VN-Index tiếp tục giảm điểm dù vào vùng quá bán

VN-Index tiếp tục giảm điểm dù vào vùng quá bán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường không có thêm biến động gì trong phiên chiều khi trạng thái tiêu cực vẫn là chủ đạo, bởi áp lực bán thường trực khá mạnh và VN-Index tiếp tục chứng kiến phiên giảm sâu gần 20 điểm.

Phiên “châm ngòi” ngày 15/4 đã khiến chỉ số VN-Index phá vỡ xu hướng tích lũy trong 1 tháng trở lại và các chỉ báo kỹ thuật đều có dấu hiệu bước vào chu kỳ giảm khi thị trường đã trải qua nhịp sóng tăng kéo dài khiến định giá thị trường không còn rẻ.

Thị trường đã liên tục chứng kiến những phiên đỏ lửa và xác nhận tuần giao dịch 4 phiên do ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch từ ngày 18/4 dương lịch) tiêu cực khi VN-Index ghi nhận mức giảm lên tới hơn 100 điểm, tương ứng giảm 7,97%, kết phiên cuối tuần rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.

Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đã rơi vào vùng quá bán khi vượt sâu ra ngoài dải Bollinger Bands, chỉ số RSI xuống dưới ngưỡng 30.... Dù vậy, động lực mua vào vẫn đang khá yếu do không có thông tin hỗ trợ và đặc biệt là khả năng về việc nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng margin.

Theo báo cáo về dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán quý I, tỷ lệ đòn bẩy đã đạt mức cao nhất trong nhiều quý, đây sẽ là thông tin cần theo dõi bởi nếu thị trường rơi vào tình trạng margin call thì những phiên giảm điểm mạnh còn có thể xảy ra.

Trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Dù VN-Index khá nỗ lực để bật hồi trong phiên chiều nhưng đã không thể thành công trước áp lực bán thường trực trên diện rộng, chỉ số chung chính thức thủng đường MA200, tương đương mốc 1.175 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 18,16 điểm (-1,52%), xuống 1.174,85 điểm với 90 mã tăng, trong khi có tới 405 mã giảm (21 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,07 tỷ đơn vị, giá trị 23.693,57 tỷ đồng, cùng tăng hơn 24% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,73 triệu đơn vị, giá trị 1.271,5 tỷ đồng.

Một số mã bank lấy lại thăng bằng như ảnh cả VCB và STB đã lấy lại mốc tham chiếu, BID hồi phục với mức tăng nhẹ 0,5% cùng SHB, nhưng không đủ sức để giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng thoát khỏi điều chỉnh. Đóng cửa, nhóm cổ phiếu này vẫn giảm nhẹ 0,72%. Trong đó, SHB vẫn là mã sôi động nhất trong ngành khi đạt xấp xỉ 38,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm và khai khoáng vẫn giữ mức giảm nhẹ trên dưới 0,5%. Trong khi nhóm nhỏ lẻ sản xuất hàng gia dụng là nhóm duy nhất ngược dòng thị trường chung khi tăng nhẹ chưa tới 0,5%.

Mặt khác, nhóm chứng khoán tiêu cực hơn khi bên cạnh AGR và APG, phiên chiều có thêm VDS, BSI, CTS đóng cửa tại mức giá sàn. Toàn ngành đều giảm sâu, chỉ có duy nhất VCI giảm nhẹ chưa tới 0,5%, với VIX giảm 4,1% và giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường, đạt 47,41 triệu đơn vị; SSI giảm 3,55 và khớp hơn 29,56 triệu đơn vị…

Ngoài nhóm chứng khoán, nhiều mã trong nhóm bất động sản cũng đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo như FIR, DPG, DRH, bên cạnh các mã DXG, NHA, PDR giảm mạnh hơn 6%..., cùng mã lớn VIC và BCM giảm hơn 5%. Nhóm bất động sản cũng là nhóm ngành giảm mạnh, chỉ thua nhóm chứng khoán, khi để mất hơn 3,2%.

Trong khi đó, QCG đã lấy lại sắc tím và đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá trần 17.850 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong gần 7 năm với thanh khoản sôi động, đạt gần 3,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng chưa thể “cầm máu” do áp lực bán mạnh trên diện rộng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 5,4 điểm (-2,39%), xuống 220,8 điểm với 45 mã tăng và 137 mã giảm (15 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,7 triệu đơn vị, giá trị 1.701,4 tỷ đồng, cùng tăng gần 50% cả về khối lượng và giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,72 triệu đơn vị, giá trị 47,97 tỷ đồng.

Cặp đôi giao dịch sôi động nhất thị trường là SHS và CEO đều đóng cửa giảm hơn 6,5%, lần lượt khớp lệnh 44,78 triệu đơn vị và 14,56 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã đáng chú ý khác cũng giảm sâu như LAS vẫn nằm sàn, MBS giảm 5,2%, IDC giảm 5%, HUT và TNG cùng giảm hơn 1,5%...

Trong bối cảnh thị trường chung chìm trong sắc đỏ thì mã nhỏ TTH đã đảo chiều hồi phục sau 3 phiên liên tiếp giảm mạnh. Kết phiên, TTH tăng 10% lên mức giá trần 4.400 đồng/CP với thanh khoản đột biến đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng tràn ngập sắc đỏ và chỉ số chung vẫn ghi nhận mức giảm hơn 1%.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,99 điểm (-1,13%), xuống 87,16 điểm với 99 mã tăng và 221 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 64 triệu đơn vị, giá trị 554 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR nới rộng biên độ giảm khi đóng cửa về mức giá thấp nhất trong ngày 18.000 đồng/Cp, giảm 3,2% với khối lượng giao dịch đạt 9,49 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng đồng loạt giảm sâu hơn với AAS giảm 4,8%, SBS giảm 6%...

Trái lại, cổ phiếu VGI vẫn là điểm sáng khi duy trì đà khởi sắc dù trong phiên có chút rung lắc nhẹ. Đóng cửa, VGI tăng 1% lên mức 52.200 đồng/CP, khối lượng giao dịch hơn 1,5 triệu đơn vị.

Ngoài ra, mã nhỏ MEC có pha quay xe đầy ấn tượng, khi mở cửa đứng ở mức giá sàn và kết phiên tăng 9,3% lên mức 5.900 đồng/CP.

Trên thị trường chứng quyền, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm khá mạnh, trong đó VN30F2405 đáo hạn gần nhất là ngày 16/5, đóng cửa giảm 19,3 điểm, tương ứng giảm 1,6% xuống mức 1.191,7 điểm, với 343.787 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 38.966 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền cũng chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên CSTB2306 giao dịch sôi động nhất với hơn 4,6 triệu đơn vị khớp lệnh, đã đóng cửa tăng 25% lên 300 đồng/cq. Đứng ở vị trí tiếp theo là CFPT2313 khớp 3,36 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,7% xuống 1.680 đồng/cq.

Tin bài liên quan