Nhu cầu đi lại của người dân dần được khôi phục về mức trước đại dịch.

Nhu cầu đi lại của người dân dần được khôi phục về mức trước đại dịch.

Vinasun (VNS) “đề pa” trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lần đầu tiên sau 8 quý liên tiếp, chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty cổ phần Ánh Dương (Vinasun, mã chứng khoán VNS) đã “lên được mặt đất”.

Có lãi trở lại

Hai năm 2020, 2021, Vinasun liên tục báo lỗ nặng, với số lỗ lần lượt là 210 tỷ đồng và 277 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 và các biện pháp chống dịch của Chính phủ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của Công ty.

Nhiều thời điểm, Công ty phải ngừng hoạt động, trong khi các chi phí gồm khấu hao, lãi vay và chi phí quản lý vẫn phát sinh. Từ 18/4/2022, cổ phiếu VNS của Vinasun đã bị đưa vào diện bị kiểm soát.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Công ty đã có sự khởi sắc trong quý đầu năm 2022 với việc báo lãi sau thuế 12,4 tỷ đồng, tăng vọt so với con số âm 29 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 638 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 27,3 tỷ đồng. Việc vắc-xin phòng Covid-19 đạt độ phủ toàn dân và thuốc điều trị Covid đã được sản xuất, phân phối rộng rãi là động lực để Vinasun đặt kỳ vọng khôi phục hoạt động kinh doanh như trước đại dịch.

Như vậy, sau quý I, Vinasun đã hoàn thành hơn 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đẩy mạnh tái cấu trúc

Sau hai năm u ám, triển vọng kinh doanh của Vinasun đang dần sáng hơn khi các hoạt động du lịch, dịch vụ được khôi phục, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên.

Tuy vậy, cũng có nhiều khó khăn, thách thức Công ty đang phải đối mặt. Thứ nhất là áp lực cạnh tranh với taxi công nghệ, vốn là vấn đề đau đầu của các hãng taxi truyền thống như Vinasun từ trước khi đại dịch xảy ra. Thứ hai là chi phí đầu vào (giá xăng) tăng cao. Thứ ba là áp lực cạnh tranh thu hút nhân lực với các hãng xe công nghệ.

Trong bối cảnh đó, Vinasun đã và đang tích cực tái cấu trúc để thích nghi với cuộc chơi mới cùng taxi công nghệ, chuyển đổi mô hình từ quản lý xe sang hợp tác thương quyền, nhượng quyền với tài xế, gia tăng đội xe để chiếm lĩnh thị trường.

Các hãng vận tải công nghệ khác thường chỉ tập trung hoạt động ở những thành phố lớn, nơi có cơ sở hạ tầng về công nghệ tốt.

Nhận thấy được điều đó, Vinasun Corp đã tận dụng triệt để lợi thế “sân nhà”, chủ động thay đổi theo hướng vẫn giữ phương án kinh doanh taxi truyền thống nhưng kết hợp với phát triển công nghệ, phần mềm hiện đại, mở rộng địa bàn hoạt động ra một số thị trường, trong đó tập trung vào địa bàn chính là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng.

Vinasun cũng điều chỉnh các chính sách phân chia doanh thu nhằm giữ chân và thu hút lái xe quay lại làm việc; tích lũy để đầu tư phát triển xe kinh doanh trong tương lai. Tính đến cuối năm 2021, số dư tiền mặt của công ty mẹ là 364 tỷ đồng.

Trong năm nay, Vinasun dự kiến đầu tư khoảng 156 xe, thanh lý và bán trả chậm cho lái xe để kinh doanh dưới hình thức thương quyền khoảng 506 xe và phát triển số lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài 150 xe.

Công ty cho biết sẽ chủ động điều chỉnh số lượng xe đầu tư và thanh lý cũng như điều phối hài hòa số lượng ở các mô hình và phương thức kinh doanh trên cơ sở đảm bảo hiệu quả ở mức cao nhất.

Một trong những hoạt động triển khai mạnh trong năm nay là mở rộng thanh toán online trên Vinasun App, nâng mức tiếp nhận khách đặt xe trên tổng đài lên 20.000 cuộc gọi/ngày, lượng đặt app Vinasun bình quân lên 10.000 lượt/ngày, đồng thời phát triển thêm khách hàng trả sau.

Cổ phiếu VNS sau thời gian dài loanh quanh ở mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) đã lội ngược thị trường, bật tăng trong những phiên gần đây khi thông tin lợi nhuận quý I/2022 được công bố.

Tin bài liên quan