Xuất khẩu dệt may ảnh hưởng ra sao khi EU đóng cửa biên giới

Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,9 tỷ USD sau 2,5 tháng đầu năm, ngành dệt may chắc chắn không thể tránh khỏi sụt giảm xuất khẩu do EU, thị trường nhập gần 4,5 tỷ USD hàng dệt may/năm đóng cửa biên giới để chặn đà lây lan của Covid-19.
Xuất khẩu dệt may sang EU sẽ gặp khó khăn do EU đóng cửa biên giới và nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm.

Xuất khẩu dệt may sang EU sẽ gặp khó khăn do EU đóng cửa biên giới và nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm.

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, với giá trị xuất khẩu 1,185 tỷ USD trong nửa kỳ đầu của tháng 3, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 5,9 tỷ USD sau 2,5 tháng.

Nếu trong nửa cuối tháng 3, duy trì được bằng nửa kỳ đầu tháng, xuất khẩu của ngành sẽ đạt 7,080 tỷ USD. Dù vậy, so với mức 7,3 tỷ USD của quý 1/2019, mức giảm ước chừng trên 200 triệu USD.

Trước diễn biến dịch bệnh covid-19 ngày càng nghiêm trọng, châu Âu trở thành tâm dịch của thế giới, EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU trong vòng 30 ngày.

Quy định kiểm soát dịch bệnh này của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU, bởi lẽ quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân.

Tuy nhiên,xét trên một số khía cạnh kinh tế, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,…nhiều khả năng sẽ suy giảm.

Thông tin từ Hiệp hội Thêu đan TP.Hồ Chí Minh, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ vừa có thông báo tạm ngưng nhập hàng may mặc từ Việt Nam trong 3 tuần tới. Trước đó, các nhà nhập khẩu từ EU cũng thông báo ngưng nhập hàng dệt may trong vòng 1 tháng.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, khó khăn là không thẻ tránh khỏi. Nếu Covid-19 kéo dài, tổng cầu dệt may toàn cầu giảm sẽ gây khó khăn cho các đơn hàng, và giá gia công hàng xuất khẩu doanh nghiệp dệt may ngay trong quý II và cả năm 2020.

Hiện nay, EU là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.Trong năm 2019, lượng hàng hóa xuất khẩu qua đường biển đạt 20,5 tỷ Euro, đường hàng không đạt 14,5 tỷ Euro, đường sắt đạt 671 triệu Euro; trong khi nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt là 5,990 tỷ Euro, 3,56 tỷ Euro và 9 triệu Euro.

"Các quy định liên quan đến kiểm soát dịch cũng có thể sẽ gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU; cản trở các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư giữa hai Bên", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.

Nâm 2019, ngành dệt may đã chịu nhiều khó khăn do xuất khẩu bị ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 39 tỷ USD, hụt 1 tỷ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Nhưng, dự báo 2020 còn khó nữa, khi sự ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 đã lan rộng, tới tất cả các thị trường nhập khẩu chính yếu của hàng dệt may Việt Nam, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...

Tin bài liên quan