VN-Index hãm lại đà giảm, ngành cảng biển hồi phục nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu xuất hiện mạnh hơn khi VN-Index lùi xuống gần ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm, giúp hãm lại đà giảm của thị trường chung.
VN-Index hãm lại đà giảm, ngành cảng biển hồi phục nhẹ

VN-Index đánh mất hai ngưỡng hỗ trợ

Cuối tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.174,85 điểm, giảm 1,5%; với 4/5 phiên giảm điểm liên tiếp, chỉ số giảm 8% so với cuối tuần trước đó. Diễn biến giảm mạnh khiến VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.250 - 1.260 điểm và ngưỡng 1.200 điểm.

Thanh khoản nhìn chung gia tăng trong các phiên giảm sâu, cho thấy áp lực bán áp đảo lực cầu tại các vùng giá thấp. Tuy vậy, VN-Index trong phiên cuối tuần đón nhận lực cầu mạnh hơn tại vùng hỗ trợ là trung bình động EMA 200 ngày. Sự xuất hiện của lực cầu này có thể giúp chỉ số chung hãm lại đà giảm, khi dần tiến đến ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.150 điểm, đồng thời là EMA 200 tuần.

Ngoài ra, áp lực bán dàn trải trên nhiều nhóm ngành, trong đó dịch vụ tài chính, hóa chất và bất động sản chịu áp lực bán mạnh và có diễn biến giảm sâu nhất.

Nhà đầu đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, với giá trị gần 3.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị bán ròng kể từ đầu năm 2024 lên trên 20.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, thị trường có thể tiếp tục chịu áp lực khi có những tin tức trái chiều ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư. Trên thế giới, rủi ro về địa chính trị gia tăng và sự lo ngại về khả năng nền lãi suất cao sẽ kéo dài khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 9/2024. Trong nước, số liệu vĩ mô quý I/2024 tích cực, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế còn yếu gây lo ngại về khả năng đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP cả năm. Mặt khác, mối lo ngại về tỷ giá đang ngày càng tăng, gây áp lực lên chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Ngành cảng biển hồi phục nhẹ

Nhìn lại năm 2023 của ngành cảng biển Việt Nam, chúng ta có thể thấy xu hướng sụt giảm về lưu lượng hàng hóa qua các cảng chính có sự phục hồi về cuối năm, khi mức suy giảm lưu lượng từ khoảng -10% trong nửa đầu năm tăng dần lên mức +7% trong quý IV. Mức tăng của lưu lượng hàng hoá trong quý I/2024 còn tốt hơn, đạt 16%. Điều này có thể cho thấy sự phục hồi của thương mại Việt Nam sau thời kỳ suy giảm đơn hàng và nhu cầu tiêu dùng thế giới chậm lại.

Trong thời gian gần đây, ngành cảng biển tương đối nóng với vấn đề cước phí, vì xung đột ở biển Đỏ làm mặt bằng giá vận tải toàn cầu tăng mạnh. Xu hướng này kéo giá cước trên một số tuyến đường khác không đi qua biển Đỏ tăng theo.

Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hoa tiêu, bốc dỡ và lai dắt tại các cảng Việt Nam có hiệu lực cũng là một chủ đề nóng, khi được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các cụm cảng lớn, nơi tập trung nhiều lượng hàng hóa được thông quan.

Xét về phân bổ lưu lượng hàng hóa, các cụm cảng tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu đang chiếm khoảng 32,5% tổng lưu lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển. Xu hướng phát triển các cụm cảng nước sâu hiện tại vẫn còn thấp, nhưng dần dần được thể hiện rõ hơn, khi trong tương lai có nhiều dự án cảng biển nước sâu được phát triển và đưa vào vận hành, tiêu biểu như Bến 3 & 4 cảng Lạch Huyện có công suất 1,1 triệu TEUs/năm, cụm Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2 có tổng công suất 1,5 triệu TEUs/năm.

Nhu cầu vận tải đường biển dự kiến sẽ tăng nhẹ do sự phục hồi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có thể chậm và không đồng đều giữa các khu vực. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vận tải, nhưng với sự phục hồi sớm của thương mại Việt Nam, rủi ro này có thể được giảm đi phần nào. Hàng hóa container dự kiến sẽ tiếp tục là phân khúc chính, với tốc độ tăng trưởng ổn định, trong khi đó hàng rời có thể phục hồi nhẹ khi nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng. Các doanh nghiệp vận tải và cảng biển có thể được hưởng lợi nhờ lưu lượng hàng hoá tăng trưởng tích cực, trong đó nhóm doanh nghiệp đầu ngành, với dư địa công suất lớn và lợi thế cạnh tranh về vị trí được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này.

Tin bài liên quan