Vòng xoáy nhân sự cấp cao chứng khoán

Vòng xoáy nhân sự cấp cao chứng khoán

(ĐTCK) Thông tin vào đầu tháng 8, ông Mạc Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK MB (CTCK Thăng Long trước đây) rời cương vị công tác hiện nay đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của những người trong giới tài chính trước làn sóng dịch chuyển nhân sự cao cấp khối CTCK…

Chảy như nhân sự chứng khoán

Hai năm trước đây, lúc CTCK MB còn ở thời kỳ đỉnh cao, việc ông Huy gia nhập MB thu hút sự chú ý khá lớn của những người làm trong giới chứng khoán. Từng trải qua nhiều cương vị khác nhau ở nhiều tổ chức tên tuổi như KPMG, Nomura nhưng ông Huy được giới tài chính trong nước thực sự biết đến qua các bài viết miêu tả những ngày cuối cùng của Ngân hàng Lehman Brothers trước khi sụp đổ. Về MB , ông Huy chưa tạo được nhiều dấu ấn cá nhân trong trong công việc, kể cả ở mảng sở trường là nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Một phần do CTCK MB (MBS) cũng xảy ra nhiều biến động trong năm 2011 và 2012, một phần do thị trường đi xuống. Dù vậy, sự chia tay của ông Huy sau hai năm gắn bó với MBS cũng gây chú ý. Với những người thân quen, ông Huy chỉ chia sẻ lý do chuyển dịch công việc vì muốn đi tìm thử thách mới, mà tỏ ra khá kín đáo khi đề cập đến bến đỗ sắp đến của mình.

Trước ông Huy, cựu Tổng giám đốc của MBS, ông Lê Đình Ngọc sau khi rời công ty cũ đã chọn bến đỗ mới là CTCK Maritime Bank (MSBS). Vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Ngọc trở thành Chủ tịch HĐQT mới của MSBS.

Chuyện những nhân sự cao cấp khối CTCK chạy… lòng vòng không hiếm gặp. Mới đây, một ngày trước ĐHCĐ thường niên của CTCK Sacombank (SBS), ông Võ Duy Đạo, Phó tổng giám đốc của CTCK Rồng Việt đã xin nghỉ việc để sau đó vài ngày ngồi ở chiếc ghế Tổng giám đốc SBS. Trong khi đó, hai gương mặt lãnh đạo của SBS là ông Nguyễn Hồ Nam và Nguyễn Thanh Hùng rời Công ty để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh riêng.

Vòng xoáy nhân sự cấp cao chứng khoán ảnh 1

Chỉ từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, đã diễn ra sự thay thế nhân sự cấp cao ở 7 CTCK

Các con số thống kê từ cơ quan quản lý cho thấy, chỉ riêng trong vài tuần cuối tháng 6, đầu tháng 7, đã diễn ra sự thay thế nhân sự cấp cao ở 7 CTCK. Dù không có thống kê chính thức nào về việc nhân viên nghiệp vụ như môi giới hay phân tích nhảy việc, nhưng chắc chắn, con số này khá lớn, ngay cả các biến động nhân sự trung cấp vẫn diễn ra thường xuyên. Chẳng hạn, mới đây, khi ông Nguyễn Duy Khoa về đầu quân cho CTCK SSI, CTCK Kim Eng (KEVS) đã lập tức bổ nhiệm ông Nguyễn Bảo Toàn làm người thay thế cho chức vụ Giám đốc tại Chi nhánh Phú Nhuận. Trước khi đầu quân cho KEVS, ông Toàn là cựu Giám đốc môi giới của CTCK Vincom (nay là CTCK Xuân Thành) và giữ  chức vụ tương đương ở CTCK Mekong. Xu hướng chuyển dịch này chỉ cho thấy, nhân sự trung cao cấp chứng khoán hiện nay không có nhiều sự lựa chọn.

 

Khoảng trống pháp lý về hoạt động của CEO

Vấn đề nhân sự chứng khoán chạy lòng vòng giữa các CTCK hay như bình thông nhau giữa các mảng chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… theo cơ hội nghề nghiệp không mới. Tuy nhiên, sau “quả đắng” của các cổ đông SBS hay việc CEO của CTCK Liên Việt mới đây vướng vòng lao lý đang tạo ra nhiều quan ngại cho cả phía NĐT và giới lãnh đạo các CTCK cũng như đặt ra nhiều câu hỏi với các bên liên quan.

Chẳng hạn với SBS, mới đây, nhiều thông tin hậu trường của CTCK này ở thời kỳ đỉnh cao đã được phơi bày qua đơn thư cổ đông gửi tới cơ quan quản lý và cơ quan truyền thông. Theo đó, vào giữa năm 2011, con số cần trích lập dự phòng của SBS lên tới 1.651 tỷ đồng, nhưng thực tế, công ty này chỉ thực hiện trích lập 225 tỷ đồng. Không dừng lại ở đây, từ tháng 9/2010, SBS còn tổ chức “vận hành” một số sản phẩm tạo thanh khoản cho chính cổ phiếu SBS và một số mã cổ phiếu cho khách hàng qua nhiều tài khoản, gây thua lỗ cho chính SBS. Những cáo buộc này đang chờ điều tra và kết luận của cơ quan chức năng. Nếu những thông tin này là sự thật thì rõ ràng, các cổ đông của SBS hoàn toàn có quyền đòi hỏi trách nhiệm của Ban lãnh đạo, ban kiểm soát trước đây của SBS với những hành vi gây thiệt hại cho cổ đông này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tâm, Tổng giám đốc KEVS nhìn nhận, ngoài năng lực của lãnh đạo khối chứng khoán, trong những vấn đề xảy ra gần đây, điều ít được thị trường chú ý là hành lang pháp lý cho hoạt động của CEO chứng khoán. Vì không quy định rõ các vấn đề, giới hạn CEO chứng khoán trong thẩm quyền được tự giải quyết, các vấn đề buộc phải xin ý kiến HĐQT, nên rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng quyền hạn gây thiệt hại tới cổ đông. Ông Tâm nhận xét, nếu CEO chứng khoán được trao quyền và được giám sát hoạt động đúng trong khoảng không gian cho phép thì các thiệt hại phát sinh không thuộc trách nhiệm của CEO.