VN-Index: Đâu là đích đến ngắn hạn?

VN-Index: Đâu là đích đến ngắn hạn?

(ĐTCK-online) Sau quá trình tăng mạnh từ đáy 235,5 điểm (tháng 2/2009) lên đỉnh 512,46 điểm (tháng 6), VN-Index đã điều chỉnh kịp thời trước khi rơi vào tình trạng tăng quán tính do “bẫy đầu cơ”. Từ nửa cuối tháng 7, VN-Index bắt đầu được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi thông tin tích cực trong và ngoài nước, đồng thời nhanh chóng chinh phục mức đỉnh cũ trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Một lần nữa câu hỏi được đặt ra: đâu là đích đến của sự kỳ vọng (ngắn hạn)?

Phiên cuối tuần qua, thị trường biến chuyển mạnh. VN-Index tăng 5,27 điểm, đóng cửa ở mức 519,17 điểm. Tính thanh khoản của thị trường đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua với 83,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị giao dịch đạt 3.264 tỷ đồng, tăng 34,6% về khối lượng và 48,3% về giá trị giao dịch so với phiên ngày 20/8.

Khối nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên sàn HOSE tiếp tục mua ròng, dù giá trị mua thấp hơn tuần trước đó. Tính chung cả tuần, nhà ĐTNN mua vào 10,9 triệu đơn vị, trị giá 608,5 tỷ đồng (khớp lệnh + thoả thuận). Khối lượng bán ra của nhà ĐTNN là 12,5 triệu đơn vị, trị giá 597,7 tỷ đồng. Như vậy, nhà ĐTNN mua ròng 10,7 tỷ đồng trong tuần qua.

Ngày 21/8, HNX-Index tiếp tục có mức tăng tương đương với phiên giao dịch ngày trước đó, đóng cửa chỉ số này chốt ở mức 161,98 điểm, tương đương tăng 0,94%. Khối lượng và giá trị giao dịch chứng khoán đạt 21,8 triệu đơn vị và 1.573 tỷ đồng, tăng 60% về lượng và 64% về giá trị so với phiên giao dịch liền trước.

Giao dịch cùng chiều với khối nhà ĐTNN trên sàn HOSE, tuần qua, khối ngoại trên sàn Hà Nội tiếp tục mua ròng với khối lượng mua tăng mạnh so với tuần trước đó. Tổng hợp cả tuần, khối nhà ĐTNN vào 4,7 triệu cổ phiếu, trị giá 189,5 tỷ đồng, tăng 69,9% so với tuần trước. Khối lượng bán ra của nhà ĐTNN là 2,6 triệu cổ phiếu với giá trị 198 tỷ đồng, tăng 40,5% so với tuần trước. Như vậy, nhà ĐTNN mua ròng 91,5 tỷ đồng trong tuần qua.

Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch đầy kịch tính cuối tuần qua là tuy cổ phiếu tăng giá chiếm đa số, nhưng khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Thông thường, đây là dấu hiệu cho thấy, thị trường sẵn sàng đảo chiều. Các thị trường trong khu vực cũng đang chưa rõ ràng về xu hướng, nhất là khi Uỷ ban Điều chỉnh ngân hàng Trung Quốc đã dự thảo luật buộc các ngân hàng kiểm soát cho vay và bán cổ phiếu để tăng tỷ lệ vốn theo quy định. Tuy nhiên, yếu tố tích cực lại xuất hiện ở thị trường Mỹ, khi các chỉ số phiên cuối tuần đồng loạt phản ứng tích cực, tăng ít nhất 1,5%. Bên cạnh đó, sau thời gian tập trung mạnh vào cổ phiếu có thị giá nhỏ, dòng tiền hiện có xu hướng chuyển vào các blue-chip. VN-Index tăng điểm, khối lượng giao dịch gia tăng, đồng thời sức mua của khối ngoại cũng liên tục tăng chứng tỏ kỳ vọng vào thị trường của nhà đầu tư trong thời gian tới là rất lớn.

Trở lại triển vọng ngắn hạn của thị trường, quan sát một cách định tính cho thấy, ngay cả những chỉ số chứng khoán tên tuổi như Dow Jones, STOXX50, Nikkey 225 cũng có biểu hiện rối loạn trong tuần qua. Bên cạnh đó, mặc dù đánh giá cao dấu hiệu tích cực, song vẫn có không ít ý kiến chuyên gia bảo lưu phương án thận trọng trước một kịch bản phục hồi kinh tế lạc quan ngay trong năm 2009, đặc biệt khi các gói giải pháp đang vơi dần, trong khi nền kinh tế vẫn tranh tối, tranh sáng. Tại Việt Nam, sau chuỗi ngày thị trường thăng hoa với những tin tốt dồn dập đến từ kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp, đã xuất hiện cảnh báo cho rằng, quý III sẽ là một thử thách lớn về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, sau khi phần lớn lợi thế kinh doanh có được từ hàng tồn kho giá rẻ đã được hiện thực hóa trong thời gian qua. Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, nhìn từ mặt trái vấn đề, lại đang ít nhiều chất lên vai doanh nghiệp những khó khăn khi sản xuất toàn cầu cùng lúc được khôi phục và đẩy mạnh. Cầu về nguyên, nhiên, vật liệu có khả năng tăng lên, dẫn tới tăng chi phí sản xuất; trong khi đó, các biện pháp quản lý vĩ mô như khống chế lãi suất và tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát vẫn được duy trì, sẽ ảnh hưởng đến việc cải thiện đầu ra cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhìn từ khía cạnh phân tích kỹ thuật, thị trường đã có gần 20 phiên tích lũy liên tục. Đường RSI đang có xu hướng tăng mạnh, Momentum đang đi ngang ở mức cao, SO có xu hướng đi ngang ở mức trên 80. Ngoài ra, đường MACD có xu hướng tăng mạnh, đường +DI đang trong xu hướng đi lên mạnh, trong khi đường -DI thể hiện xu hướng giảm và đường giá đang bám sát dãy Bollinger Bands. Do đó, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng đi lên. Sự dịch chuyển trên sàn Hà Nội cũng có xu hướng tương đồng với sàn HOSE. Tuy nhiên, nên thận trọng khi chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) và chỉ số dòng tiền (MFI) đều cảnh báo dấu hiệu “mua quá”, mà hệ quả thường thấy sau đó là sự điều chỉnh hoặc đảo chiều thị trường. Trong khi đó, với mức điểm chưa thật cách biệt với đỉnh cũ 512,46 điểm, mô hình “hai đỉnh” cũng được lưu ý là có khả năng xảy ra (đặc biệt trong bối cảnh thông tin vĩ mô không đủ mạnh để nâng đỡ).