Vietbuild 2013 “hút” các nhà sản xuất nước ngoài

Vietbuild 2013 “hút” các nhà sản xuất nước ngoài

(ĐTCK) Triển lãm ngành xây dựng Vietbuild lần 2/2013 sẽ diễn ra từ ngày 14 - 18/8 tại TP. HCM. Số lượng DN nước ngoài tham gia triển lãm lần này tăng đột biến.

Vietbuild 2013 “hút” các nhà sản xuất nước ngoài ảnh 1Có 212 DN nước ngoài tham gia Vietbuild kỳ 2/2013

 

Trong 784 đơn vị tham gia triển lãm lần này có 381 DN trong nước, 191 DN liên doanh và 212 DN nước ngoài. Danh sách các đơn vị tham gia cho thấy có sự vắng bóng nhiều tên tuổi lớn trong ngành vật liệu xây dựng nội địa, trong khi số lượng DN nước ngoài tăng cao so với các kỳ triển lãm trước. Các DN ngoại đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Indonesia, Singapore, Bỉ, Đài Loan, Hà Lan, Pháp, Đức…, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong các kỳ Vietbuild trước, những tên tuổi lớn trong ngành vật liệu xây dựng nội địa như Viglacera, FICO, VICEM, Đồng Tâm, TOTO, Hoa Sen, Tôn Phương Nam, Caesar, LIOA… chiếm lĩnh nhiều vị trí đẹp với các gian hàng hoành tráng, thì tại kỳ Vietbuild lần này, không ít DN rút lui.

Theo đại diện một số DN, mỗi đơn vị tham gia Vietbuild đều có kế hoạch riêng cho việc tiếp cận, quảng bá sản phẩm của mình.

Ông Mai Ngọc Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng FICO cho biết, FICO không kỳ vọng bán hàng tại Vietbuild, mà chỉ giới thiệu sản phẩm chủ đạo đến người tiêu dùng. Vietbuild cũng là cơ hội để DN tìm kiếm, mở rộng đối tác.

Tuy nhiên, “không phải lúc nào cũng là quảng bá sản phẩm, mà có kỳ triển lãm chúng tôi tập trung đẩy hàng tồn kho”, quản lý kinh doanh gạch Đồng Tâm chia sẻ.

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2013 từ Bộ xây dựng cho thấy, ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa có lối thoát, ngoại trừ tiêu thụ xi măng đã tăng lên, nhờ thị trường xây dựng trong dân được khởi động trở lại, nhưng chủ yếu vẫn là nhờ xuất khẩu. Các mặt hàng như thép, gạch, sứ vệ sinh… vẫn trong tình trạng “ế hàng”. Chẳng hạn, gạch ốp lát có tổng công suất khoảng 435 triệu m2/năm mới tiêu thụ khoảng 35%, dư khoảng 1,5 tháng sản xuất; tiêu thụ kính xây dựng đạt 25% công suất (188 triệu m2), dư 2,5 tháng sản xuất; gạch bê tông cốt liệu đạt khoảng 30 - 40% công suất, bê tông khí chưng áp là 20% và các cơ sở sản xuất bê tông bọt gần như dừng sản xuất.

Ngày 1/8/2013, Hiệp hội Vật liệu xây dựng lại một lần nữa “kêu cứu” Chính phủ và Bộ Xây dựng: cần có chế tài bắt buộc các công trình có vốn nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở đền bù giải phóng mặt bằng phải dùng vật liệu xây dựng trong nước sản xuất; các công ty tư vấn, thiết kế, các nhà thầu xây dựng không sử dụng vật liệu xây dựng ngoại nhập, trừ loại trong nước không sản xuất được.

Nhiều ý kiến cho rằng, kiến nghị này thiếu tính khả thi, bởi thị trường tự do cạnh tranh nên cơ quan quản lý không thể “ép” các DN dùng sản phẩm trong nước.

Trong khi Hiệp hội Vật liệu xây dựng “kêu cứu trong tuyệt vọng” thì các DN sản xuất trong nước vẫn chưa tìm được đầu ra. Lối thoát duy nhất là xuất khẩu thì Việt Nam khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc về giá và mẫu mã.

Trong bối cảnh các nhà sản xuất trong nước đang xoay xở với gánh nặng tồn kho, hàng loạt công ty nước ngoài đổ bộ vào Vietbuild giới thiệu sản phẩm. Sự gia tăng đột ngột về số lượng DN nước ngoài tham gia Vietbuild lần này cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn là điểm tiêu thụ kỳ vọng của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng nước ngoài. Không loại trừ khả năng, thông qua các kỳ Vietbuild, nhiều dòng sản phẩm từ nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam . Nguy cơ mất thị phần trên sân nhà của các DN Việt là điều cần lưu ý.