Xuất khẩu nông sản sang EU: Tăng tuân thủ quy định để tăng cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
Khi xuất khẩu nông sản sang EU, doanh nghiệp Việt cần làm việc kỹ với nhà nhập khẩu về nhãn hàng, chất lượng sản phẩm, bao bì, kiểm tra hợp đồng… tránh tình trạng hàng bị ách lại cảng.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xuất khẩu nhiều, nhưng vẫn mắc lỗi

Tính riêng trong tháng 10/2021, Hệ thống Cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã đưa ra 4 thông báo đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của 4 doanh nghiệp Việt Nam, gồm lô hàng chôm chôm, hạt tiêu đen, mộc nhĩ khô và bột quế.

Đây không phải là những sự cố đầu tiên liên quan đến chất lượng nông sản xuất khẩu sang EU. Trước đó, Việt Nam liên tiếp nhận được cảnh báo từ cơ quan y tế của Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha về việc phát hiện các hóa chất cấm trong mướp đắng, hải sản, động vật giáp xác. Loạt sản phẩm mỳ ăn liền, miến của nước ta cũng bị cảnh báo và thu hồi tại một số nước EU do nhiễm chất Ethylene Oxide (EO) vượt ngưỡng quy định.

Gần đây nhất, cơ quan y tế của Na Uy và Pháp phát hiện các chất không cho phép trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và bưởi nhập khẩu từ Việt Nam.

Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam không ngừng gia tăng tại nhiều thị trường lớn, song điều đáng nói là, tần suất bị nhắc nhở vẫn diễn ra thường xuyên.

Trong 10 tháng của năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang EU đạt 32,31 tỷ USD (tăng 10,5% so với cùng kỳ), trong đó, xuất khẩu rau quả ước đạt 130 triệu USD .

Sự chuẩn hóa trong khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu với tính tuân thủ quy định cao sẽ giúp hàng hóa Việt ngày càng gia tăng sự hiện diện tại EU, khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA.

Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang Bỉ và EU do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức đầu tuần này, bà Nguyễn Minh Liên, Tổng giám đốc Công ty Vinamex (doanh nghiệp thu mua hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Bỉ và EU) đã chỉ ra nhiều lỗi mà một số doanh nghiệp Việt mắc phải khi xuất khẩu.

Đó là, chưa tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phạm những lỗi cơ bản về bao bì đóng gói, bao bì không hiển thị đủ thông tin bằng ngôn ngữ theo quy định...

Một bộ phận doanh nghiệp, người sản xuất chưa chú trọng đúng mức việc tuân thủ quy định nhập khẩu, nên thường vướng phải cảnh báo vi phạm tiêu chuẩn an toàn chất lượng và yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường, thậm chí bị trả lại hàng hóa, làm ảnh hưởng tới uy tín nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giải thích, EU là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao với nông - thủy sản nhập khẩu. Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng bị cảnh báo.

Cụ thể, tháng 10/2021, RASFF có trên 400 thông báo đối với lô hàng của các quốc gia nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, gồm các vi phạm về ô nhiễm vi sinh vật; mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, độc tố nấm mốc…

Chỉ còn cách tuân thủ nghiêm

Theo quy định mới vừa được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành liên quan tới kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, từ ngày 23/11, nhiều loại nông sản Việt Nam sang EU đã được thông báo tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật. Định kỳ 6 tháng một lần, EC sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với rau mùi ta, rau mùi tây, húng quế, bạc hà, đậu bắp và hạt tiêu tươi nhập khẩu từ Việt Nam là 50%. Có thể hiểu, cứ 2 lô hàng xuất sang EU, sẽ có 1 lô bị dỡ ra xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu. Với thanh long, tần suất là 10%.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại EU và Vương quốc Bỉ chia sẻ, hầu hết quy định tại các quốc gia trong EU đối với hàng nông sản thực phẩm là tương đồng. Doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng Luật Thực phẩm chung, Luật Hạn chế các hóa chất và chất gây ô nhiễm tồn dư.

Riêng với quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm (MRL), mức giới hạn là 0,01 mg/kg. MRL thay đổi theo các hoạt chất khác nhau, sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến cũng khác nhau. Một số nước như Đức, Áo, Anh, Hà Lan, Bỉ áp dụng mức MRL chặt chẽ và cao hơn quy định của EU.

Theo ông Quân, EU quy định, những hàng hóa lần đầu tiên xâm nhập thị trường EU sẽ được kiểm soát với một tần suất nhất định, nếu đáp ứng được, thì sẽ không bị kiểm soát những lần tiếp theo. Với những hàng hóa đã vào thị trường EU nhưng bị vướng vào kiểm dịch hoặc vấn đề an toàn thực phẩm, thì sẽ bị nâng dần tỷ trọng kiểm soát ở cảng.

“Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang có những thuận lợi nhất định nhờ EVFTA đã đi vào thực thi, đặc biệt với nông sản. Các tiêu chuẩn của EU rất cao, nên để khai thác được cơ hội tăng xuất khẩu, có ưu đãi, doanh nghiệp phải tự nâng cấp sản phẩm trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kiểm tra kỹ tiêu chuẩn lô hàng trước khi xuất khẩu”, ông Quân khuyến nghị.

Tin bài liên quan