để VND trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi là vấn đề lớn, vấn đề mang tầm quốc gia - Ảnh: Đức Thanh

để VND trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi là vấn đề lớn, vấn đề mang tầm quốc gia - Ảnh: Đức Thanh

VND - Những việc cần làm để trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi

(ĐTCK-online) Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng tiền tự do chuyển đổi là đồng tiền của một nước hội viên mà IMF nhận thấy đồng tiền đó được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế và được mua bán rộng rãi trên thị trường ngoại hối chủ chốt.

Có nghĩa là đồng tiền đó phải được chấp nhận ở trong nước và trên phạm vi quốc tế. Theo đó, đồng tiền tự do chuyển đổi gắn chặt với sức mạnh của nền kinh tế, đó phải là nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và tính ổn định kinh tế vĩ mô bền vững.

Mặt khác, để tự do chuyển đổi, trước hết đồng tiền đó phải có tính chuyển đổi, có nghĩa là đồng tiền đó có thể được chuyển đổi sang ngoại tệ mà không có bất kỳ hạn chế nào.

Thông thường, người ta nói đến mức độ chuyển đổi của đồng tiền theo giao dịch, gồm chuyển đổi đối với các giao dịch vãng lai, chuyển đổi đối với các giao dịch vốn. Một đồng tiền được chuyển đổi trong một giao dịch nào đó phải gắn với ba nội dung: một là, giao dịch đó phải được phép; hai là, không có hạn chế nào trong việc chuyển đổi (mua bán ngoại tệ) để phục vụ mục đích thanh toán; ba là, ngoại tệ phải được đáp ứng theo yêu cầu của người mua, phục vụ thanh toán cho giao dịch đó. Trên thực tế, có thể xảy ra trường hợp giao dịch đó là giao dịch được phép, nhưng việc mua ngoại tệ để thanh toán cho giao dịch đó bị hạn chế. Trường hợp này, khả năng chuyển đổi của đồng tiền đã bị hạn chế.

Diễn biến tỷ giá USD/VND giai đoạn 1/2009 - 6/2010

Diễn biến tỷ giá USD/VND giai đoạn 1/2009 - 6/2010

Đối với Việt Nam, nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam (VND) là mục tiêu đã được khẳng định trong Pháp lệnh Ngoại hối và hướng tới đồng tiền tự do chuyển đổi hoàn toàn là một mục tiêu mong muốn.

Pháp lệnh Ngoại hối ban hành năm 2005 là cơ sở pháp lý rất thông thoáng cho tính chuyển đổi của VND. Tháng 11/2005, IMF chính thức công nhận Việt Nam đã thực hiện tự do hóa giao dịch vãng lai, có nghĩa là VND đã được chuyển đổi tự do trong các giao dịch vãng lai, còn các giao dịch vốn chưa được tự do hoàn toàn, nhưng những hạn chế là không nhiều. Hiện nay, trong giao dịch vốn chỉ còn hạn chế về dòng vốn đầu tư gián tiếp, bên cạnh đó là một số hạn chế về đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh thì tính chuyển đổi của VND còn thấp, bởi những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, nền kinh tế còn một số bất cập. Thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cho thấy, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nhanh chóng vượt qua thời kỳ bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2010 tương đối khả quan, đạt mức trên 6% (quý I, GDP tăng trưởng 5,82%, quý II tăng gần 6,4%); lạm phát được kiểm soát ở mức mong muốn và tương đối ổn định trong 3 tháng gần đây (tháng 3, CPI tăng 0,75%, tháng 4 tăng 0,14%, tháng 5 tăng 0,27%, tháng 6 tăng 0,22%); đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, tháng 6, FDI tăng 900 triệu USD, nâng mức vốn FDI 6 tháng lên 5,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với thế giới. Báo cáo đánh giá năng lực trạnh tranh tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2010 cho thấy, xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2009 - 2010 đứng thứ 75/133 (năm 2008 - 2009 đứng thứ 70/132). Có sự mất cân đối kinh tế vĩ mô như thâm hụt lớn giữa tiết kiệm và đầu tư, vấn đề nợ công ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát…

Thứ hai, thị trường tài chính tiềm ẩn một số nhân tố bất ổn. Khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất cập của nền kinh tế Việt Nam được biểu hiện rõ nét trong năm 2008 và 2009 vừa qua (lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, đầu tư nước ngoài giảm...), cùng với hệ lụy của các giải pháp, chính sách chống suy giảm kinh tế đã gây nên những hạn chế nhất định đến mức độ chuyển đổi của VND, đó là gây sự ép giảm giá VND, gây khan hiếm ngoại tệ, nhu cầu thanh toán ngoại tệ của doanh nghiệp có những lúc không được đáp ứng đầy đủ và kịp thời...

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hàng loạt biện pháp đồng bộ như điều chỉnh biên độ tỷ giá, chống đầu cơ ngoại tệ, thắt chặt kỷ luật thị trường ngoại hối, hạn chế nhập siêu, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lãi suất VND với lãi suất ngoại tệ và tỷ giá, xử lý vấn đề sàn vàng... Các biện pháp đó đến nay đã phát huy hiệu quả, tỷ giá tương đối ổn định và có chiều hướng đi xuống (trong tháng 6, chỉ số giá USD giảm 0,17% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp USD giảm giá), ngoại tệ trên thị trường không còn khan hiếm, các doanh nghiệp được đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu mua ngoại tệ.

Với thực trạng kinh tế và thị trường tài chính như hiện này, để tiếp tục nâng cao tính chuyển đổi của VND và hướng tới một đồng tiền tự do chuyển đổi, những việc cần làm là:

(i) Các bộ, ngành cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách tại Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ, đó là những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán là 1 trong 6 giải pháp lớn góp phần nâng cao tính chuyển đổi của VND.

(ii) Về mặt trung, dài hạn, Việt Nam cần cấu trúc lại nền kinh tế theo mô hình phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng; tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề trọng điểm có thể làm đòn bẩy phát triển kinh tế của cả nước; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, nói cách khác là hướng tới một mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn và hoàn cảnh mới để có thể phát huy tối đa năng lực cạnh tranh của quốc gia. Lộ trình cấu trúc lại nền kinh tế phải được xây dựng trong chiến lược phát triển kinh tế tổng thể với thời gian 20 - 30 năm, với những giải pháp cụ thể cùng với quyết tâm chính trị cao, nhằm đảm bảo Việt Nam trong tương lai là một quốc gia có nền kinh tế mạnh, năng lực cạnh tranh cao.

(iii) Xây dựng giải pháp và lộ trình cụ thể để giảm dần thâm hụt giữa tiết kiệm và đầu tư. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao dự trữ ngoại tệ quốc gia - một điều kiện đủ để nâng cao tính chuyển đổi của VND.

(iv) Sức mạnh của đồng tiền, ngoài sự bảo trợ tích cực của tiềm lực kinh tế, thì cần ổn định giá trị đồng tiền và tạo lòng tin cho dân chúng. Vì vậy, các giải pháp, chính sách kinh tế vĩ mô hàng năm, nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần coi trọng mục tiêu kiểm soát lạm phát - mà lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức hợp lý là cơ sở vững chắc cho sự ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

(v) Củng cố nền tảng tài chính. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với cả thế giới. Bởi lẽ, khủng hoảng tài chính vừa qua đã bộc lộ khả năng quản trị rủi ro của các định chế tài chính xuất hiện nhiều lỗ hổng, như sử dụng đòn bẩy quá mức, thiếu kiểm soát đối với các tài sản ngoại bảng, thiếu thông tin về các sản phẩm chứng khoán hóa. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát cũng tỏ ra bất lực vì không đưa ra được dự đoán về khủng hoảng. Sự phát triển quá mức của các hệ thống tương tự ngân hàng đã làm phức tạp thị trường và gây khó khăn cho công tác giám sát. Trên bình diện quốc tế cũng cần có một hệ thống thống nhất điều tiết và giám sát các hoạt động tài chính mang tính toàn cầu.

(vi) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối và đổi mới điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá cho phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế và thị trường tài chính, nhắm đảm bảo tránh áp lực của “bộ ba bất khả thi” trong điều hành kinh tế vĩ mô.

(vii) Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ nguồn vốn ra (vào) Việt Nam, đảm bảo khả năng cung ngoại tệ trong trường hợp có sự dịch chuyển vốn, từ đó đáp ứng được điều kiện đủ để nâng cao tính chuyển đổi của VND. Nghiên cứu và áp dụng những chính sách đối phó với luồng vốn vào nhiều để có giải pháp chính sách tiền tệ phù hợp, hạn chế tác động của luồng vốn tới những diễn biến tiền tệ gây áp lực tăng lạm phát.

Có thể nói, để VND trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi là vấn đề lớn, vấn đề mang tầm quốc gia, gắn liền với lộ trình phát triển kinh tế, phát triển thị trường tài chính theo hướng tự do hóa và phát triển hệ thống tài chính vững mạnh.