòng vốn “healthy FDI”

Samsung không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, mà quan trọng hơn những đồng vốn mà Samsung mang vào đều thuộc diện “healthy” (khỏe mạnh nhất), đúng với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam không chỉ trong thời gian qua, mà cả trong kỷ nguyên 4.0 sắp tới.

Bằng chứng không chỉ ở số vốn đầu tư trên 17 tỷ USD đã nhanh chóng được giải ngân gần hết, cho đến nay khoảng 98%, mà còn ở những đóng góp tích cực và lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Ở những nỗ lực tạo việc làm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở việc tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Và quan trọng không kém, còn ở cả việc đã quyết định xây một trung tâm R&D, với vốn đầu tư 220 triệu USD tại Hà Nội, dù trước đó đã phát triển thành công Trung tâm SVMC… Thu hút đầu tư vào R&D là điều mà Việt Nam đã mong chờ từ lâu và đang muốn thúc đẩy trong giai đoạn phát triển sắp tới, khi đổi mới sáng tạo được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2022, Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người. Không chỉ tăng nhân lực, ông Choi Joo Ho còn cho biết, thông qua việc xây dựng Trung tâm R&D mới, Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới, như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G…

Và điều này, sẽ tạo tiền đề để Việt Nam có thể “đi trước đón đầu” với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng chính là cách để Samsung thực hiện cam kết đồng hành với sự phát triển của Việt Nam.

Khái niệm “healthy FDI” gần đây mới được nhắc đến nhiều hơn, khi dòng vốn đầu tư dịch chuyển mạnh mẽ trên toàn cầu. Còn Samsung, đã tiên phong với “healthy FDI” từ hơn 10 năm trước và bây giờ, vẫn đang viết tiếp câu chuyện về sự lành mạnh và hiệu quả của dòng vốn này…

Tin bài liên quan