Những dự án như dự án nhà ở xã hội HQC Plaza gần như ... mất tích. Ảnh: Trọng Tín

Những dự án như dự án nhà ở xã hội HQC Plaza gần như ... mất tích. Ảnh: Trọng Tín

Vùng TP.HCM sẽ sớm có thêm nhà giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số doanh nghiệp địa ốc tiết lộ kế hoạch phát triển nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỷ đồng/căn từ nay đến năm 2022 phần nào giúp giảm “cơn khát” nhà ở giá rẻ bấy lâu nay.

Nhà giá 20 triệu đồng/m2 trở xuống “mất tích”

Rời Quảng Nam vào TP.HCM lập nghiệp đã hơn 10 năm, anh Đoàn Thanh Tuấn vẫn luôn khao khát sở hữu một ngôi nhà để ổn định cuộc sống. Vợ làm giáo viên mầm non, anh làm xây dựng, thời gian rảnh thì tranh thủ làm thêm, tổng thu nhập được gần 30 triệu đồng/tháng. “Sau khi chi trả hết các khoản chi tiêu, mỗi tháng cũng để dành được khoảng 10 triệu đồng và sau dăm bảy năm tích cóp có thể sẽ mua được một căn hộ trả góp ở ngoại thành TP.HCM”, anh nhẩm tính.

Thế nhưng bây giờ cầm trong tay hơn 1,5 tỷ đồng, anh tìm “đỏ mắt” nhiều tháng qua vẫn kiếm không ra căn hộ có giá này và chợt giật mình nhận ra rằng, cần phải tiếp tục dành dụm thêm ít nhất 5 năm nữa mới mua được căn hộ 2 phòng ngủ ở vùng ven TP.HCM, bởi giá nhà anh tham khảo đã tăng cao hơn trước. Song, với đà tăng giá chung cư như hiện nay, không ai dám chắc 5 năm tới, giấc mơ an cư của vợ chồng anh Tuấn hay nhiều trường hợp tương tự khác sẽ sớm thành hiện thực.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong nửa đầu năm 2021, Sở đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn hình thành trong tương lai cho 14 dự án với 11.948 căn hộ, tổng diện tích sàn hơn 1,23 triệu m2. Trong đó, phân khúc cao cấp (hạng A) giá trên 40 triệu đồng/m2 là 7.040 căn, chiếm gần 59% tổng số căn; phân khúc trung cấp (hạng B) giá từ 20-40 triệu đồng/m2 là 4.908 căn, chiếm tỷ lệ hơn 41%, điều này có nghĩa phân khúc căn hộ bình dân (hạng C) giá dưới 20 triệu đồng/m2 đã “mất tích” trên thị trường, trong khi năm 2020 tỷ lệ này dù nhỏ nhưng vẫn đạt 3,6%.

Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường của JLL Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản đang phát triển không đồng đều và cần có sự điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm. Trong giai đoạn 2014-2018 nguồn cung nhà ở bình dân tại TP.HCM tăng trưởng khả quan, nhưng đã sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn 2019-2020 khi chỉ đạt khoảng 5.000 căn. Nguồn cung khan hiếm, cộng với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong bối cảnh nhu cầu nhà ở tăng mạnh khiến giá bán căn hộ bình dân không ngừng leo thang, tạo khoảng cách lớn so với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân.

Câu chuyện tăng giá không chỉ xuất hiện tại thị trường TP.HCM mà lan ra cả khu vực vùng ven thành phố. Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, hiện nay, các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang được hưởng lợi từ sự cải thiện hạ tầng giao thông và kết nối các khu vực, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh nên đã thu hút được các nhà đầu tư tìm về phát triển dự án.

Đưa ra một so sánh về giá căn hộ hạng C, ông Troy Griffiths cho biết, giá bán căn hộ tại Bình Dương hiện dao động trong khoảng 800-2.000 USD/m2 thông thủy, tuy thấp hơn TP.HCM với giá bán dao động từ 1.200-2.600 USD/m2 thông thủy, nhưng cũng khiến đa số công nhân lao động khó với tới.

Có được căn nhà ở thành phố là ước mơ của bất cứ người lao động xa xứ nào. Ảnh: Dũng Minh

Có được căn nhà ở thành phố là ước mơ của bất cứ người lao động xa xứ nào.

Ảnh: Dũng Minh

Bắt đầu xuất hiện ở vùng ven

Mới đây Nam Long Group - một doanh nghiệp chuyên phát triển dòng sản phẩm nhà ở trung cấp tại TP.HCM và các địa phương vệ tinh thuộc Vùng TP.HCM cho biết, Tập đoàn sẽ hợp tác với đối tác Nishi Nippon Railroad đến từ Nhật Bản để phát triển dự án EHome Southgate, khu căn hộ nằm tại cửa ngõ dẫn vào Khu đô thị Waterpoint quy mô 355 ha tại Bến Lức, Long An với giá bán từ hơn 1 tỷ đồng mỗi căn.

Thông tin này ngay lập tức gây sốt thị trường bất động sản phía Nam, khi mà căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng gần như “tuyệt chủng” nhiều năm qua. Được biết, dự án này gồm 7 khối nhà chung cư với hơn 1.400 căn hộ. Theo kế hoạch, sản phẩm căn hộ giá rẻ này sẽ được Nam Long Group giới thiệu ra thị trường ngay trong quý III này.

Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Nam Long Group cho hay, thực tế, đây không phải là lần đầu Tập đoàn đưa dòng sản phẩm “vừa túi tiền” ra thị trường, mà trước đó đã định hướng EHome theo phân khúc này với giá trung bình khoảng 1 tỷ đồng/căn và được thị trường đánh giá rất cao.

“Trong bối cảnh giá bất động sản liên tục thiết lập mặt bằng mới, nhất là khoảng 2-3 năm trở lại đây, mà thị trường vẫn còn sản phẩm giá dưới 1 tỷ đồng khiến nhiều người hoài nghi”, ông Ngọc nói và cho rằng, để làm dòng sản phẩm có mức giá đáp ứng số đông người mua, doanh nghiệp xác định tỷ suất lợi nhuận sẽ không bằng dòng sản phẩm khác, nhưng đây là cách doanh nghiệp ủng hộ chiến lược nhà ở quốc gia được Chính phủ định hướng phát triển thời gian gần đây.

Ngoài EHome Southgate, thị trường bất động sản Long An cũng từng xuất hiện căn hộ dành cho công nhân với mức giá khoảng 500 triệu đồng (diện tích nhỏ) tại dự án Phúc An City. Đây là mô hình nhà ở giá rẻ dành cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp đầu tiên tại tỉnh Long An và cũng là sản phẩm đầu tay của CTCP Tập đoàn Trần Anh Long An (Trần Anh Group).

Ở Bình Dương, bên cạnh những dự án chung cư với giá bán cao ngất ngưởng, thị trường này cũng bắt đầu xuất hiện những dự án nhà ở có giá khoảng 1 tỷ đồng/căn. Chẳng hạn, Ruby Group mới đây đã công bố ra thị trường hơn 1.000 căn hộ Thịnh Gia Tower tại thị xã Bến Cát với giá chào bán hơn 1 tỷ đồng/căn. Đây được xem là dự án căn hộ giá rẻ đầu tiên được triển khai tại địa phương này.

Ngoài Ruby Group, một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Bcons cũng triển khai một loạt dự án căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng như Bcons Plaza, Bcons Green View và mới đây nhất là dự án Bcons Sala chuẩn bị mở bán trong thời gian tới với giá khoảng 1,3 tỷ đồng/căn.

Mặc dù nhà ở giá rẻ bắt đầu xuất hiện trở lại trên thị trường, nhưng số lượng dự án còn khá khiêm tốn. Theo bà Lê Thị Huyền Trang, điều này mở ra cơ hội mở rộng thị phần, đa dạng hóa danh mục đầu tư cho các chủ đầu tư khi hướng đến phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu của số đông người dân.

“Mặc dù biên lợi nhuận trên từng dự án có thể kém hấp dẫn hơn so với phân khúc cao cấp, nhưng quy mô và tiềm năng rất lớn của phân khúc nhà ở bình dân là yếu tố các chủ đầu tư cần cân nhắc. Chưa kể, các dự án bình dân thường có tốc độ bán nhanh nhờ có mức giá thấp, nguồn cung có mức tăng trưởng chậm hơn so với các dự án cao cấp nên sự cạnh tranh cũng ít quyết liệt hơn”, bà Trang phân tích.

Tin bài liên quan