Hạ tầng khu Đông Hà Nội đã được cải thiện nhiều trong vài năm gần đây, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển. Ảnh: Thành Nguyễn

Hạ tầng khu Đông Hà Nội đã được cải thiện nhiều trong vài năm gần đây, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển. Ảnh: Thành Nguyễn

Vùng ven sẽ “gánh” nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh Hà Nội cạn kiệt nguồn cung dự án nhà ở trung cấp và bình dân, rất có thể phân khúc căn hộ ở vùng ven sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới.

Tuy gần mà xa

Anh Tuấn, một kỹ sư công nghệ thông tin từng lên kế hoạch mua nhà ở khu vực Cầu Giấy do nơi làm việc ở phố Thái Hà (quận Đống Đa), nhưng loay hoay mãi không dồn đủ tiền, anh đã chọn giải pháp mua lại một căn hộ ở huyện Đan Phượng. Đến nay, mỗi ngày, anh phải vượt qua quãng đường 22 km với tình trạng giao thông “chỗ thông, chỗ tắc” để đến cơ quan.

Trong khi đó, chị Quyên sở hữu một căn hộ tại dự án Xuân Mai Complex ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông và dù chỉ cách cơ quan trên phố Mai Dịch (quận Cầu Giấy) hơn 15 km, nhưng mỗi lượt đi/về, chị cũng mất hơn 1 giờ chạy xe, không kể những hôm tắc đường.

Đây là một thực tế mà không ít cư dân Thủ đô đang phải trải qua: khả năng kết nối giao thông đang là vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Đánh giá về câu chuyện nguồn cung căn hộ, nhất là các căn hộ thuộc phân khúc trung cấp và bình dân tại Hà Nội, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, hiện có sự lệch pha lớn về cung - cầu. Trong khi phân khúc bình dân đang thiếu trầm trọng, làm hạn chế khả năng sở hữu nhà ở của người dân, thì phân khúc cao cấp lại chiếm số đông, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu tư.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến nhận định, vùng ven có cơ hội vươn mình và trở thành thị trường quan trọng, giữ trọng trách “gánh” cung nhà ở trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, về nguồn cung căn hộ trong quý III/2022, các sản phẩm có giá từ 2 - 4 tỷ đồng chiếm 85% nguồn cung, nên câu chuyện về suất đầu tư đã có sự thay đổi nhiều. Nếu như trước đây, quan điểm các căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng sẽ dễ bán thì hiện nay, các căn hộ có mức đầu tư cao hơn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thực, thuộc phân khúc bình dân gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở.

Khan hiếm nguồn cung căn hộ vừa túi tiền, cũng như xu hướng “đi xa để về gần” đã mở ra cơ hội mới cho các chủ đầu tư. Theo bà Hằng, trong thời gian khoảng 5 năm tới, chỉ tính hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ có sự bổ sung nguồn cung lên đến 104.800 căn hộ, nếu người dân chấp nhận đi xa thì đây thực sự là cơ hội lớn cho các chủ đầu tư.

“Xu hướng dòng tiền tương lai sẽ chảy đến các tỉnh vùng ven, vùng xa hơn ngày càng nhiều, đến cả các thị trường mới như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang… Nguyên lý chung về đầu tư là trong 2 giờ di chuyển. Do đó, các dự án nhà ở vùng ven sẽ giữ ưu thế lớn. Về vấn đề này, khu Đông đang chiếm nhiều ưu thế hơn khu Tây”, bà Hằng nhận định.

Lý giải rõ hơn, bà Hằng cho hay, với vùng ven như Hưng Yên, nhất là các huyện tiếp giáp Hà Nội, khoảng cách di chuyển và kết nối giao thông đến khu trung tâm Hà Nội (các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình) sẽ thuận tiện hơn nhiều so với vùng ven phía Tây. Điều này cũng mở ra cơ hội mới cho vùng ven phía Đông Hà Nội nói chung, Hưng Yên nói riêng trong việc phát triển các dự án nhà ở, kể cả chung cư trong tương lai.

Tuy xa mà gần

Vùng ven đang có ngày càng nhiều các dự án khu đô thị, tạo nguồn cung nhà ở mới, giải nén cho Thủ đô. Ảnh: Thành Nguyễn

Vùng ven đang có ngày càng nhiều các dự án khu đô thị, tạo nguồn cung nhà ở mới, giải nén cho Thủ đô. Ảnh: Thành Nguyễn

Đồng quan điểm khi trả lời câu hỏi của phóng viên về tiềm năng thị trường căn hộ vùng ven Hà Nội, bà Lê Thị Huyền Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển thị trường, JLL Việt Nam nhận xét, nhiều năm qua, khu Tây Hà Nội, cụ thể là quận Nam Từ Liêm có nguồn cung ổn định nhất cho phân khúc căn hộ. Tuy nhiên, 2 - 3 năm gần đây, khu Đông nổi lên như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, với nhiều ý tưởng mới, mảng xanh và tập trung hơn vào yếu tố con người. Nói cách khác, Hà Nội đang đa dạng hoá hướng phát triển về nguồn cung nhà ở, cả phía Tây và phía Đông. Đây chính là yếu tố cần và đủ để biến khu Đông (cả vùng ven như Hưng Yên - PV) thành thị trường nhà ở mới tiềm năng, đáp ứng cho nhu cầu của cư dân Thủ đô.

Theo khảo sát của phóng viên, để di chuyển từ trung tâm huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (cụ thể là thị trấn Như Quỳnh - khu vực giáp ranh Hà Nội) tới Bờ Hồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thời gian chỉ khoảng 45 phút chạy xe cho khoảng cách 22 km. Như vậy, nếu xét thời gian, việc di chuyển từ khu vực giáp ranh Hưng Yên về Hà Nội ngắn hơn việc di chuyển từ khu vực Hà Đông lên trung tâm và tương đương thời gian từ cửa ngõ phía Tây, Quốc lộ 32 lên trung tâm Hà Nội.

Đại diện một chủ đầu tư cho biết, nắm bắt được nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người lao động, nhất là những khách hàng trẻ tuổi, làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bất động sản tại trung tâm Hà Nội, doanh nghiệp đang lên kế hoạch phát triển một dự án nhà ở hỗn hợp tại Hưng Yên, gồm cả phân khúc nhà liền thổ và chung cư để đón lõng nhu cầu sống ở ven đô, làm việc trong thành phố của tầng lớp “thượng đế” mới.

“Từ khu Hà Đông lên đến Bờ Hồ (Hoàn Kiếm), điều kiện giao thông thông thoáng cũng mất khoảng 45 phút chạy xe, ngày tắc đường thì thời gian có thể lên đến 90 phút, thậm chí 120 phút. Trong khi đó, từ trung tâm huyện Văn Lâm về Hà Nội, thời gian chỉ bằng một nửa. Đây chính là lợi thế cạnh tranh về giao thông mà Hưng Yên đang có được so với chính các quận, huyện ven đô của Hà Nội”, vị đại diện chủ đầu tư nói.

Bình luận thêm về cơ hội và tiềm năng phát triển thị trường nhà ở nói chung, căn hộ nói riêng cho vùng ven, bà Lê Thị Huyền Trang cho rằng, các tỉnh ven đô, tiếp giáp Hà Nội ở phía Đông sẽ giữ trách nhiệm gánh nguồn cung nhà ở, trong đó có căn hộ trong tương lai cho thị trường Thủ đô. Lý do đến từ lợi thế quỹ đất dồi dào, kết nối thuận tiện và nhiều đơn vị phát triển dự án có cơ hội làm các dự án đủ lớn, đa chức năng, tiện ích, đáp ứng đòi hỏi về một khu đô thị hoàn thiện.

“Trước đây, phía Đông Hà Nội chưa tốt về hạ tầng, còn nay thì tốt rồi, các cây cầu đã làm tốt hơn nhiệm vụ kết nối, khiến “bên sông” không còn là trở ngại. Nếu vẽ vòng tròn bán kính khoảng 15 km từ tâm Hà Nội (hồ Hoàn Kiếm), thì phía Đông hội tụ nhiều yếu tố về giá, khoảng cách, hội tụ được các yếu tố tiềm năng để phát triển hơn khu Tây. JLL Việt Nam đánh giá cao thị trường Hưng Yên khi đây đang là điểm sáng về thu hút FDI: có công việc, người dân sẽ đến, hạ tầng sẽ tăng cao, nhu cầu nhà ở sẽ lớn hơn nữa trong tương lai”, bà Trang nhấn mạnh.

Quay trở lại câu chuyện của anh Tuấn, chị Quyên, điểm chung mà hai “thượng đế” này mong muốn đều là thu hẹp khoảng cách nhà - cơ quan, hoặc rút ngắn thời gian di chuyển theo kiểu chấp nhận đi xa hơn nhưng đường thông, hè thoáng. Tuy nhiên, với nhóm khách hàng này, giá bán vẫn đang là vấn đề ưu tiên số 1, khi mà các dự án chung cư ngày càng khan hiếm và mức giá neo cao.

Theo giới chuyên gia, thực tế này có thể mang đến cơ hội mới về nguồn cung căn hộ cho các thị trường ven đô trong tương lai gần.

Tin bài liên quan