Xin được hỏi ông Thống đốc!

(ĐTCK-online)Sau 1 tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN khống chế dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán (CK) dưới 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, dư luận vẫn không ngớt lời phản ứng về chủ trương này.

Thậm chí đã có người cho rằng, đây là nguyên nhân chính làm TTCK trở nên ảm đạm. Nhiều tờ báo đã đồng loạt lên tiếng với những hàng tít ấn tượng như “Sóng thần 03”, “Cho vay đầu tư chứng khoán sẽ bị khựng lại”… và cuối cùng, Thống đốc NHNN đã có cuộc trả lời báo giới về những điều dư luận nêu ra. Thống đốc đã đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích cho quan điểm khống chế cho vay đầu tư chứng khoán, nhưng với thị trường, lý lẽ này lại chưa đủ thuyết phục.

Có lẽ, trước hết chúng ta cần nhìn nhận chủ trương khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán với ý nghĩa tích cực, nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh của các ngân hàng được an toàn, tránh tình trạng rủi ro gây đổ vỡ cho toàn hệ thống. Cần phải nhìn nhận theo góc độ vĩ mô như thế để tránh sa đà vào các bức xúc tạo ra dư luận thái quá, nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư. Các ý kiến của nhà đầu tư A, B nào đó cần phải được đặt trong quyền lợi của toàn hệ thống, theo nghĩa nó không làm làm ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Nhưng ngay cả khi đặt trong quyền lợi của toàn hệ thống như vậy thì các bước đi và lý giải của Thống đốc về chủ trương khống chế dư nợ cho vay chứng khoán áp dụng chung đồng loạt cho các ngân hàng cũng chưa thuyết phục được thị trường.

Ngoài việc áp dụng đại trà, đồng loạt, mà không phân biệt theo chất lượng hoạt động của từng ngân hàng đã bị dư luận phản ứng, thì cái không thuyết phục đầu tiên là năng lực hoạch định và điều hành chính sách còn quá yếu, nếu không muốn nói là đầy cảm tính. Trả lời báo giới về chủ trương khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán, lý do đầu tiên mà Thống đốc đưa ra là để “thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng”. Vậy xin hỏi, nếu Bộ trưởng nào cũng lấy Thủ tướng ra làm viện dẫn cho các chính sách của mình thì còn gì phản biện, tranh luận và giải thích cho người dân thông?

Thực ra, chỉ đạo mang tính cảnh báo của Thủ tướng là có thể đúng cho bất kỳ thời điểm nào và chỉ đạo này là vô cùng cần thiết trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Nhưng chính là vì đang trong giai đoạn nhạy cảm, nên cần được hiểu thiên về một định hướng chứ không phải là một mệnh lệnh, cụ thể, điều quan trọng là chính NHNN phải phân định rằng, đã đến lúc cần áp dụng liều thuốc mạnh hay chưa. Tại sao NHNN không đưa ra liều thuốc thử thăm dò dư luận trước khi đưa ra quyết định chính thức?

Để thuyết phục dư luận, NHNN nên công bố chính thức các số liệu và khảo sát để chứng minh cho giải pháp mạnh tay của mình. Cần lưu ý, trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào, kể cả các biện pháp kinh tế, NHTW các nước đều thuyết phục thị trường bằng cách đưa ra các chỉ số kinh tế để người dân tin rằng, các biện pháp mà NHTW thực hiện đang hướng về một “kỳ vọng hợp lý”. Vậy cái “kỳ vọng hợp lý” mà NHNN hướng đến khi ban hành quy định khống chế cho vay đầu tư chứng khoán là gì: TTCK phát triển quá nóng, đầy rủi ro hay hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng quá nguy hiểm? Dòng vốn đang đổ vào nền kinh tế quá nhiều, cần phải hạn chế bớt để làm giảm áp lực lên lạm phát hay vì một lý do nào khác? Cho đến lúc này, giới quan sát vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục.

Thống đốc NHNN cũng trích lời từ một chuyên gia nào đó (?) cho rằng, hầu hết các nước không cho vay cầm cố CK để đầu tư CK và rằng, Việt Nam gần như là một nước duy nhất mà ngân hàng lại cho cầm cố CK để vay tiền đi đầu tư CK. Lại một lần nữa, sau khi viện dẫn chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc viện dẫn ý kiến từ một chuyên gia!

Thực ra, đây chỉ đơn thuần là một khuyến cáo không chính thức của một tổ chức hoặc cá nhân, chứ không phải là một vấn đề mang tính nguyên lý trong kinh doanh nói chung và kinh doanh ngân hàng nói riêng. Không thể cho rằng, tất cả các nước trên thế giới ngoài Việt Nam đều không cho vay đầu tư CK. Trong hoạt động kinh doanh, các ngân hàng có quyền tính toán, cân đối hợp lý từng danh mục đầu tư cụ thể để vừa đạt hiệu quả kinh doanh vừa bảo đảm an toàn, trong đó cho vay đầu tư cũng là một trong những danh mục kinh doanh của các ngân hàng. Không thể vịn vào ý kiến của một ai đó làm nền cho giải pháp, mà thiếu đi quan điểm riêng và chứng cứ thuyết phục của chính NHNN.

Một quan điểm khác từ lãnh đạo NHNN cho rằng, việc khống chế dư nợ cho vay là để tránh tình trạng tay “không bắt giặc”, tuy không nói thẳng ra, nhưng từ trong tư duy chính sách thì các vị này cho rằng, có tiền thì mới chơi, không tiền thì đừng chơi CK. Tư duy này đi ngược lại hoàn toàn với sự phát triển vượt bậc của các sản phẩm trên thị trường tài chính hiện nay. Thậm chí, thị trường đã phát kiến đến những giao dịch theo kiểu nhà đầu tư có thể bán cái mà mình không có, huống hồ là vay nợ để đầu tư CK. Chẳng hạn, nhà đầu tư có thể thực hiện các giao dịch bán khống hay việc sử dụng các sản phẩm như quyền chọn (option) hay giao sau (future) để đặt ra lệnh “bán trước” các CK mà hiện giờ tuy mình chưa có, nhưng thị trường (người khác) đang dư thừa. Chính vì cho phép “bán cái mà mình không có nhưng thị trường có” nên TTCK ở các nước lúc nào cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán và phát triển vượt bậc như ngày hôm nay. Chẳng phải NHNN trước đây đã cho phép một số ngân hàng thương mại như Eximbank, ACB, Sacombank… thực hiện giao dịch option trên tiền đồng, ngoại tệ và vàng đó hay sao.

Nếu thật sự hàm ý bên trong của NHNN khi đưa ra khống chế dư nợ cho vay kinh doanh CK là để không muốn thấy tình trạng các nhà đầu tư “tay không bắt giặc” thì phải còn rất lâu nữa TTCK Việt Nam mới trở thành một ngôi sao sáng như dự báo của các tổ chức quốc tế. Còn nếu nói chung, tức là không phiến diện khi quy cho tất cả các chính sách đều phải hướng đến sự phát triển của TTCK như dư luận chờ đợi, thì tư duy như cách xây dựng Chỉ thị 03 chắc chắn cũng tác động ít nhiều đến nền kinh tế nói chung, do dòng vốn bị hãm lại đối với nhà đầu tư và xa hơn là đối với chính các DN muốn huy động vốn trên TTCK. Phải nói rõ như thế, vì khi tranh luận về Chỉ thị 03 chúng ta hầu như chỉ hướng về TTCK, trong khi tác động lan tỏa của nó còn truyền dẫn sang lĩnh vực của chính sách kinh tế vĩ mô.

Dùng chính sách tiền tệ hay hạn chế tiền tệ để kiểm soát lượng cung ứng tiền trên thị trường thì không có gì phải bàn cãi. Cái thiếu chính là cơ sở của nó và cách trả lời của Thống đốc. Đó mới là điều đáng nói.