Nhiều khả năng, HDBank sẽ nhận chuyển giao DongABank. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều khả năng, HDBank sẽ nhận chuyển giao DongABank. Ảnh: Đức Thanh

Xử lý ngân hàng yếu kém bước vào giai đoạn tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn chục năm kéo dài tình trạng yếu kém, các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được “xử lý” trong năm nay nhờ sự tham gia của các ngân hàng lớn.

Sẽ có phương án được phê duyệt ngay trong quý I/2024?

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, ngân hàng này đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém và đề xuất được Chính phủ phê duyệt phương án này trong quý I/2024. Thời gian qua, Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp phối hợp với ngân hàng được kiểm soát đặc biệt để cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước giao.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, năm nay sẽ quyết liệt triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Cụ thể, sẽ tích cực triển khai các công việc cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, triển khai đúng tiến độ các biện pháp hỗ trợ khi phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Trước đó, lãnh đạo VPBank cũng cho hay, đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.

Hiện chưa có ngân hàng nào chính thức công bố tên ngân hàng yếu kém sẽ nhận chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều khả năng, MB sẽ nhận chuyển giao OceanBank, Vietcombank nhận chuyển giao CB, HDBank nhận chuyển giao DongABank, còn VPBank sẽ nhận chuyển giao GPBank.

Vấn đề phức tạp nhất của chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém là khâu định giá. Được biết, các ngân hàng chuyển giao bắt buộc đã triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp và đã có chứng thư thẩm định giá của các đơn vị thẩm định giá. Kiểm toán Nhà nước sau đó đã làm việc với các ngân hàng và đơn vị tư vấn để đối chiếu số liệu kiểm toán. Ngay đầu năm 2024, Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với nhau về kết quả kiểm toán các chứng thư này.

Đường dài tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc là chưa có tiền lệ, song đến nay “cơ bản đã hoàn thành”, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết thời gian tới.

Tuy vậy, ngay cả khi các phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, lộ trình xử lý các ngân hàng yếu này cũng phải kéo dài 8-10 năm. Sau khi tái cơ cấu thành công, các ngân hàng yếu kém này có thể được ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sáp nhập vào để tăng quy mô hoặc bán đi như một khoản đầu tư, hoặc cũng có thể lựa chọn phương án IPO thành một ngân hàng TMCP độc lập.

Hiện nay, toàn hệ thống có 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, gồm OceanBank, CB, GPBank, DongABank và SCB. Trong đó, SCB là ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều 4 ngân hàng còn lại và quá trình tái cơ cấu sẽ phức tạp hơn.

Hiện các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Riêng với SCB, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB của SCB và Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xử lý SCB. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để khẩn trương trình Chính phủ phương án cơ cấu lại SCB theo quy định.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng tham gia xử lý/nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém.

Báo cáo Quốc hội trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn, vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ. Năng lực của cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát, vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém)...

Có thể tính tới phương án cho phép phá sản.

- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Hình thức chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém phù hợp với những ngân hàng phải chuyển giao bắt buộc có tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, như CB, GPBank, OCeanBank, DongABank. Bên nhận chuyển giao bắt buộc là những ngân hàng lớn, nếu thấy có triển vọng khắc phục được nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản đảm bảo của ngân hàng yếu kém, thì họ vẫn tham gia tái cơ cấu.

Tuy vậy, với ngân hàng yếu kém có tổng tài sản quá lớn như SCB (tổng tài sản hơn 760.000 tỷ đồng cuối quý II/2022), thì việc chuyển giao bắt buộc sẽ rất rủi ro với ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Trong trường hợp ngân hàng yếu kém không có ngân hàng nào nhận chuyển giao bắt buộc, sau khi đã hoàn tất trả lại tiền gửi cho người dân, tôi cho rằng, có thể tính tới phương án cho phép phá sản để giảm tổn thất lâu dài.

Tin bài liên quan