Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion

Xây dựng năng lực thanh toán số quốc gia, sẵn sàng hội nhập khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh toán số đang trở thành động lực quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với sự lan tỏa mạnh mẽ từ đô thị đến các vùng nông thôn. Hạ tầng thanh toán được củng cố sẽ tạo nền tảng để Việt Nam chủ động mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối xuyên biên giới.

“Điểm sáng” tăng tốc thanh toán số

Trong những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến một bước chuyển mình chưa từng có trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có hơn 204,5 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân; 154,1 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành. Giá trị thanh toán năm 2024 đạt trên 29,2 triệu tỷ đồng, gấp 26 lần GDP cả nước, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng đạt 86,97%.

Bước sang năm 2025, xu hướng tích cực này tiếp tục được duy trì. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý I/2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 44,43% về số lượng, trong đó thanh toán qua internet tăng 40,41%; qua điện thoại di động tăng 39,82%; qua QR code tăng vượt trội đến 81,64%.

Người dân thực hiện 5,5 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, trong đó 4,5 tỷ giao dịch trên kênh số với giá trị đạt 40 triệu tỷ đồng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý hơn 35,6 triệu giao dịch với giá trị lên tới 81,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ghi nhận qua nền tảng Payoo, có sự chuyển dịch đáng kể về tỷ trọng thanh toán trên tổng các ngành nghề, địa phương trong năm qua, từ mức 60% trực tuyến - 40% thanh toán tại điểm năm 2023 tăng lên mức 65% trực tuyến - 35% thanh toán tại điểm năm 2024.

Hành vi thanh toán số đã không còn phổ biến ở một nhóm người dùng đô thị, mà lan tỏa mạnh mẽ ra các địa phương và tầng lớp dân cư khác nhau.

Không chỉ phổ biến tại Hà Nội và TP.HCM, số liệu từ hệ thống Payoo cho thấy, nhiều địa phương ghi nhận mức tăng trưởng giao dịch thanh toán điện tử đạt trên 7% mỗi tháng có thể kể tới là Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…

Thống kê của Payoo cũng chỉ ra rằng, thanh toán QR không chỉ còn phổ biến trong các giao dịch giá trị nhỏ, mà đang dần được khách hàng công nhận như một phương thức thanh toán linh hoạt, tin cậy cho cả các giao dịch có giá trị lớn.

Ngoài các hoạt động mua sắm hàng ngày như tại cửa hàng tiện lợi hay quán ăn, thanh toán QR được mở rộng mạnh mẽ sang các ngành hàng như điện máy, nội thất, trang sức, thậm chí cả lĩnh vực đầu tư tài chính.

Ngoài việc tiện dụng cho khách hàng, thanh toán QR được nhiều chủ cửa hàng đón nhận và khuyến khích khách hàng sử dụng vì những lợi ích thiết thực như phí giao dịch thấp, tiền về tài khoản ngay tức thời… Sự ủng hộ từ cả người mua và người bán tạo ra xu hướng dịch chuyển rõ nét trong hành vi thanh toán QR. Giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR trong năm 2024 qua Payoo đã tăng 20% so với năm trước.

Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán mới như không tiếp xúc NFC có mức tăng trưởng khá ổn định khoảng 6% mỗi tháng. Trong đó, Apple Pay đang là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 15% mỗi tháng.

Thanh toán điện tử trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, từ giáo dục, dịch vụ công, đi lại… cho đến mua sắm, tất cả đều có thể thực hiện dễ dàng thông qua các nền tảng số.

Đơn cử, các giải pháp thanh toán Payoo, Momo, NAPAS… đã được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; ứng dụng VNeID giúp nộp phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến, an toàn, tiện lợi; hay theo thống kê trong tháng 3/2025 của đơn vị vận hành khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), có đến 70% hành khách sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi đi metro…

Xây dựng lá chắn bảo vệ an toàn thanh toán số

Nhờ phần mềm bán hàng tích hợp hệ thống thanh toán, hiện tại, việc xuất hóa đơn đã được thực hiện tự động và chính xác - điều khó thực hiện cách đây khoảng 10 năm khi còn phổ biến tiền mặt. Điều này giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về kê khai thuế, ghi nhận doanh thu, chi phí và thực hiện các thủ tục đối soát tự động hóa, giảm thiểu sai sót, góp phần nâng cao minh bạch và hiệu quả quản lý.

Dù chuyển đổi số đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, các doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực và kiến thức công nghệ, đòi hỏi sự hỗ trợ từ nhiều phía. Hướng đến nhóm đối tượng này, Payoo đã hợp tác với các tổ chức thẻ và ngân hàng để áp dụng chính sách phí ưu đãi, giúp giảm chi phí thanh toán thẻ.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán mua sắm.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán mua sắm.

Đồng thời, Payoo cung cấp giải pháp trọn gói dành cho cửa hàng nhỏ, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử với mức phí hợp lý, giúp họ dễ dàng tham gia vào hệ sinh thái số mà không cần xử lý nhiều kết nối phức tạp. Đây là một phần trong nỗ lực của Payoo nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ trong quá trình số hóa, ủng hộ Chính phủ phát triển hệ sinh thái thanh toán bền vững.

Khi thanh toán không dùng tiền mặt trong nước đã đạt nền tảng vững chắc, Việt Nam tiếp tục mở rộng kết nối số ra quốc tế thông qua các thỏa thuận hợp tác thanh toán QR xuyên biên giới.

Từ cuối năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, NAPAS đã hoàn tất giai đoạn thí điểm kết nối thanh toán qua mã QR với Campuchia, sau đó mở rộng sang Thái Lan, Lào và Singapore. Tháng 4/2025, NAPAS và Vietcombank ký thỏa thuận 4 bên với Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), UnionPay nhằm tăng cường kết nối thanh toán QR giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Song song với đó, nhiều doanh nghiệp Fintech trong nước cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đơn cử, ZaloPay triển khai giải pháp thanh toán QR cho du khách từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... đến Việt Nam, đồng thời mở rộng ra thị trường Singapore cho phép khách hàng thanh toán tại các điểm chấp nhận NETS QR, Grab QR và SGQR.

Những sự hợp tác này góp phần tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp giao dịch liền mạch khi đi du lịch, học tập, công tác. Tuy vậy, thanh toán xuyên biên giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức như pháp lý, tương thích hệ thống, bảo mật và chia sẻ dữ liệu.

Về lâu dài, cần có sự hợp lực giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng và đơn vị trung gian thanh toán để đồng bộ hạ tầng, giảm thiểu rủi ro và mở rộng lợi ích cho người dùng.

Sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán số, cả trong nước lẫn xuyên biên giới, đồng nghĩa với việc gia tăng các rủi ro về an ninh mạng và an toàn thông tin người dùng.

Đặc biệt, các hộ kinh doanh và đơn vị bán lẻ quy mô nhỏ còn nhiều hạn chế về kỹ năng công nghệ và nhận thức an toàn giao dịch, khiến họ dễ trở thành mục tiêu tấn công trên môi trường số. Những hạn chế này chủ yếu xuất phát từ 2 khía cạnh: Thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng thiết bị, công nghệ; thiếu thông tin về an toàn giao dịch và bảo mật tài khoản.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), chỉ trong tháng 9/2024 đã phát hiện 125.338 website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin tài chính và chiếm đoạt tài sản. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, từ giả danh nhân viên ngân hàng đến phát tán liên kết độc hại, phần mềm gián điệp hay tấn công qua mạng xã hội.

Để đối phó, các công ty Fintech như Payoo và ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nâng cấp hệ thống phòng vệ để bảo vệ người dùng trước các mối đe dọa phức tạp.

Cụ thể, công nghệ xác thực giao dịch bằng Smart OTP và nhận diện khuôn mặt giúp ngăn chặn truy cập trái phép; truyền thông hướng dẫn an toàn giao dịch giúp người dùng nhận diện và phòng tránh lừa đảo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát, cảnh báo giao dịch bất thường, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao trải nghiệm người dùng…

Việc người dùng chưa nắm rõ cách sử dụng, hoặc hiểu biết về an toàn trong thanh toán điện tử khiến nguy cơ rủi ro ở mức cao.

Do đó, bên cạnh việc phát triển công nghệ, Chính phủ, hệ thống ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, đào tạo, hướng dẫn sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử một cách an toàn, hướng đến nhóm người dùng dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi số.

Tin bài liên quan