Vướng mắc đăng ký kinh doanh: ‘Sửa’ con người quan trọng hơn sửa luật

Vướng mắc đăng ký kinh doanh: ‘Sửa’ con người quan trọng hơn sửa luật

(ĐTCK) Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia tại Phiên họp thường trực của Ủy ban Kinh tế mở rộng của Quốc hội, để thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, diễn ra sáng nay (11/4).
Điều mà đa phần các đại biểu kỳ vọng là tiếp nối tinh thần cải cách mạnh mẽ của Luật DN năm 2005, trong lần sửa đổi này, Luật DN cần tạo bước đột phá mới trong cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của DN, qua đó góp phần tạo cú huých trong phát triển kinh tế những năm tới.

Ghi nhận dự thảo luật có bước tiến mới về đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập DN, giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn khi gia nhập thị trường, khởi nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần đánh giá thật kỹ xem có phải những vướng mắc về đăng ký thành lập DN hiện nay là do con người hay do vướng luật, để tránh tình trạng cái cần sửa thì không sửa, cái không cần sửa thì lại sửa, gây tác động không tích cực đến môi trường kinh doanh…

“Qua thực tế hoạt động của DN tôi thấy, bất cập chủ yếu trong đăng ký thành lập DN hiện tại không phải do vướng quy định của pháp luật, mà chủ yếu cán bộ thực thi công vụ gây ra...”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nói: “Qua trực tiếp khảo sát hoạt động của DN cho thấy, vướng mắc chủ yếu mà DN đang gặp phải trong quá trình đăng ký kinh doanh là do yếu tố con người, chứ không phải do vướng luật. Vậy thì điều quan trọng là cần ‘sửa’ con người, chứ không phải chỉ dừng lại ở sửa luật…”.

Một trong những điểm mới của Dự thảo luật thu hút sự tranh luận của các đại biểu dự họp là chương quy định về DNNN. Trong khi khá nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung nội dung này vào Dự thảo luật là không phù hợp, mà nên chuyển toàn bộ nội dung này vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, do hệ quả mà DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty gây ra cho nền kinh tế đang đáng quan ngại, nên cần thiết sớm có chế tài để quản lý, giám sát chặt hơn hoạt động của DNNN.

Vì lý do trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng ủng hộ phương án bổ sung một chương riêng về DNNN trong Dự thảo luật. Ông nói: “Điều quan trọng nhất là lúc này là phải sớm có chế tài đối với DNNN, chứ nếu tiếp tục để tồn tại khoảng trống pháp lý như hiện nay thì rất đáng ngại. Có thể chương riêng quy định về DNNN chỉ có tác dụng trong 5-7 năm tới, nhưng cần thiết phải có...”. 

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ ngành sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, nhằm đáp ứng kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội, cũng như cộng đồng DN, là mỗi khi sửa đổi Luật DN, sẽ tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế…

“Việc sửa đổi luật này nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập DN; đối xử bình đẳng về thủ tục giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho tổ chức quản trị DN, cơ cấu lại DN. Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN. Tạo thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn cho DN, nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với DN...”, ông Dũng nhấn mạnh.

Dự thảo Luật DN sửa đổi lần này tăng 42 điều mới; có 132 điều được sửa đổi, bổ sung; có 39 điều được giữ nguyên; bãi bỏ 5 điều.

Tin bài liên quan