
Thị trường mở rộng
Những tác động trực tiếp của kinh tế, thương mại toàn cầu tới sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, đặc biệt là quý II, khiến bức tranh tăng trưởng có những biến động nhất định. Vượt lên trên “khúc cua” không mong muốn, hoạt động thương mại vẫn ghi dấu ấn với hàng loạt điểm sáng, khi cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều tăng hai con số, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 6/2025 đạt gần 76,15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 431,5 tỷ USD, tăng 16,1% (tương ứng tăng 59,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
![]() |
Nguồn: Cục Hải quan (Bộ Tài chính), đơn vị: tỷ USD |
Trong đó, xuất khẩu đạt 219,34 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng 27,29 tỷ USD); nhập khẩu đạt 212,15 tỷ USD, tăng 17,9% (tương ứng tăng 32,2 tỷ USD); thặng dư thương mại đạt 7,19 tỷ USD.
Xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ thế thượng phong. Nhiều ngành hàng chủ lực giữ đà tăng trưởng tiếp nối từ năm 2024 với trị giá tăng thêm hàng tỷ USD, góp phần vào kết quả tăng trưởng 14,2% của 6 tháng qua. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2025, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng thêm 12,35 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 3,17 tỷ USD; cà phê tăng 1,94 tỷ USD…
Bộ Công thương đánh giá, nửa đầu năm, các chỉ số về xuất nhập khẩu đang bám sát kịch bản tăng trưởng đề ra, nhất là xuất khẩu đang tiến gần hơn mục tiêu tăng trưởng 12%, tương ứng với kim ngạch 451 tỷ USD.
“Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đa dạng hóa, khai thác các thị trường đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với thuế suất ưu đãi tiếp tục giảm theo lộ trình; đồng thời, tìm kiếm và phát triển các thị trường mới, mặt hàng mới, nhờ đó xuất khẩu vẫn ghi điểm trong bối cảnh bất định về thương mại gia tăng”, bà Mai Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công thương) cho biết.
Nỗ lực để cán đích
Năm 2024, xuất nhập khẩu của Việt Nam cán đích gần 800 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, duy trì trong Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.
Với 17 FTA đang thực thi, tạo “sân chơi” thương mại rất đáng kể cho Việt Nam. Nhờ các cam kết thuế quan, mở cửa thị trường, giúp thuận lợi về hải quan, cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều lợi ích hơn, trong đó doanh nghiệp FDI đã tận dụng rất tốt điều này.
Báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025 của EuroCham ghi nhận, những tác động đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong 5 năm qua là rất đáng kể với doanh nghiệp châu Âu.
Kết quả khảo sát cũng phản ánh sự ghi nhận ngày càng rõ rệt từ phía doanh nghiệp đối với những lợi ích thiết thực mà EVFTA mang lại. Có tới 98,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ nắm rõ EVFTA, hiệp định này mang lại lợi ích từ mức trung bình đến đáng kể cho hoạt động kinh doanh.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham khẳng định, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không chỉ là “tấm hộ chiếu” để hưởng ưu đãi thuế quan, mà còn là biểu tượng của uy tín và niềm tin tại các thị trường đích.
Trong nỗ lực hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, sớm cán đích mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm nay, ngày 16/7 tới, Bộ Công thương và Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Mỹ.
Đặc biệt, ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ hai nước. Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên. Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp.
Nửa cuối năm 2025, dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt rủi ro do tác động của thuế quan và cạnh tranh với nhiều quốc gia cùng mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, nhất là về giá cước và biến động của thị trường vận tải, kho vận thế giới cũng như trong nước để có khuyến nghị kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp.