Vốn ít nhưng ưa thích bluechip, làm sao khi thị trường "lình xình"?

Vốn ít nhưng ưa thích bluechip, làm sao khi thị trường "lình xình"?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường cơ sở biến động, xu hướng khó đoán định, giao dịch chứng quyền là một chiến lược phù hợp khi nhà đầu tư muốn giảm quy mô đầu tư và giới hạn mức rủi ro. Vậy chiến thuật lựa chọn và giao dịch chứng quyền như thế nào là hợp lý trong giai đoạn này?

Để nhà đầu tư hiểu rõ hơn về chiến lược đầu tư sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) trong giai đoạn thị trường biến động, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh - Công ty cổ phần Chứng khoán SSI - đơn vị hàng đầu về phát hành chứng quyền trên thị trường hiện nay.

Nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường cơ sở lình xình và các ngành phân hóa mạnh. Ông có cho rằng đây là thời điểm thích hợp để giao dịch chứng quyền?

Khi thị trường lình xình, nhưng có sự phân hóa mạnh diễn ra giữa các nhóm/ngành/các mã cổ phiếu, thì tôi nghĩ đây là thời điểm khá tốt để mua chứng quyền.

Chứng quyền là sản phẩm đòn bẩy cao và quyền phí thấp (so với giá chứng khoán cơ sở), nên trong lúc thị trường có sự phân hóa, nhà đầu tư có thể được hưởng lợi từ những chứng quyền của chứng khoán cơ sở thể hiện tốt trong khi rủi ro khi đầu tư vào chứng quyền của mã chứng khoán giảm giá được giới hạn ở mức quyền phí thấp.

Chứng quyền là một sản phẩm đầu tư có tính rủi ro cao. nhưng nếu nhà đầu tư có thể giới hạn được rủi ro qua việc phân bổ hợp lý NAV của mình vào các mã chứng quyền thì tôi nghĩ nhà đầu tư tối ưu hơn được lợi nhuận trong lúc thị trường phân hóa và có nhiều biến động như hiện nay.

Ngoài chiến lược mở mới trạng thái trực tiếp trên sản phẩm chứng quyền như đã nói ở trên, nhà đầu tư cũng có sử dụng chứng quyền như một công cụ giúp duy trì trạng thái trên cổ phiếu mục tiêu mà không phải mạo hiểm với toàn bộ số vốn của mình.

Cụ thể, sau khi nhà đầu tư bán cổ phiếu trong danh mục hiện có, họ có thể phân bổ một tỷ lệ hợp lý của vốn vừa rút ra sang chứng quyền. Khi đó, nếu giá cổ phiếu diễn biến phù hợp với nhận định, nhà đầu tư vẫn có thể đạt được mức sinh lời như đối với việc giữ nguyên trạng trên cổ phiếu, còn khi cổ phiếu cơ sở giảm giá, nhà đầu tư chỉ chịu rủi ro trên phần vốn đầu tư bỏ vào sản phẩm chứng quyền.

Thị trường đã áp dụng T+1,5, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán sớm hơn. Vậy chứng quyền là phù hợp với nhóm “nghiện giao dịch”?

Chứng quyền là sản phẩm tối ưu cho chiến lược giao dịch ngắn hạn, nên việc giảm thời gian giao dịch xuống T+1,5 có thể giúp nhà đầu tư dễ dàng tận dụng và tối ưu hóa những nhịp tăng ngắn.

Sự kết hợp giữa chiến lược giao dịch ngắn hạn và thời gian giao dịch được thu ngắn lại đặc biệt hữu ích cho đầu tư chứng quyền trong bối cảnh thị trường lình xình như hiện tại, với nhiều đợt tăng giảm ngắn xen kẽ thay vì một tăng/giảm kéo dài.

Ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh - CTCP Chứng khoán SSI.

Ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh - CTCP Chứng khoán SSI.

SSI vừa niêm yết 28 chứng quyền với đa dạng các mã cũng như kỳ hạn. Khi nhiều lựa chọn như vậy, ông có thể “mách nước” chọn chứng quyền?

SSI phát hành chứng quyền đa dạng trên các ngành và kỳ hạn khác nhau để với mỗi thời điểm của thị trường, nhà đầu tư có thể chọn cho mình một chứng quyền phù hợp để giao dịch.

Về phương pháp, nhà đầu tư nên phân tích và lựa chọn chứng quyền theo phương pháp top down, từ phân tích xu hướng thị trường chứng khoán, tới ngành, cổ phiếu, cuối cùng là chứng quyền cụ thể.

Sau khi nhà đầu tư đã chọn được cổ phiếu mục tiêu, dựa trên cấu trúc chứng quyền và mức chấp nhận rủi ro của cá nhân để có thể chọn cho mình chứng quyền phù hợp nhất.

Ví dụ, các nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể chọn chứng quyền có thời gian đáo hạn ngắn hoặc đang ở trạng thái OTM (giá thực hiện cao hơn giá thị trường) để mua bán, bởi tính đòn bẩy cao của loại chứng quyền này.

Trong khi đó, nhà đầu tư ngại rủi ro nên chọn chứng quyền đang ở trạng thái ITM (giá thực hiện thấp hơn giá thị trường) hoặc thời gian đáo hạn xa để giao dịch vì khi đó tỷ lệ đòn bẩy của loại chứng quyền này sẽ thấp hơn và phù hợp với khẩu vị rủi ro.

28 chứng quyền của SSI gắn liền bluechip ở các ngành dự báo tích cực. Chẳng hạn, ngân hàng trong câu chuyện nới room tín dụng, nhóm bán lẻ hưởng lợi khi kinh tế hồi phục… Nhiều lựa chọn tốt là vậy, nhưng theo ông, nhà đầu tư nắm giữ bao nhiêu chứng quyền trong danh mục là hợp lý?

Các chứng quyền của SSI phát hành đều gắn với cổ phiếu bluechip ở những ngành chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam (ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và vật liệu xây dựng). Tuy nhiên, các ngành này có động lực phát triển riêng tùy thời điểm và ít khi đồng thuận tăng giá.

Vì vậy, nhà đầu tư nên lựa chọn ngành triển vọng ngắn hạn tốt nhất tại thời điểm đầu tư, rồi lọc 1 hoặc 2 chứng quyền của những cổ phiếu thuộc nhóm ngành này để đầu tư. Theo tôi, việc phân bổ một tỷ lệ vốn đầu tư hợp lý vào sản phẩm chứng quyền nói chung quan trọng hơn số lượng chứng quyền nắm giữ trong danh mục. Mỗi người lại có một khẩu vị rủi ro khác nhau, do đó tỷ lệ vốn của mỗi người vào chứng quyền cũng sẽ khác nhau.

Ngày 22/9, 28 mã chứng quyền do SSI phát hành cuối tháng 8/2022 đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE.

Ngày 22/9, 28 mã chứng quyền do SSI phát hành cuối tháng 8/2022 đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE.

Nhà đầu tư có tâm lý chọn chứng quyền kỳ hạn dài để dễ quản trị rủi ro hơn. Ông đánh giá thế nào về quan điểm trên?

Với các tham số đầu vào giống nhau, chứng quyền kỳ hạn dài nói chung ít biến động hơn so với kỳ hạn ngắn, nên thường được nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình lựa chọn để giao dịch.

Tuy nhiên, để quản trị rủi ro khi mua bán chứng quyền, nhà đầu tư cần chú ý tới những yếu tố quan trọng khác. Cụ thể, việc phân tích xu hướng thị trường và chọn ra cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong trung hạn.

Sau đó, khi chọn giao dịch một mã cụ thể trong số những chứng quyền trên cổ phiếu này, nhà đầu tư nên lựa chọn dựa trên một số yếu tố.

Thứ nhất, chứng quyền có thanh khoản tốt và ổn định từ khi lên niêm yết. Thứ hai, chứng quyền được tạo lập bởi tổ chức phát hành có uy tín và kinh nghiệm. Thứ ba, chứng quyền có giá hợp lý.

Sau khi có được danh sách chứng quyền rút gọn, nhà đầu tư có thể chọn chứng quyền phù hợp nhất để giao dịch dựa trên cấu trúc chứng quyền và mức chấp nhận rủi ro.

Ví dụ, nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể chọn chứng quyền có thời gian đáo hạn gần, độ biến động ngầm định thấp và đang ở trạng thái OTM để mua bán, bởi tính đòn bẩy cao của loại chứng quyền này. Nhóm ngại rủi ro có thể chọn chứng quyền đang ở trạng thái ITM để giao dịch.

Ngày 22/9/2022, 423 triệu chứng quyền có bảo đảm (Chứng quyền - Covered Warrant - CW) của 28 mã chứng quyền mới được CTCP Chứng khoán SSI phát hành sơ cấp cuối tháng 8/2022 chính thức niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ghi nhận đây cũng là đợt phát hành chứng quyền có khối lượng lớn nhất của SSI từ trước đến nay.

28 mã chứng quyền được SSI phát hành và niêm yết lần này dựa trên 12 bluechip tiềm năng cho nhà đầu tư trong giai đoạn cuối năm và nửa đầu năm 2023, chủ yếu là các mã thuộc ngành ngân hàng (ACB, MBB, STB, TCB, TPB, VPB), bất động sản và vật liệu xây dựng (VHM, KDH và HPG) và nhóm bán lẻ (FPT, MWG, VRE).

Các chứng quyền tương ứng với mỗi mã chứng khoán cũng có nhiều kỳ hạn khác nhau, gồm 4 tháng, 7 tháng và 12 tháng giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn để đa dạng hóa danh mục, cũng như linh hoạt trong việc tối ưu lợi nhuận cả ngắn và dài hạn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều biến động.

Tin bài liên quan