Nền kinh tế còn thiếu nhiều tiền
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ cho biết, đua tăng lãi suất huy động là cuộc chơi “khô máu”, nhưng nhiều ngân hàng không có sự lựa chọn khi thị trường liên ngân hàng thời gian qua gần như đóng băng.
Theo vị giám đốc này, cuộc đua tăng lãi suất bắt đầu từ cuối tháng 6/2022, nhưng tính đến cuối tháng 9/2022, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, huy động của các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng 4,04%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%.
“Tình hình mới chớm cải thiện sau quyết định tăng lãi suất của nhà điều hành vào cuối tháng 9 thì sang tháng 10 với sự kiện Vạn Thịnh Phát, các ngân hàng quay sang trạng thái phòng thủ nên thanh khoản càng khó khăn hơn”, vị giám đốc trên nói.
Giám đốc một chi nhánh của TPBank tại Bắc Ninh nhận xét: “Tiền huy động về như rơi vào thùng không đáy trước áp lực cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại vẫn còn rất lớn, khi khoảng cách tín dụng - huy động ngày càng nới rộng”.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nêu quan điểm, sự lệch pha tăng trưởng giữa huy động và tín dụng là nguyên nhân kéo mặt bằng lãi suất đầu vào tăng vọt từ đầu năm 2022 đến nay, cũng như đẩy tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của các ngân hàng thương mại lên mức cao.
Nới room tín dụng cần có dòng tiền mới, nếu không, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động.
Tính toán của bà Hiền theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (phần huy động có thêm giấy tờ có giá, vay liên ngân hàng...) cho thấy, vào cuối quý III/2022, các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỷ lệ LDR tăng mạnh so với cuối năm 2021, một số nhà băng gần chạm ngưỡng trần quy định (85%) như BID là 84%, ACB là 83%, VCB là 82,6%, CTG là 82%, LPB là 81,2%, MBB là 79%, TCB là 78,2%, VPB là 76,5%, VIB là 74,3%.
Một cách tính LDR khác là lấy cho vay chia cho huy động theo báo cáo tài chính. Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của 27 ngân hàng thể hiện, tỷ lệ LDR khách hàng bình quân của nhóm này là 105,3%, tăng so với con số 97,9% cuối năm 2021. Đáng chú ý, 16 tổ chức tín dụng có tỷ lệ LDR vượt hoặc bằng 100%, nghĩa là ngân hàng đang cho vay nhiều hơn cả số tiền gửi của khách hàng.
Theo đó, VPB là ngân hàng có tỷ lệ LDR cao nhất trong nhóm khảo sát, lên tới 145,1%, tức cho vay 145,1 đồng trong khi tiền gửi từ khách hàng là 100 đồng. Tương tự, SSB có tỷ lệ LDR là 132,3%, tại TCB là 128,7%,VIB là 119,6%, HDB là 118,6%…
“Nếu các quy định về cho vay vẫn giữ như hiện nay (tỷ lệ LDR, tỷ lệ cho vay bất động sản…), thì chỉ có số ít các ngân hàng thương mại giải được bài toán thanh khoản và có khả năng cho vay mới”, bà Hiền dự báo.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 được nới, nhưng tình trạng tiền ra ít sẽ chỉ giải quyết được thanh khoản của chính các ngân hàng. Nói cách khác, giúp các ngân hàng chuyển được tỷ lệ LDR từ trên 100% về 85% nên tiền vào trong lưu thông sẽ không đáng bao nhiêu. Nới room tín dụng cần có dòng tiền mới, nếu không, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động.
“Theo tính toán của tôi, đến hết tháng 11/2022, tốc độ tăng trưởng M2 (cung tiền, bao gồm tiền mặt - M1, tiền của các ngân hàng thương mại ở Ngân hàng Nhà nước, tiền của ngân sách ở Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng thương mại...) mới chỉ được 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, GDP tăng 8,5%, lạm phát 3,5%, nghĩa là tăng trưởng kinh tế tính theo giá trị hiện hành (GDP danh nghĩa) là 12%, mà M2 chỉ tăng 7% là thấp. M2 đang thiếu so với GDP danh nghĩa. Nói cách khác, tốc độ tăng cung tiền chậm hơn tốc độ tăng của GDP danh nghĩa và tiền ít nên vòng quay của tiền chậm lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế còn thiếu tiền hơn nữa”.
Mở đường bơm tiền
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, dường như có thêm nhu cầu về thanh khoản từ các ngân hàng Việt Nam, có lẽ là bởi đồng Việt Nam có thời điểm mất giá gần 9% so với USD trong thời gian qua. Theo đó, mọi người có thể gia tăng sự quan tâm đến việc nắm giữ USD do vấn đề mất giá này. Tuy nhiên, gần đây, đồng Việt Nam đã phục hồi phần nào.
“Thực tế, tại một số ngân hàng, thanh khoản đã trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng một số ngân hàng khác đang gặp vấn đề. Nhìn chung, thị trường đang khá tốt. Chúng tôi không nhận thấy mối lo ngại quá lớn mang tính hệ thống về sự an toàn hoặc tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Andrew Jeffries nói.
Dẫu vậy, ngày 30/11/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước, bổ sung 3 loại giấy tờ có giá. Một là, trái phiếu chính quyền địa phương. Hai là, trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Ba là, trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc), trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, Thông tư 16/2022/TT-NHNN quy định các loại giấy tờ có giá khác được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn.
Đáng chú ý, sau 3 tháng không niêm yết giá mua ngoại tệ, ngày 15/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước công bố mua vào ngoại tệ với mức giá 23.450 VND/USD, cao hơn so với mức giá niêm yết mua ngoại tệ gần nhất là 22.550 VND/USD ngày 6/9.
Mặc dù vậy, TS. Nghĩa cho rằng, “bơm” tiền từ bây giờ, may ra 3 tháng sau mới ra được đến thị trường.
Trong diễn biến có liên quan, tại cuộc họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh được tổ chức tuần qua, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua thị trường mở (OMO), cho vay tái cấp vốn, hoán đổi ngoại tệ.
“Tất nhiên, giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính hay để các ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng ngược lại, không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận và cổ đông phải chia sẻ”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
“Diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy, ngân hàng nhỏ trước “cơn sóng dữ là tròng trành” nên chiến lược là phải nâng cao quy mô, bởi quan trọng là thanh khoản, an toàn của hệ thống”, vị phó thống đốc nhấn mạnh.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, dòng vốn chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 100% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị, kể cả đầu ra và ở thị trường trong nước. Trong đó, khó khăn về vốn, lãi suất sẽ nằm ở thứ tự thứ tư, thứ năm.
“Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện cho Ngân hàng Nhà nước về tăng tín dụng, đặc biệt sử dụng tích cực hơn cho việc hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thì bản thân các tổ chức tín dụng cần xem ứng xử như thế nào với các rủi ro về kỳ hạn, lãi suất, tính thanh khoản… Cuối cùng, mọi việc phải dựa trên cơ chế thị trường, tránh đưa ra những biện pháp hành chính quá mức, tránh làm méo mó thị trường, gây ra những xáo trộn không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển của cả nền kinh tế”, ông Ánh nói.