Đầu tư vàng tiềm ẩn rủi ro lớn từ chênh lệch mua vào – bán ra và chênh lệch với thị trường quốc tế

Đầu tư vàng tiềm ẩn rủi ro lớn từ chênh lệch mua vào – bán ra và chênh lệch với thị trường quốc tế

Vốn chảy vào vàng có đáng lo?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức nóng của vàng lan tỏa đã thu hút lượng vốn đổ vào kênh đầu tư này.

Vàng tăng tạo áp lực lên tỷ giá

Giá vàng quốc tế vẫn neo trên 2.000 USD/ounce sau khi chạm mức 2.195 USD/ounce trong phiên 8/3. Các dự báo đưa ra, giá vàng thế giới có thể điều chỉnh giảm trước khi tăng trở lại, song mức điều chỉnh không đáng kể.

Giá vàng quốc tế tăng đã kéo giá vàng trong nước tăng phi mã thời gian gần đây. Vàng miếng SJC vượt ngưỡng lịch sử 82 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng không kém, gần chạm 70 triệu đồng/lượng. Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, tình hình địa chính trị ở một số quốc gia trên thế giới còn căng thẳng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giảm lãi suất USD vào tháng 6 tới sẽ hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng và giá kim loại quý này sẽ đạt kỷ lục mới.

Nhu cầu vàng trong nước luôn có, thậm chí ở mức cao, trên 50 tấn/năm, nên giá vàng tăng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng gom ngoại tệ nhập vàng, đẩy tỷ giá USD/VND tăng và Ngân hàng Nhà nước gần đây đã phải can thiệp thông qua mở lại kênh tín phiếu.

Sức nóng của vàng khiến nhiều người “đứng ngồi không yên” và thực tế, không ít nhà đầu tư đã kiếm được lợi nhuận nếu mua vào ở thời điểm trước. Số liệu Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa đưa ra cho thấy, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng 55,5 tấn trong năm 2023 - một con số được cho là không hề nhỏ. Đáng chú ý, ông Shaokai Fan, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC cho hay, đầu tư vàng tại Việt Nam tăng mạnh trong quý IV/2023, nhờ sự điều chỉnh giá.

Theo ông Shaokai, hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng ở Việt Nam chênh lệch lớn với giá quốc tế. Thực tế, ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ thì nhu cầu vàng trong nước vẫn tăng rất mạnh mẽ và đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức (vàng lậu).

Chuyên gia WGC cho rằng, “vàng hóa” không còn là mối lo ngại của Việt Nam do vị thế nền kinh tế hiện nay đã khác rất nhiều 15 năm trước. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ. Chừng nào nền kinh tế vẫn tăng trưởng, đồng nội tệ vẫn ổn định thì sẽ không có nguy cơ “vàng hóa”.

Trong khi đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, hàng năm, nước ta phải chi hàng tỷ USD để nhập lậu vàng. Việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức 15 - 20 triệu đồng/lượng càng kích thích nhập lậu vàng, gây áp lực lớn lên tỷ giá.

Rủi ro khi rót vốn vào vàng

Thực tế, khi cầu đầu tư tăng, cung bị hạn chế đã dẫn đến mức chênh lệch đáng kể giữa giá vàng SJC so với giá vàng trên thị trường quốc tế. Giá trị đồng nội tệ giảm liên tục trong suốt thời gian qua, cộng với kinh tế trong giai đoạn khó khăn đẩy nhu cầu vàng tăng cao. Giới phân tích cho rằng, hiện có hai rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư vàng, chính là chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới lên đến hàng chục triệu đồng/lượng; chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào quá lớn. Tại mỗi công ty, mức chênh lệch cũng khác nhau.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank đánh giá, giá vàng liên tục tạo đỉnh mới và hiện đã ở mức khá cao. Thêm vào đó, chênh lệch giá vàng SJC và vàng quốc tế quá lớn nên nhà đầu tư cần thận trọng.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, nếu như đầu tư vàng từ những quý cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhà đầu tư có thể lời khoảng 10%. Nhưng giá vàng đang tăng nóng, rủi ro cũng gia tăng.

Ông Huỳnh Trung Khánh cũng khuyến nghị nhà đầu tư trong nước nên cẩn trọng khi rót tiền vào vàng. Bởi không chỉ chênh lệch giá trong nước và quốc tế tăng cao, mà một khi vàng tăng nóng, biên độ giá mua vào - bán ra cũng được các nhà kinh doanh vàng nới khá rộng, nhằm đẩy hết rủi ro cho người mua vàng. Thực tế, nhiều người mua vàng ở mức 78 - 79 triệu đồng/lượng, nhưng khi giá lên 80 triệu đồng/lượng muốn chốt lời thì đem bán cũng chỉ được giá 78,5 - 79 triệu đồng/lượng.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm tăng cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xóa độc quyền vàng miếng để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới, thu hẹp chênh lệch giá, giảm áp lực lên tỷ giá.

Trên thực tế, Nghị định 24 được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Dù giá vàng tăng giảm thất thường, song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng. Mặc dù Nghị định 24 đã đạt được những kết quả nhất định, kiểm soát được thị trường vàng, tỷ giá, song giới kinh doanh vàng cho rằng, cần sớm sửa đổi.

Với rủi ro trên thị trường vàng nội địa luôn hiện hữu, bất động sản còn trầm lắng, kênh đầu tư tốt nhất với đa số nhà đầu tư thời điểm hiện tại được giới phân tích cho rằng, vẫn là cổ phiếu. Nguyên nhân, thị trường chứng khoán đang có thanh khoản tốt. Với nhiều tín hiệu hỗ trợ tích cực cho xu hướng tăng trưởng trong trung dài hạn, chắc chắn dòng tiền lớn sẽ vào kênh này.

Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), so sánh với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cũng như triển vọng của thị trường thì cho thấy, khả năng VN-Index còn tiếp tục tăng.

Ông Long nhấn mạnh, năm 2024 là năm tương đối khả quan với kênh đầu tư chứng khoán, khi có nhiều yếu tố thuận lợi cho thị trường và sức khoẻ của doanh nghiệp cũng phục hồi. Dòng tiền của nhà đầu tư có lợi thế tham gia vào thị trường khi mặt bằng lãi suất thấp.

Theo tính toán của BSC, trong kịch bản lạc quan nhất, chỉ số VN-Index có thể lên mức 1.400 điểm trong năm nay. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chiếm 40% vốn hóa của thị trường và đóng góp 67 - 68% vào tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán dự báo tiếp tục là dòng cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, thị trường vàng có triển vọng tăng giá cao song rủi ro lớn không kém. Thị trường bất động sản có thể hồi phục vào nửa sau năm 2024, song vấn đề của kênh đầu tư này là đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro thị trường và chưa có sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm liên tục tạo đáy sâu nên chứng khoán vẫn được xem xét.

Tin bài liên quan