Dữ liệu từ Canalys cho thấy lượng iPhone xuất xưởng từ Ấn Độ sang Mỹ đạt khoảng 3.000.000 chiếc trong tháng 4, trong khi lượng iPhone xuất xưởng từ Trung Quốc sang Mỹ trong cùng kỳ giảm khoảng 76% so với năm ngoái xuống chỉ còn 900.000 chiếc.
Theo Le Xuan Chiew, Giám đốc nghiên cứu tại Canalys, số liệu trong tháng 4 cho thấy các biện pháp quyết liệt mà Apple đã thực hiện để thích ứng với mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc - nơi Apple sản xuất hầu hết iPhone của mình.
"Cuộc chiến thương mại mới nhất với Trung Quốc này là loại xáo trộn mà Apple đã cố gắng chuẩn bị từ lâu", ông cho biết.
Theo ước tính của Canalys, Ấn Độ cũng đã vượt qua Trung Quốc về lượng iPhone xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 3. Sự gia tăng này diễn ra trước khi Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng thuế quan đối ứng vào ngày 2/4.
Sau đó, quyết định của chính quyền Tổng thống Trump về việc miễn thuế quan qua lại đối với iPhone và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác vào ngày 11/4 đã không đảo ngược được xu hướng này, khi vào đầu tháng 5, CEO của Apple, Tim Cook, đã nhắc lại kế hoạch sản xuất hầu hết iPhone được bán tại Mỹ là tại Ấn Độ.
Trong khi đó, iPhone được nhập khẩu từ Trung Quốc theo mức thuế quan hiện tại của Mỹ vẫn phải chịu thêm 30% thuế, trong khi mức thuế cơ sở hiện là 10% đối với hầu hết các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ.
Theo ông Le Xuan Chiew, mặc dù lượng iPhone xuất xưởng tăng đột biến vào tháng 3 và tháng 4 cho thấy khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng của Apple, nhưng tốc độ tăng trưởng đó dự kiến sẽ chậm lại trong phần còn lại của năm.
“Năng lực sản xuất của Ấn Độ không được kỳ vọng sẽ tăng đủ nhanh để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Mỹ. Vẫn còn quá sớm”, ông cho biết.
Canalys ước tính rằng nhu cầu iPhone của Mỹ là khoảng 20 triệu chiếc mỗi quý, và Ấn Độ dự kiến chỉ có thể đạt được mức này vào năm 2026.
Trong khi đó, Daniel Newman, Giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích chính tại công ty nghiên cứu Futurum Group lưu ý rằng số lượng lô hàng phản ánh quá trình lắp ráp cuối cùng, nhưng không đại diện cho toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất.
“Thực ra, họ đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi phải di dời ngày càng nhiều bộ phận lắp ráp cuối cùng từ Trung Quốc sang Ấn Độ”, ông cho biết, đồng thời cho biết phần lớn các bộ phận lắp ráp phụ vẫn đang ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết khả năng mở rộng năng lực sản xuất iPhone của Ấn Độ có thể bị hạn chế bởi các biện pháp bảo hộ từ Mỹ và Trung Quốc, cả hai đều có vấn đề với phản ứng của Apple đối với thuế quan.
Theo ông Newman, mặc dù đây là điều thông minh mà Apple nên làm, nhưng họ cũng đang bước vào một “trò chơi nguy hiểm” với Tổng thống Trump, vì điều này không đáp ứng được các mục tiêu về thuế quan của chính quyền ông.
Trong tuần qua, Tổng thống Trump đã dọa sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các lô hàng iPhone, nhắc lại rằng ông kỳ vọng iPhone được bán tại Mỹ sẽ được sản xuất và lắp ráp trong nước chứ “không phải Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác”.