Xu hướng cổ phần tập trung

Xu hướng cổ phần tập trung

(ĐTCK) 5 năm qua, nhiều đại gia đã ngã ngựa, nhưng cũng rất nhiều nhà đầu tư, nhiều đại gia hiểu được chân giá trị của các doanh nghiệp phát triển bền vững để tích lũy cổ phiếu tốt ở mức giá rẻ.

Nhiều tổ chức đầu tư sau những thua lỗ đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới để tiếp tục nghiệp đầu tư tài chính một cách chuyên nghiệp hơn. Quan sát ĐHCĐ của các doanh nghiệp niêm yết lớn gần đây cho thấy, mặc dù số lượng cổ đông tham gia không nhiều như các năm trước, nhưng số lượng cổ phần mà họ đại diện lại rất cao. Cổ phần của các công ty đại chúng đang ngày càng tập trung, thay vì phân tán như giai đoạn trước.

Điều này dễ nhìn thấy ở ĐHCĐ 2014 của Sacombank, khi nhiều cổ đông nhỏ thắc mắc về phương án sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, nhưng khi biểu quyết, tỷ lệ phiếu thuận lại tới 97% cổ đông tham dự đồng ý chủ trương sáp nhập. Có cổ đông nhỏ thẳng thắn nói: “Chúng tôi biết chỉ một vài vị là đủ quyền quyết định các vấn đề trình đại hội”.

ĐHCĐ của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cuối tuần trước chỉ có khoảng 100 cổ đông tham dự nhưng đại diện cho trên 355 triệu cổ phần, chiếm 84,81%% cổ phần phổ thông có quyền dự họp.

ĐHCĐ năm nay của REE cũng khai mạc đúng giờ và hội trường của tòa nhà E town đủ chỗ nhà đầu tư ngồi. Hẳn nhiều nhà đầu tư chưa quên mấy năm trước, khi thị trường sôi động, REE phải đưa cả màn hình ra ngoài hội trường để cổ đông có thể theo dõi đại hội. Nhưng năm sau đó, vì không đủ số lượng cổ đông để tổ chức đại hội, REE đã phải lùi lại giờ khai mạc để chờ các cổ đông đến và kêu gọi những người không đến được ủy quyền cho người có mặt tham dự.

Đã có những năm mà quy định tỷ lệ nhà đầu tư tham dự ĐHCĐ lần đầu là 65% được một số công ty đại chúng vì “bức xúc” phải triệu tập đại hội nhiều lần, kiến nghị giảm xuống chỉ còn 51%. Nhưng năm nay, chắc chắn tình trạng này sẽ giảm đi trông thấy, thậm chí sẽ không còn là vấn đề đáng nói nữa.

Mức độ tập trung cổ phần có phải là điều đáng ngại khi mà thị trường chứng khoán cần được đại chúng hóa ở mức cao? Thực tế ở thị trường chứng khoán Việt Nam, một công ty đại chúng mà tỷ lệ cổ phần quá phân tán, HĐQT và ban lãnh đạo lại không phải là những người có cổ phần lớn nhất, lớn đến mức chi phối thì nguy cơ cao là công ty đại chúng nhiều chủ nhưng thành ra… vô chủ.

Những cổ đông mà tài sản và quyền lợi của họ không nằm chủ yếu ở công ty được trao quyền lãnh đạo thì việc rút ruột hay tận dụng nguồn lực của công ty để tư lợi cho cá nhân rất khó kiểm soát. Việc bầu Kiên có thể thao túng ACB, hay các khoản vay dễ dãi của ngân hàng cho cổ đông thân quen là bằng chứng rõ ràng nhất.

Trong giai đoạn các doanh nghiệp niêm yết cần tái cơ cấu, thực hiện một cuộc cách mạng thật sự về chiến lược kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh vượt qua khủng hoảng, rất cần một “ông chủ” thực sự sẵn sàng sống chết với công ty, dám nghĩ, dám quyết.

Như REE nếu không có một thủ lĩnh Mai Thanh chèo chống, HAG không có bầu Đức đứng đầu, HPG không có vị chủ tịch HĐQT ít xuất hiện trước công chúng làm “chủ xị”... thì hẳn khó có thể vượt qua khó khăn, phát triển bền vững như hiện nay. Đầu tư vào công ty đại chúng thực chất là đưa vốn cho “người làm chủ” kinh doanh. Vì thế, xu thế tập trung cổ phần đã đang diễn ra ở các công ty niêm yết là một tín hiệu tích cực trong giai đoạn hiện nay.