Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6 - 7% và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trên 20% trong năm 2021. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6 - 7% và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trên 20% trong năm 2021. Ảnh: Shutterstock.

Vốn ngoại sẽ sớm giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm qua, thị trường chứng khoán tăng điểm nhờ dòng tiền nội, trong khi dòng tiền ngoại liên tục bán ròng. Năm nay, dòng vốn ngoại được nhiều ý kiến nhận định sẽ quay lại giải ngân, góp phần giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Kinh tế và chứng khoán Việt Nam được đánh giá cao

Trong phiên thị trường giảm sốc ngày 19/1/2021, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng và có thêm một phiên mua ròng trước khi quay trở lại xu hướng bán ròng kéo dài kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, ghi nhận ở một số công ty chứng khoán có thị phần khách hàng nước ngoài lớn, các động thái gần đây của khối ngoại có dấu hiệu khả quan hơn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán Khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, hầu hết các quỹ nước ngoài mà SSI trao đổi đều đánh giá cao việc khống chế dịch bệnh Covid-19 và các kết quả vĩ mô đạt được của Việt Nam trong năm 2020, đồng thời nhận định kinh tế trong năm 2021 sẽ tăng mạnh mẽ. Nhận định chung là kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6 - 7% và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trên 20% trong năm 2021.

SSI nhận thấy sự dịch chuyển dòng tiền của khối ngoại trong năm 2020 (theo hướng rút ra khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi) về cơ bản đã hoàn tất. Nhiều quỹ đang đảo danh mục và duy trì trạng thái tiền mặt thấp, một số quỹ có thêm lượng tiền đầu tư mới trong thời gian qua.

Theo ông Anh Đức, nhiều quỹ nước ngoài kỳ vọng, P/E thị trường Việt Nam sẽ đạt 18 - 20 lần trong năm nay so với mức 15,5 lần vào cuối năm 2020 (theo dự phóng lợi nhuận năm 2021). Qua đó, lợi nhuận có triển vọng đạt 16 - 29%. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chủ trương đẩy mạnh đầu tư công, phục hồi tiêu dùng nội địa, tăng cường xuất khẩu, duy trì lãi suất thấp là những động lực chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2021.

Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho hay, nhóm khách hàng nước ngoài vẫn giữ dòng vốn ở lại thị trường Việt Nam trong năm 2020 rất hào hứng khi thu được thành quả tốt, còn với nhóm bán hết cổ phiếu để rút vốn về thị trường Mỹ theo dòng chảy chung của dòng vốn đầu tư quốc tế thì có phần tiếc nuối. Với thành tích tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư có tâm lý tiếc nuối này đang quan tâm tới thị trường hơn, nhưng để ra quyết định quay lại mua ròng thì cần theo dõi thêm tình hình thị trường Mỹ và cả thị trường Việt Nam.

Ông Thành dự báo, dòng vốn ngoại sẽ dần quay lại thị trường Việt Nam, nhất là trong nửa cuối năm 2021, khi nền kinh tế và các doanh nghiệp hoạt động ổn định hơn.

Trong khi đó, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Mirae Asset Việt Nam đánh giá, so với các thị trường khác trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2020 đến hết quý III có diễn biến kém hơn, nhưng dần thu hẹp khoảng cách tăng trưởng trong quý IV. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,5 tỷ USD, nếu loại trừ thương vụ mua cổ phiếu VHM. Động thái bán ròng của khối ngoại là yếu tố khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sức hấp dẫn trong 3 quý đầu năm, khi các nhà đầu tư mới (F0) chưa nổi lên mạnh mẽ như quý IV.

Thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều tiềm năng. Chỉ so sánh đơn giản chỉ số P/E thị trường Mỹ 37 lần, còn P/E thị trường Việt Nam hơn 17 lần, trong khi lợi nhuận trên mỗi cổ phần năm 2021 của các doanh nghiệp có triển vọng tăng mạnh.

Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngạc nhiên hỏi vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thế, liệu có còn cơ hội cho họ tham gia? Ông Minh chia sẻ góc nhìn với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Chỉ so sánh đơn giản chỉ số P/E thị trường Mỹ 37 lần, còn P/E thị trường Việt Nam hơn 17 lần, trong khi lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2021 của các doanh nghiệp có triển vọng tăng mạnh.

“Tôi kỳ vọng, dòng tiền nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam và nhìn bằng góc nhìn khác. P/E hiện 17 - 18 lần, nhưng năm 2021, EPS dự đoán tăng mạnh hơn các quốc gia khác, thì P/E còn thấp hơn nữa”, ông Minh nói.

Triển vọng khối ngoại mua ròng

Thị trường đang kỳ vọng vào một số thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn sẽ được thực hiện trong năm 2021 và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bên cạnh đó, kế hoạch bán vốn cho khối ngoại của một số doanh nghiệp vốn bị trì hoãn trong năm 2020 vì dịch bệnh Covid-19 sẽ được tái khởi động. Chẳng hạn, VPBank muốn bán bớt phần vốn tại FE Credit, SHB muốn bán vốn cho đối tác ngoại tại SHBFC, hay Masan đang được kỳ vọng sẽ có đối tác chiến lược Hàn Quốc…

Ông Đức cho biết, SSI có quan điểm tích cực về dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 dựa trên 3 cơ sở chính.

Thứ nhất là sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư nước ngoài giữa các nhóm thị trường trên thế giới trong năm 2020 đã cơ bản hoàn tất.

Thứ hai, Việt Nam có mức độ ổn định và phục hồi kinh tế cao trong năm 2020 và sẽ tiếp tục nổi bật trong năm 2021 so với các nước khác.

Thứ ba, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng tỷ trọng trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index từ 17% lên 30,5% và trở thành thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong chỉ số.

SSI nhận thấy có các quỹ đầu tư mới vào Việt Nam tới từ Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu trong một vài tháng gần đây.

Công ty cũng nhận thấy các quỹ toàn cầu chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi gia tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam sau khi MSCI Frontier Markets Index nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số giai đoạn cuối năm ngoái. Ngoài ra, một số quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi đã bắt đầu giải ngân vào thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, ông Minh chia sẻ, vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài hỏi thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam, yêu cầu Mirae Asset tăng cường cung cấp các báo cáo. Đáng chú ý, không ít quỹ đầu tư, bao gồm quỹ của Anh đang dự kiến giải ngân vào Việt Nam.

“Tôi cho rằng, vốn ngoại vào Việt Nam sẽ mua ròng, thậm chí mua ròng mạnh, một số thương vụ đang diễn ra”, ông Minh nói.

Nhiều công ty chứng khoán khác nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn trong và ngoài nước. Dòng tiền đầu tư toàn cầu thường chú ý đến những thị trường cận biên hoặc mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Việc nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục mạnh khi Covid-19 được kiểm soát tốt, lãi suất duy trì ở mức thấp, dự trữ ngoại hối gia tăng, nợ công trong ngưỡng cho phép, tỷ giá ổn định sẽ là trụ đỡ cho đà tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2021 và thu hút dòng vốn ngoại.

Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index là một trong những yếu tố sẽ thu hút mạnh mẽ vốn ngoại. Thực tế, nhiều quỹ ngoại có quy mô hàng trăm triệu USD đang sử dụng MSCI Frontier Markets Index làm chỉ số tham chiếu.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp thị trường đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư chuyên nghiệp nhờ cải thiện tính minh bạch của các chủ thể tham gia.

Tin bài liên quan