Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Áp lực thanh khoản, ngân hàng “phòng thủ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái ngược với tăng trưởng tín dụng cao, tăng trưởng tiền gửi vẫn ở mức thấp từ đầu năm trong bối cảnh khan tiền, buộc các ngân hàng phải chuyển sang trạng thái phòng thủ…

Lãi suất huy động liên tục tăng

Khảo sát trên thị trường 1 (huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế) cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng trong tháng 11 tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh từ 0,4-1,8%/năm tại hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối vẫn giữ nguyên lãi suất niêm yết sau đợt điều chỉnh tăng cuối tháng 10.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn ngân hàng thương mại đang niêm yết lãi suất ở mức trần 6%/năm của Ngân hàng Nhà nước. Đối với dải kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, các ngân hàng KienLongBank, Sacombank, OCB đang niêm yết lãi suất ở mức cao nhất khoảng 8,8-9%/năm và SCB, MSB… là các ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất khoảng 9,7%/năm đối với dải kỳ hạn trên 12 tháng.

Thực tế trên cho thấy lợi thế của các ngân hàng thương mại lớn trong vấn đề huy động tiền gửi. Do các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại tầm trung, nên sẽ có rào cản để các ngân hàng thương mại nhỏ có thể huy động từ thị trường tiền gửi, đặc biệt là các ngân hàng yếu hoặc chưa có sự nhận diện thương hiệu tốt.

Ngược lại, các ngân hàng quy mô lớn, đặc biệt là những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp hơn đáng kể. Chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa các nhóm ngân hàng này trong tháng 11/2022 ở mức 2-3 điểm phần trăm.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, diễn biến trên đang phản ánh đúng thực tế thị trường. Lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 tiếp tục chịu áp lực do cân đối huy động - cho vay có xu hướng thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn vẫn tương đối khó khăn khi nguồn cung ngoại tệ tiếp tục kém thuận lợi. Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/11/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,14% và cao hơn khoảng 7% so với mức tăng 5,01% của huy động vốn.

Dẫu vậy, vị lãnh đạo BIDV cho biết, mức tăng của lãi suất huy động đã phần nào giảm bớt so với tháng trước do một số yếu tố chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, chẳng hạn áp lực từ môi trường quốc tế và tỷ giá trong nước giảm bớt nên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng bớt thắt chặt, hướng nhiều hơn tới mục tiêu đảm bảo thanh khoản và hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng lũy kế 11 tháng đầu năm 2022 mặc dù vẫn ở mức cao đáng kể so với huy động vốn, nhưng đã chậm lại rõ ràng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng thương mại đã chạm mức trần cho vay của Ngân hàng Nhà nước và chưa được nới thêm hạn mức. Cụ thể, tính riêng trong tháng 11, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 0,4-0,5% và tăng chậm lại so với tháng trước đó cũng như cùng kỳ năm trước.

“Mặt bằng lãi suất VND tiếp tục ghi nhận đà tăng trên thị trường 1 trong bối cảnh cân đối huy động - cho vay có xu hướng thu hẹp và thanh khoản VND mặc dù có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bền vững”, vị lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định.

Tìm kiếm sự đồng thuận

Trong bối cảnh thiếu thanh khoản kéo dài từ đầu năm của thị trường tiền tệ, ngành ngân hàng sẽ khó huy động được tiền gửi nếu duy trì môi trường lãi suất thấp.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi đẩy tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng niêm yết lên mức cao trong 10 năm trở lại đây, tiệm cận mức trần là 85%. Trong khi đó, cung tiền M2 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng qua, thấp nhất trong 10 năm nay. Theo đó, tăng trưởng huy động của hệ thống tăng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng, nới rộng khoảng cách huy động - cho vay kể từ đầu năm.

“Nhu cầu huy động vốn tăng mạnh khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng kể từ tháng 9/2022, buộc các ngân hàng phải chuyển sang trạng thái phòng thủ, đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay.

Mới đây, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ vào khoảng 15,5-16% so với cuối 2021 và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 ước tính sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng. Động thái của nhà điều hành được nhận định mang đến tin vui cho thị trường, nhưng cũng tạo thêm áp lực cho việc cân đối vốn của các ngân hàng thương mại.

“Thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động - cho vay ở mức âm”, vị giám đốc nguồn vốn trên nói, đồng thời chia sẻ thêm, điểm đáng chú ý, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn (SFMLL) hiện vẫn ở mức cao tại một số ngân hàng. Trong bối cảnh thiếu thanh khoản kéo dài từ đầu năm của thị trường tiền tệ, ngành ngân hàng sẽ khó huy động được tiền gửi nếu duy trì môi trường lãi suất thấp. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn ngắn hạn của các phân khúc như tín dụng cá nhân hay sản xuất tương đối thấp, còn cho vay dài hạn ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Các lãnh đạo ngân hàng có chung nhận định, trong tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất VND dự báo có xu hướng đi ngang/tăng nhẹ trên thị trường 1. Theo vị lãnh đạo BIDV, một mặt, lãi suất cũng như thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn trong tháng này chủ yếu do lượng tiền mặt ra ngoài lưu thông khi nhu cầu thanh toán có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm. Mặt khác, cân đối huy động - cho vay dự báo tiếp tục thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt sau thông tin nới thêm room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

“Với công bố mới nhất ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu định hướng tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% lên mức 15,5-16%. Theo đó, tăng trưởng cho vay trong tháng 12 có thể đạt 3-3,5% và ước cao hơn 0,3-0,5% so với tăng trưởng huy động”, vị lãnh đạo BIDV ước tính.

Được biết, chiều ngày 7/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức họp bàn các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhất là trong thời điểm cận Tết. Thành phần dự họp là tất cả đại diện lãnh đạo các ngân hàng là hội viên Hiệp hội, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

Từ chối phóng viên khi đề nghị được tham dự cuộc họp, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội chia sẻ thông tin: “Bây giờ không thể sử dụng biện pháp hành chính nên Hiệp hội đứng ra kêu gọi sự đồng thuận giữa các ngân hàng, thống nhất mức lãi suất huy động để không được cao quá so với thị trường, dự kiến là 9,5%/năm”.

Cũng trong diễn biến có liên quan, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, HSBC nhận định, lạm phát tăng cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Bà Yun Liu tính toán, lạm phát tiếp tục vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát toàn phần trong tháng 11 tăng 0,4% so với tháng trước đó, tương đương mức 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, theo bà Yun Liu, lạm phát cơ bản gần đạt mức 5% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu trong nước. Mặc dù vậy, khác với các nước trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng, tạo áp lực tăng lạm phát toàn phần, không chỉ giá xăng được điều chỉnh tăng lên mà chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng trên diện rộng.

“Cộng thêm hiệu ứng cơ sở không thuận lợi, chúng tôi dự báo áp lực lạm phát sẽ còn tăng trong vài quý tới, khiến Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng phải tiếp tục có những biện pháp tiền tệ để ‘hãm phanh’”, bà Yun Liu nói.

Tin bài liên quan