Vực dậy thị trường BĐS: Cần giải pháp quyết liệt

Vực dậy thị trường BĐS: Cần giải pháp quyết liệt

(ĐTCK) Theo lãnh đạo các DN BĐS lớn, điều họ chờ đợi hiện nay là Chính phủ sớm đưa các giải pháp vào thực hiện nhanh, cụ thể và quyết liệt. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến.

Ông Vũ Văn Tiền

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco

Thị trường BĐS đang cần được khai thông với 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất về tài chính, cung tín dụng nên chuyển từ chủ trương siết chặt sang nới lỏng phù hợp, dựa trên những phân loại xem xét cho vay DN một cách cụ thể, chứ không đánh đồng tất cả. Đồng thời, hỗ trợ DN bằng chính sách tài khóa như cho nợ thuế, cho nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng, giảm tiền thuê đất. Ở thời điểm này, khơi thông tài chính bằng cơ chế, chính sách thuế đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ hai là nhóm cơ chế chính sách về quy hoạch, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng. Với tình hình cung cầu như hiện tại, DN nào chưa giải phóng mặt bằng nên dừng cấp phép dự án ngay tức khắc. DN nào đã giải phóng mặt bằng, có đất sạch, đang triển khai dự án dở dang thì rất cần hỗ trợ. Về tiêu chuẩn xây dựng căn hộ, nhà liền kề, biệt thự trong khu đô thị mới cần nhanh chóng ban hành, đây là tiêu chuẩn tối thiểu để từ đó DN có cơ sở triển khai, thay vì cứ chờ đợi như hiện nay, trong khi dự thảo đã được các bộ chuyên ngành hoàn tất.

Quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ thị trường cần nhất quán, công bằng, quá trình thực hiện nhanh và minh bạch. Khi Bộ Xây dựng làm đầu mối về các chính sách xây dựng quy hoạch, nên khoanh vùng các dự án và đưa ra tiêu chí đầu tư. Bộ Tài chính làm đầu mối về các chính sách tài chính. Khi đã công nhận chức năng và nhiệm vụ của các bộ như vậy, nên cho phép các bộ ban hành chính sách và đưa vào thực hiện ngay.

 

Ông Đỗ Trọng Quỳnh

Chủ tịch HĐQT CTCP Vinaconex 2 (VC2)

Giới DN mong đợi các chính sách mới đang được bàn thảo sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ giao quyền cho các bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN phối hợp, chủ động triển khai nhanh chóng.

Về phần các DN, tôi cho rằng, cần phân loại DN thành 2 nhóm. Những DN đang có lượng hàng tồn đọng quá lớn, nợ xấu nhiều tiếp tục được phân loại thành các nhóm A, B, C, D để xem họ tồn bao nhiêu hàng, có khả năng làm tiếp không, cần tiếp sức ra sao. Các cơ quan quản lý phải rà soát, làm việc với từng dự án cụ thể để có cơ chế chính sách phù hợp.

Nhóm DN không có hàng tồn kho thì không cần “bơm” nhiều vốn, nhưng cần cơ chế thông thoáng để các thủ tục liên quan đến triển khai dự án được phê duyệt nhanh, nhà đầu tư tránh bị đọng vốn và chịu lãi suất cho các khoản đã giải ngân, khiến suất đầu tư bị đội lên cao. Thực tế cho thấy, nếu các vấn đề được giải quyết nhanh, DN sẽ giảm rất nhiều chi phí không tên. Ngoài ra, Nhà nước nên đầu tư hoặc có chính sách để DN đầu tư hạ tầng đồng bộ cho các khu đô thị, để người dân có thể vào ở được ngay. Những dự án đã có đất sạch cần có chế tài để trong 5 năm DN phải làm thật, không chây ỳ giữ đất, đồng thời các Sở Xây dựng nên thanh kiểm tra liên tục các dự án như vậy, từ đó nắm được chính xác về tiến độ các dự án.

Chính sách cần nhất quán, rõ ràng để các DN có thể hoạch định được kế hoạch dài hạn. Hiện nay, sau khi có giấy phép đầu tư dự án và giải phóng mặt bằng, việc định giá đất mỗi nơi mỗi kiểu, cách tính do những hội đồng liên ngành được lập ra không căn cứ theo một quy định chuẩn nào và DN không thể tính toán một cách chính xác số tiền sử dụng đất mình sẽ phải trả. Một số DN tại TP. HCM gần đây xin trả lại dự án vì tiền sử dụng đất quá cao, đầu tư bị lỗ là ví dụ. Chính sách định giá đất rõ ràng gắn kèm với quy hoạch cụ thể cho từng khu vực giúp DN hoạch định được sản phẩm ngay từ đầu để tập trung cho nhóm khách hàng phù hợp, tránh phải thay đổi liên tục. Tóm lại, chúng tôi mong chờ các chính sách mới tập trung ở những khâu như quy hoạch, định giá đất, cơ chế xét duyệt thông thoáng, chứ không chỉ cơ chế hỗ trợ tài chính đơn thuần.