Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của trái thanh long Việt Nam Ảnh: Đức Thanh

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của trái thanh long Việt Nam Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Trung Quốc: Chuyển nhanh sang chính ngạch

0:00 / 0:00
0:00
Nông, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nên cần chuyển nhanh sang xuất chính ngạch để đảm bảo tính bền vững.

Thương mại Việt - Trung “nhảy vọt”

Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc tăng 9 lần, từ mức 20 tỷ USD vào năm 2008 lên gần 180 tỷ USD vào năm 2022.

Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu từ Trung Quốc 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%.

Trong 11 tháng của năm 2023, dù chịu nhiều bất lợi từ sự suy giảm thương mại toàn cầu, nhưng xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc vẫn đạt 155,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát hoạt động nhập khẩu tại khu vực biên giới; siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu. Do đó, phương thức xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững, cần chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch.

Bộ Công thương

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, Trung Quốc còn cung ứng một lượng hàng hóa lớn - đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam.

Đơn cử, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc trị giá 24,3 tỷ USD; nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trị giá 24,1 tỷ USD; nhập vải các loại trị giá 9,2 tỷ USD; nhập điện thoại các loại và linh kiện trị giá 8,1 tỷ USD; nhập sắt thép các loại trị giá 5 tỷ USD; nhập sản phẩm từ chất dẻo trị giá 4,4 tỷ USD.

Tiến nhanh sang xuất khẩu chính ngạch

Xuất khẩu sang Trung Quốc không ngừng được cải thiện, nhưng nhóm hàng nông, thủy sản chủ yếu vẫn xuất theo đường tiểu ngạch.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các địa phương, ngành hàng và doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch.

“Các địa phương phải thực hiện tốt Đề án Xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Để tăng xuất khẩu chính ngạch, theo đại diện tỉnh Lào Cai, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu liên quan đến an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ; bao bì, nhãn mác…

Năm 2022, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với hàng loạt nông sản, hoa quả của Việt Nam, bao gồm sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang. Đây đều là những sản phẩm mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn, nên nếu đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp Việt có cơ hội để tăng thị phần, tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường tỷ dân.

Hành trình chuyển sang xuất khẩu chính ngạch không dễ dàng, nhưng trên thực tế, ngành hàng trái cây đã tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nhờ quá trình đầu tư vùng trồng đúng chuẩn, tuân thủ các yêu cầu dù nhỏ nhất của thị trường Trung Quốc.

Đơn cử, với mặt hàng sầu riêng, sau hơn 1 năm xuất khẩu chính ngạch theo Nghị định thư, xuất khẩu sang Trung Quốc 10 tháng của năm 2023 đạt 452.000 tấn, trị giá 1,94 tỷ USD, tăng 3.190% về lượng và tăng 3.101% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, Việt Nam trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 cho thị trường Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.

Tuy nhiên, cục diện có thể thay đổi, bởi Việt Nam mới chỉ được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi vào Trung Quốc, còn Thái Lan có cả 3 mặt hàng là sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh và chế biến.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, sắp tới, nếu Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, thì kim ngạch mặt hàng này sẽ tăng cao hơn.

“Chúng tôi kỳ vọng, sau chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, thị trường xuất khẩu của những mặt hàng trái cây như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, dừa khô, bưởi, bơ, chanh… sẽ được khơi thông”, ông Nguyên bày tỏ.

Tin bài liên quan