VIS Rating: Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp đến cuối tháng 3 lên tới 10%, 88 tổ chức có rủi ro cao

VIS Rating: Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp đến cuối tháng 3 lên tới 10%, 88 tổ chức có rủi ro cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến cuối tháng 3/2023, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã tăng lên tới 10%, chủ yếu do các công ty chưa niêm yết liên quan đến bất động sản có hệ số đòn bẩy cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để trả nợ.

Phân tích kỹ hơn có số nợ xấu, dựa trên thông tin công bố đại chúng, VIS Rating ước tính tỷ lệ nợ xấu TPDN đã tăng lên gần 10% tính đến tháng 3/2023, từ mức 1,2% vào cuối tháng 9/2022. Ước tính này không bao gồm những trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán TPDN công bố trước tháng 9/2022 và các trường hợp trái phiếu vi phạm chéo (cross default) điều kiện thanh toán nghĩa vụ trái phiếu (nếu có).

71% số trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu có liên quan tới lĩnh vực kinh doanh bất động sản - chủ yếu là các công ty chưa niêm yết thuộc các tập đoàn bất động sản lớn lớn, có đòn bẩy tài chính cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để trả lãi hoặc nợ gốc trái phiếu khi đến hạn. Tỷ lệ nợ xấu TPDN của ngành bất động sản là 17% vào cuối tháng 3/2023.

Hầu hết những trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của nhóm ngành tiện ích đều liên quan đến các công ty đang phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời đang gặp khó khăn trong việc thương mại hóa các dự án. Tỷ lệ nợ xấu TPDN của nhóm ngành tiện ích là 31% vào cuối tháng 3/2023.

Gần 95% trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là do các tổ chức phát hành trái phiếu không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu khi tới hạn thanh toán. Điều này phản ánh các doanh nghiệp này có dòng tiền mặt yếu.

Nhiều tổ chức phát hành trái phiếu liên quan đến bất động sản với mục đích huy động vốn trái phiếu kỳ hạn từ 1-3 năm cho các dự án phát triển bất động sản dài hạn thuộc các tập đoàn lớn. Nhiều tổ chức phát hành không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu có khoản vay với các ngân hàng trong nước. VIS Rating ước tính tổng số nợ vay của của các doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là 41.000 tỷ đồng (tương đương với <1% tổng số nợ của hệ thống ngân hàng).

Về mặt tổng thế, hệ thống ngân hàng có thể kiểm soát được ảnh hưởng nợ xấu trái phiếu tới chất lượng bảng tổng kết tài sản vì các khoản vay của các doanh nghiệp này thường được bảo đảm bằng bất động sản.

“Chúng tôi ước tính khoảng 113.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn trong quý II tới quý IV/2023 có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán. Các doanh nghiệp chưa niêm yết liên quan đến bất động sản với dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt hạn chế có rủi ro cao nhất. Trong điều kiện thị trường không thuận lợi – tâm lý nhà đầu tư yếu, e ngại rủi ro lan tới các ngân hàng, các công ty này sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn để trả nợ trái phiếu đáo hạn khi thiếu hụt dòng tiền. Nhiều nhóm tập đoàn lớn có lượng trái phiếu lớn đáo hạn vào năm 2023. Do đó, khả năng hỗ trợ trả nợ trái phiếu cho các công ty liên quan bị hạn chế”, VIS Rating đánh giá.

Các tổ chức phát hành trái phiếu liên quan đến bất động sản và ngành xây dựng chiếm phần lớn trong tổng số 113 nghìn tỷ đồng nợ trái phiếu rủi ro cao.

VIS Rating xác định có 88 tổ chức phát hành trái phiếu đang đối mặt với nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán do sức khỏe tài chính yếu, và khả năng cao các doanh nghiệp này không có đủ nguồn tiền mặt để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đáo hạn sắp tới.

Tin bài liên quan