Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều doanh nghiệp xin lấy lại dự án bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Do có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nên nhiều dự án bất động sản bị kê biên. Đại diện các doanh nghiệp này đã xin nhận lại để tiếp tục triển khai.
Bị cáo Lan đề nghị HĐXX không kê biên căn nhà cổ tại địa chỉ 112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM.

Bị cáo Lan đề nghị HĐXX không kê biên căn nhà cổ tại địa chỉ 112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM.

Ngày 15/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng các bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức khác.

Trong phiên xét xử sáng nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục xét hỏi các cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ trách nhiệm dân sự trong vụ án.

Tại tòa, đại diện Công ty Gia Tuệ đề nghị HĐXX chấp nhận cho Công ty thanh lý hợp đồng với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trả lại 6 tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ cho khoản vay 672 tỷ đồng đã nhận để Công ty Gia Tuệ tiếp tục thực hiện dự án. Đổi lại, Công ty sẽ trả lại số tiền đã nhận.

Trả lời về dự án này, bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay, dự án bất động sản của Công ty Gia Tuệ là dự án ở trên núi, rất đẹp. Dự án này không liên quan gì đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đề nghị HĐXX xem xét xử lý như yêu cầu của phía đại diện Công ty.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại toà.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại toà.

Theo bà Lan, người thực hiện giao dịch với Công ty Gia Tuệ trong hợp đồng này là Chu Diệp Phấn (con gái bà Lan), không liên quan gì đến Ngân hàng SCB. Vì vậy, đề nghị HĐXX hủy hợp đồng, xin trả lại tài sản đang bị kê biên để Công ty Gia Tuệ tiếp tục thực hiện dự án. Đổi lại, Công ty Gia Tuệ sẽ phải trả lại số tiền là 672 tỷ đồng.

Đối với khách sạn Daewoo Hà Nội, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày Công ty cổ phần Bông Sen của gia đình bị cáo có 73% cổ phần. Con bị cáo Lan cũng đề nghị bán khách sạn này, sau đó dùng tiền có được khắc phục hậu quả vụ án.

Tương tự, với một công ty bảo hiểm của bà Lan cũng được con gái bà Lan gửi văn bản tới tòa, cho rằng có đối tác mua lại cổ phần của bà Lan với giá 40 triệu USD, tương đương 920 tỷ đồng. Sau khi bán, tiền này cũng sẽ dùng khắc phục hậu quả.

Đối với tập đoàn nhà máy sản xuất vắc xin, bị cáo Trương Mỹ Lan đầu tư 315 tỷ đồng, trong văn bản gửi tòa, con gái bà Lan cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác khác với giá 315 tỷ đồng để thu hồi khắc phục vụ án.

Bà Lan cũng đề nghị HĐXX không kê biên căn nhà cổ tại địa chỉ 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM). “Tôi xin tòa đừng kê biên tòa nhà này, trả lại cho con tôi và gia đình để cháu nó sửa chữa, bảo tồn di tích cho Việt Nam”, bị cáo Lan nói.

Đối với tài sản là dự án bất động sản tại quận 7 và 2 dự án dân cư Thành Hiếu tại Long An của Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu (Công ty Thành Hiếu) - thuộc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, Đại diện HĐXX cho hay, theo hồ sơ, Phương Trang đã chuyển nhượng cho bà Lan thông qua 3 cá nhân 100% số cổ phần với giá 3.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới thanh toán được khoảng 1.200 tỷ đồng, còn thiếu hơn 2.000 tỷ đồng.

Sau khi thỏa thuận, Phương Trang đã chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ và con dấu cho Trương Mỹ Lan, bà Lan chưa thanh toán số tiền còn lại, nên Công ty Phương Trang đề nghị hủy hợp đồng, trả lại bà Lan số tiền đã nhận.

Trả lời về nội dung này, bà Lan cho biết, Công ty Phương Trang không liên quan gì đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tài sản này không phải do bị cáo mua mà chỉ là đi giải quyết khoản nợ cho Ngân hàng SCB.

“Không có chuyện chuyển cổ phần cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, mà thực chất chỉ là xử lý nợ cho Ngân hàng SCB. Đề nghị Phương Trang cứ trả lại số tiền đã nhận cho Ngân hàng SCB”, bà Lan nói.

Đối đáp về lời khai này, đại diện Công ty cổ phần xe khách Phương Trang cho biết, lời trình bày của bà Lan có phần đúng và có phần không đúng. Cụ thể, Công ty Phương Trang không biết Công ty Thành Hiếu đang thiếu nợ Ngân hàng SCB. Đồng thời, việc Công ty Thành Hiếu chuyển nhượng dự án không liên quan gì đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bởi bà Lan chỉ là người giới thiệu 3 cá nhân cho Công ty Thành Hiếu để mua cổ phần.

“Công ty Thành Hiếu chuyển nhượng cổ phần cho 3 người này, nên khi chuyển nhượng, bên mua sẽ vận hành tiếp Công ty và thực hiện dự án”, đại diện Công ty Phương Trang nói.

HĐXX đặt câu hỏi rằng, lý do gì chuyển nhượng cho 3 người khác, không liên quan đến bà Lan hay tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhưng lại đi giải quyết với Trương Mỹ Lan tại phiên tòa này?

Đại diện Công ty Phương Trang cho hay, do 2 dự án bất động sản ở dưới Long Hậu, Long An đang bị phong tỏa vì có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên đến để giải quyết. Vị đại diện này cho biết thêm, hiện không biết các cổ phần tại Công ty Thành Hiếu còn nguyên hay đã thế chấp tại ngân hàng. Không biết việc 3 cá nhân này là độc lập hay đứng tên dùm Trương Mỹ Lan.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi đối với các cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, nhiều đại diện của các Công ty này không có mặt tại phiên tòa.

Tin bài liên quan