Ba tháng đầu năm 2024, đã có trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Ba tháng đầu năm 2024, đã có trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Xu hướng du lịch đã thay đổi, doanh nghiệp cần cập nhật để tồn tại

0:00 / 0:00
0:00
Sau Covid-19, thị trường đã thay đổi, các quốc gia điểm đến có những chiến lược, giải pháp khác nhau để phục hồi, phát triển du lịch… Các doanh nghiệp Việt cũng phải nhanh chóng cập nhật xu hướng này.

Chưa phục vụ được nhiều khách du lịch

Đó là chia sẻ của ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại hội thảo Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức ngày 4/4. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2024.

Ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi tích cực. Năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,5 lần so với năm 2022, vượt mục tiêu đặt ra ban đầu (8 triệu lượt). Mức độ phục hồi là 70% so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch xảy ra. Ba tháng đầu năm 2024, đã có trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù một số thị trường truyền thống của ngành du lịch chưa phục hồi hoàn toàn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Tuy nhiên nhiều thị trường khác đã phục hồi vượt mức năm 2019, tạo động lực kéo tổng lượng khách quốc tế trong quý I/2024 cao hơn cả mức trước dịch.

Tuy nhiên, sau dịch bệnh, đặc điểm thị trường đã thay đổi, các quốc gia điểm đến có những chiến lược tiếp cận, ban hành nhiều chính sách, giải pháp khác nhau để phục hồi và phát triển du lịch… Các doanh nghiệp kinh doanh cũng phải chuyển đổi cách thức xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm.

Theo ông Hồ An Phong, có một thực tế là mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng nhanh, nhưng lượng khách mà các doanh nghiệp lữ hành phục vụ lại không tăng nhiều. Tình trạng này đã được nhận diện thông qua nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành trong suốt thời gian qua.

Điều này cho thấy hình thức đi du lịch không theo tour hay du lịch tự túc đang ngày càng trở nên phổ biến. Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi sự “lên ngôi” của chuyển đổi số. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trong tay, khách du lịch đã có thể tự tìm kiếm và đặt dịch vụ một cách rất thuận tiện thông qua các nền tảng trực tuyến.

“Mặt khác, mô hình kinh doanh theo hướng B2B mà nhiều doanh nghiệp đang tập trung trong thời gian qua liệu có còn phù hợp khi các đối tác ở nước ngoài đang có những thay đổi trong chiến lược thị trường. Phải chăng dịch chuyển trọng tâm sang mô hình B2C trực tiếp hướng đến khách du lịch là yêu cầu cấp thiết hiện nay?”, ông Phong chia sẻ.

Doanh nghiệp cần tìm cách thay đổi

Xu hướng mới đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển cần thích ứng linh hoạt và chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Trong sự dịch chuyển sang mô hình B2C, yếu tố chuyển đổi số đóng vai trò sống còn. Việc ứng dụng công nghệ và mở rộng diện tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng số sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam để thu hút khách hàng là những vị khách du lịch quốc tế.

Doanh nghiệp du lịch cần tìm cách thay đổi, nắm bắt xu hướng du lịch mới của khách hàng để tồn tại, phát triển

Doanh nghiệp du lịch cần tìm cách thay đổi, nắm bắt xu hướng du lịch mới của khách hàng để tồn tại, phát triển

Đánh giá về mô hình kinh doanh của ngành du lịch Việt, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventure cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh du lịch Việt chủ yếu hoạt động theo mô hình B2B - xây dựng chương trình tour, tiếp cận đối tác nước ngoài để họ đi khảo sát rồi lên chương trình bán hàng, đưa khách sang cho mình. Mô hình này giúp doanh nghiệp lữ hành không phải đầu tư nhiều về marketing hay website, nhiệm vụ đưa khách tới thuộc về đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn bị động về nguồn khách, không thể tự giới thiệu sản phẩm trực tiếp cho khách. Các doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận nhiều luồng khách trong xu thế mới hiện nay buộc phải chuyển sang mô hình B2C - bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng. Điều này đòi hỏi mỗi công ty phải làm thật tốt từ marketing đến sản phẩm, phân phối, dịch vụ bán hàng...

Đồng tình với vấn đề này, ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting cho rằng, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do không đón được dòng khách. Có rất nhiều lý do những nguyên nhân lớn nhất là sự thay đổi của thị trường và thay đổi của du khách.

Theo đó, nguyên nhân là xu hướng du lịch nội khối đã được đẩy rất nhanh từ tác nhân là dịch bệnh. Du khách sẽ ưu tiên các chuyến đi sử dụng đường bay ngắn (1 - 2 giờ, không quá 8 giờ) tới các điểm đến nằm trong khu vực. Riêng Việt Nam, thị trường nội khối hiện chiếm tới 81% tổng lượng khách quốc tế. Các thị trường xa, ngoại khối, khu vực châu Âu, châu Mỹ gần như không tăng trưởng nhiều mặc dù là đối tượng được hưởng trực tiếp các ưu đãi từ chính sách thị thực mới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chủ động thích ứng và khai thác hiệu quả các cơ hội do xu hướng du lịch mới mang lại, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các Bộ ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện các nội dung.

Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch quảng bá xúc tiến, truyền thông thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam thông qua trang web, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, các hoạt động hướng tới công chúng tại các thị trường nguồn.

“Song song đó, chúng tôi sẽ huy động, dành nhiều hơn nữa nguồn lực hỗ trợ cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng thông tin xúc tiến du lịch B2C. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp, hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động, quản trị rủi ro trong thời gian tới”, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay.

Tin bài liên quan