WTO và kinh nghiệm từ Trung Quốc

Tổng kết 5 năm đầu tiên chính thức thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (2001 - 2005), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (TQ) đạt mức cao nhất trong lịch sử, trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, hầu hết các nguy cơ cảnh báo trước khi gia nhập WTO đối với nông nghiệp, sản xuất ôtô, dịch vụ, thu ngân sách Nhà nước đều không xảy ra...

Thu hút FDI bằng... hàng rào kỹ thuật

Theo ông Trương Triều Dương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao), ngành công nghiệp ôtô TQ trước khi gia nhập WTO cũng èo uột không hơn gì VN hiện nay. Ai cũng cho rằng, việc mở cửa ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ đào huyệt chôn chính ngành này nhưng thực tế ngược lại với dự đoán. Hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, người TQ đã xây dựng cho mình một hàng rào bảo vệ an toàn hơn rất nhiều.

Họ quy định, các công ty nước ngoài không được mua, bán xe nhập khẩu trừ khi liên doanh với công ty trong nước; xe nhập khẩu vào nội địa phải đạt tiêu chuẩn Euro 4 (tiêu chuẩn về khí thải, môi trường; VN thì mới áp dụng mức Euro 2) và chạy kiểm tra trong... 50.000 km đầu tiên; thậm chí hải quan cửa khẩu còn kiểm tra xem thùng chứa xe nhập khẩu có bị nhiễm vi khuẩn, vi trùng hay không... Để tránh những phiền toái này, các nhà sản xuất xe hơi đã chọn cách đầu tư mở xưởng sản xuất xe ôtô ngay tại TQ. Họ đã xây dựng thành công ngành công nghiệp ôtô bằng những quy định "chẳng giống ai như vậy". Cuối năm 2005, đầu năm 2006, TQ đã ký hợp đồng mua 100 chiếc máy bay Airbus của châu Âu với điều kiện Airbus phải xây dựng một xưởng máy bay ở TQ...

Bằng những "chiêu bài" như vậy, tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TQ có thể nói là như vũ bão. Đến năm 2006, TQ đã chính thức cấp phép cho khoảng 500.000 doanh nghiệp (DN); vốn FDI thực tế sử dụng lên tới 865 tỷ USD. Các DN FDI chiếm 20% tổng giá trị gia tăng công nghiệp toàn quốc; 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước... Tất nhiên, không thể không kể đến việc kiên quyết và thống nhất hành động để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn và bình đẳng nhất cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Điều này thể hiện rất rõ qua việc rà soát 2.500 văn bản liên quan đến ĐTNN; thực hiện chính sách 1 giá trên toàn quốc; không phân biệt đối xử giữa các loại hình DN trong việc vay vốn, xin quỹ đất... "Trước đây, đầu tư bất cứ cái gì mang ngoại tệ về cho đất nước đều được "OK" nhưng hiện nay TQ khuyến khích đầu tư vào 3 lĩnh vực: dịch vụ hiện đại; nghiên cứu công nghệ kỹ thuật cao; nghiên cứu phát triển các ngành tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Có thể thấy, vốn FDI của Trung Quốc đang chuyển từ lượng sang chất một cách bài bản", ông Dương nói.

 

Mở cửa lĩnh vực nhạy cảm

Trong việc mở cửa các lĩnh vực dịch vụ nhạy cảm, người TQ cũng thể hiện rất rõ "bản lĩnh và sự khôn ngoan" của mình mà VN có thể học hỏi. Cụ thể, trong ngành ngân hàng (NH), để tận dụng việc chuyển giao kiến thức và công nghệ, TQ khuyến khích NH nước ngoài góp vốn vào NH trong nước. Tuy hạn chế về đầu tư nhưng cho phép các nhà ĐTNN giữ vai trò quan trọng trong quản lý, hoạt động của NH TQ để tận dụng các kỹ năng quản lý tiên tiến. NH nước ngoài phải làm thủ tục thành lập NH 100% vốn nước ngoài. Được kinh doanh nội tệ nhưng không được nhận tiền gửi dưới 1 triệu nhân dân tệ.

Theo bà Nguyễn Vân Chi, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), có nhiều điều VN có thể rút kinh nghiệm từ việc mở cửa ngành NH TQ, đặc biệt là việc vận dụng linh hoạt, triệt để quy định về "biện pháp thận trọng" của WTO để vừa đảm bảo phù hợp cam kết vừa tạo thời gian chuyển đổi hệ thống NH trong nước. Chẳng hạn, quy định tài sản có nội tệ của chi nhánh NH nước ngoài không thể nhỏ hơn tài sản nợ nội tệ để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Đặt ra yêu cầu tối thiểu cao đối với NH nước ngoài khi thực hiện kinh doanh bằng nội tệ; yêu cầu NH 100% vốn nước ngoài phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% tính theo hằng ngày; khi chuyển nhượng tài sản trong lãnh thổ, NH nước ngoài phải được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền...

Với những chính sách vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết; một hàng rào phi thuế quan thuyết phục và một môi trường kinh doanh lý tưởng..., sau 5 năm gia nhập WTO, người TQ đã đưa kinh tế đất nước phát triển ngoạn mục và làm cho thế giới phải kính nể. Đó chính là bài học và kinh nghiệm để VN có thể nghiên cứu ứng dụng.