VPSF 2025 vòng Tây Nam Bộ: Doanh nghiệp muốn mở rộng cả sân bay, đường cao tốc để có thể tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
Để kinh tế tư nhân khu vực Tây Nam Bộ có thể bứt phá, các doanh nghiệp đề xuất cần những chính sách đặc thù cho khu vực này, nhằm khắc phục nhược điểm logistics và nền cấu trúc dễ sụt lún.

Sự tham gia đông đảo, với nhiều ý kiến tâm huyết của doanh nghiệp khu vực Tây Nam Bộ tại phiên đối thoại đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025 (VPSF 2025) đã gửi đi thông điệp về sự kỳ vọng của doanh nghiệp vào những thay đổi cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân theo đúng tinh thần của bộ tứ nghị quyết chiến lược do Bộ Chính trị vừa ban hành. Đó là Nghị quyết 57 về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, thi hành pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân

Các doanh nghiệp khu vực Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) cho rằng, nơi thường được coi là vựa lúa, thủy sản, trái cây của cả nước, kinh tế tư nhân của khu vực đáng lẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Vì vậy, đại diện các doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất nhiều biện pháp mới để thực sự “cởi trói” cho kinh tế tư nhân khu vực Tây Nam Bộ.

Các doanh nhân chia sẻ tại Phiên đối thoại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025 tại An Giang.

Các doanh nhân chia sẻ tại Phiên đối thoại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025 tại An Giang.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific: "Vì biến đổi khí hậu, Vùng Tây Nam Bộ vốn được thiên nhiên ưu đãi sẽ từ từ bước qua thời kỳ trù phú"

Bà Huệ kể rằng cách đây 3 năm, Western Pacific có dịp tham gia đầu tư liên kết vùng, nên đã mời một đơn vị nước ngoài nghiên cứu thị trường tại Tây Nam Bộ. Sau khi nghiên cứu khá lâu, nhận được bảng kết quả, bà không khỏi bất ngờ và “thấy rất buồn”. Nghiên cứu cho thấy trong vòng 30 năm tới, biến đổi khí hậu, môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ, khiến mảnh đất vốn được thiên nhiên ưu đãi sẽ từ từ bước qua thời kỳ trù phú.

Cũng theo bà Huệ, logistics là một điểm hạn chế cần khắc phục của kinh tế Tây Nam Bộ. Với thế mạnh về lúa, trái cây, và thuỷ sản, hoạt động xuất khẩu và năng lực vận chuyển của vùng rất quan trọng.

Tuy nhiên, so với các nước khu vực, ví dụ như Singapore, nơi tổng chi phí logistics trên tổng chi phí GDP bình quân dưới 8%, thì ở Việt Nam, chi phí cho logistics là trên 20%. Riêng với ngành nông nghiệp, chi phí vận tải nông, lâm, thuỷ sản chiếm 40-60% trên tổng chi phí logistics của Việt Nam, trong đó con số 60% thuộc về khu vực Tây Nam Bộ.

Đại diện Western Pacific đặc biệt đề cao tính kết nối hạ tầng, như sân bay, đường cao tốc...để giải bài toán logistics trong vùng, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển.

“Doanh nhân có nỗ lực thế nào đi chăng nữa, nhưng Chính phủ và địa phương vẫn phải đi đầu trong kết nối hạ tầng, bởi đây là xương sống, là dòng chảy của cả vùng. Bản thân tôi yêu vô cùng vùng Tây Nam Bộ, bỏ rất nhiều tâm huyết, công sức để nghiên cứu và cuối cùng vẫn phải nói ‘không’ với dự án trung tâm liên kết các vùng Tây Nam Bộ, đặt tại thành phố Cần Thơ”, bà Huệ giãi bày.

Từ thực trạng này, bà kêu gọi các doanh nghiệp cùng nhau kiến nghị, đề xuất những chính sách đặc thù cho vùng Tây Nam Bộ, trong đó nội dung đầu tiên cần đề xuất là hạ tầng giao thông như sân bay, đường cao tốc. Thời gian qua, Chính phủ đã có sự quan tâm đến vùng, nhưng theo bà Huệ đánh giá là vẫn chưa đủ.

“Chính phủ đang coi kinh tế tư nhân là động lực số một thì chúng ta cần phát huy tiếng nói của mình, chứ với một khu vực mà địa hình yếu và tình trạng hạ tầng như hiện nay, thật sự rất khó để phát triển. Chúng ta cần kiến nghị những chính sách đặc thù cho cả vùng, sân bay, đường cao tốc cần tăng tốc lên, mở rộng lên chứ không thể mãi như thế này được. Doanh nghiệp có muốn cũng không phát triển được, vì xương sống chưa ‘ngon’, thì làm sao có cơ thể linh hoạt, mạnh mẽ”, bà Huệ bày tỏ.

Vòng địa phương cụm Tây Nam Bộ, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025

Vòng địa phương cụm Tây Nam Bộ, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025

Ông Trần Huy Hiển, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp: "90% doanh nghiệp đang hoạt động xuất khẩu ở Tây Nam Bộ là doanh nghiệp tư nhân"

Là người có 20 năm làm trong ngành gạo và xuất khẩu thủy sản, ông Trần Huy Hiển nhận thấy kinh tế tư nhân trong khu vực Tây Nam Bộ đã và đang đóng góp nhiều cho kinh tế vùng và cả đất nước. 90% công ty xuất khẩu tại Tây Nam Bộ là tư nhân, riêng trong ngành gạo, 60-70% kim ngạch xuất khẩu thuộc về các tập đoàn kinh tế tư nhân.

“Gần đây, các chính sách của Nhà nước có nhiều bước tiến thuận lợi, nhưng chưa đủ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khối tư nhân trong khu vực Tây Nam Bộ phát triển”, ông Hiển thẳng thắn bày tỏ.

Cụ thể, ông cho rằng Tây Nam Bộ đang thiếu những chính sách đặc thù, trong khi nơi đây có địa hình yếu, nền đất thấp, hệ thống logistics kém phát triển so với miền Trung hay miền Bắc. Ngoài ra, vùng này đa phần là kinh tế nông nghiệp, trồng trọt và phát triển thủy hải sản, nhưng lại áp dụng các chính sách chung như cả nước thì “thiệt thòi cho doanh nghiệp”. Ví như công ty thủy sản hàng trăm ngàn công nhân, nhưng không được hưởng đặc thù gì, điều kiện logistics hạn chế mà chưa có chính sách ưu đãi.

Đại diện hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ ra thực trạng rằng, sân bay của vùng chỉ bay nội địa, muốn bay đi Singapore lại phải vòng lên TP.HCM mất 4 tiếng; hệ thống cao tốc có quy hoạch nhưng vẫn chậm so với miền Bắc.

Hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Tây Nam Bộ có 3 mức độ: nhóm tích cực là doanh nghiệp lớn, chuyển đổi sâu rộng, có truy xuất nguồn gốc, thậm chí đứng số 1 thế giới. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận chuyển đổi số rất ít. Các startup có nhận thức tốt đã linh động tham gia vào chuyển đang phát triển tốt.

“Tôi hy vọng nghị định 68 sẽ mang đến cho Tây Nam Bộ nhiều điều kiện đặc thù, để phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Hiển bày tỏ nguyện vọng.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Rau củ quả An Giang: "Nông nghiệp là ngành rủi ro cao, nhưng chưa có chính sách khác biệt"

Thứ nhất là cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp nông nghiệp. Theo ông Minh, nông nghiệp là ngành rủi ro cao, không mang lại lợi nhuận tức thì như các ngành dịch vụ hay du lịch. Ngoài ra, để làm nông nghiệp hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều về nhà máy, công nghệ. “Thực tế, doanh nghiệp nông nghiệp chưa được hưởng chính sách nào khác biệt so với các doanh nghiệp khác”, ông Minh bộc bạch.

Thứ hai, về quy hoạch vùng trồng, vùng Tây Nam Bộ hiện thiếu quy hoạch vùng trồng rau củ quả, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với thị trường nước ngoài. Trong khi các nước như Thái Lan hay Nam Mỹ, các cây trồng đều được quy hoạch theo vùng.

Thứ ba là chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước. Theo ông Minh, công ty ông “may mắn” khi nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan ban ngành (xúc tiến thương mại) và về chuyên môn (đào tạo, định hướng sản phẩm trồng). “Doanh nghiệp không thể nào đi một mình được”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tại diễn đàn, ông cũng đề xuất nếu xây dựng quy hoạch các vùng trồng trọt, Chính phủ chỉ nên “chấm” quy hoạch nông nghiệp nói chung, còn cụ thể để cho các tỉnh tự quyết, tức là “cởi trói” triệt để. “Trồng lúa hay trồng rau củ nên để cho doanh nghiệp, doanh nhân tự quyết định dựa trên kinh tế thị trường, theo thời vụ, theo khí hậu địa phương”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi: "Đề xuất chỉ trồng lúa vừa đủ, phát triển mạnh về du lịch"

Theo ông Dương Long Thành, khu vực Tây Nam Bộ được biết đến như vựa lúa, giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, ông chỉ ra thực tế rằng 100 ha trồng lúa đem về doanh thu 20-30 tỷ đồng. Cũng là 100 ha đó, nếu làm dịch vụ hoặc du lịch, doanh thu mang về cỡ 300-500 tỷ đồng. Nếu dùng để phát triển khu công nghiệp, doanh thu 1.000-2.000 tỷ đồng.

Vì vậy, ông đề xuất các tỉnh Tây Nam Bộ xem lại quy hoạch, chỉ trồng lúa vừa đủ ăn, “đừng ham xuất khẩu nhiều” vì giá trị mang về không lớn. Ông gợi ý các tỉnh có thể mở thêm các sân golf để phát triển du lịch, lôi kéo doanh nhân tới du lịch như mô hình nha khoa du lịch của Nha khoa Phương Thành ở Đồng Tháp.

“Tôi ước mơ 10 năm nữa, Tây Nam Bộ có số lượng sân golf lớn nhất Việt Nam”, ông Thành nói.

Vòng địa phương cụm Tây Nam Bộ là phiên đối thoại mở đầu Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025

Vòng địa phương cụm Tây Nam Bộ là phiên đối thoại mở đầu Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2025

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 chính thức khai mạc phiên đầu tiên tại An Giang, tỉnh thành trọng điểm trong khu vực Tây Nam Bộ. Sự kiện do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì, thể hiện cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân hành trình bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, các phiên tiếp theo của diễn đàn sẽ được tổ chức tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước, hướng tới phiên toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025.

Sáng kiến này được kỳ vọng trở thành cầu nối hiệu quả giữa khu vực tư nhân và các cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường đầu tư và khơi dậy các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan