Xuất khẩu phân bón 4 tháng tăng kỷ lục, mang về gần 413 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
Tận dụng giá phân bón tăng cao, các nhà sản xuất phân bón trong nước đã tăng tốc xuất khẩu 627.932 tấn phân bón các loại trong 4 tháng đầu năm 2022, mang về 412,62 triệu USD.
Xuất khẩu phân bón 4 tháng năm 2022 tăng cao, trị giấ 412 triệu USD, tăng 174% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu phân bón 4 tháng năm 2022 tăng cao, trị giấ 412 triệu USD, tăng 174% so với cùng kỳ.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu 627.932 tấn phân bón các loại, trị giá 412,62 triệu USD, tăng 32,7% về lượng, tăng mạnh 174,8% về trị giá.

Giá phân bón xuất khẩu đạt 657 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá phân bón tăng cao, trị giá xuất khẩu 4 tháng đã gần bằng xuất khẩu cả năm ngoái. Năm 2021, cả nước xuất bán 1,35 triệu tấn, thu về 560 triệu USD.

Phân bón chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Á. Trong đó, thị trường lớn nhất là Campuchia với 146.476 tấn, trị giá 80,14 triệu USD, giảm nhẹ 2,1% về khối lượng, nhưng kim ngạch tăng 61,8% và giá tăng 65,2%. Thị trường lớn thứ hai là Hàn Quốc với 43.076 tấn, trị giá 34,3 triệu USD, tăng 197,7% về lượng, tăng 807,4% về kim ngạch.

Các thị trường lớn khác đều nằm ở Đông Nam Á như: Malaysia 66.381 tấn, trị giá 28,47 triệu USD; Lào với 26.288 tấn, trị giá 13,82 triệu USD; Myanmar với 21.596 tấn, trị giá 15,4 triệu USD; Philippines đạt 21.116 tấn, trị giá 17 triệu USD…

Xuất khẩu phân bón sang thị trường các nước FTA RCEP đạt 343.060 tấn, tương đương 202,95 triệu USD, tăng mạnh 40% về lượng và tăng 160,8% trị giá so với cùng kỳ 2021, chiếm 54,6% trong tổng khối lượng và chiếm 49% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu sang thị trường các nước FTA CPTTP đạt 76.024 tấn, tương đương 35,34 triệu USD, tăng 139,7 % về lượng và tăng 382,8% về trị giá so với cùng kỳ 2021, chiếm 12% trong tổng khối lượng và chiếm 8,6% trong tổng kim ngạch.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng sở dĩ giá phân bón tăng cao (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) là do nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất này tăng mạnh. Mặt bằng giá cao đã duy trì suốt 2 năm đại dịch và đỉnh điểm từ đầu năm 2022 đến nay do tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine, tiếp tục tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam.

Đơn cử như để sản xuất phân DPA phải có lưu huỳnh và từ đầu năm đến nay giá nhập khẩu mặt hàng này tăng 85,6%; hay mặt hàng kali nhập khẩu để sản xuất phân NPK cũng tăng 82%, ngoài ra, chưa kể việc tăng giá nguyên liệu, chi phí logistics…

Giá phân bón phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, là một mặt hàng toàn cầu nên có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thị trường ngoài tầm kiểm soát của nhiều nhà sản xuất lớn.

Thêm vào đó, năng lượng và các chi phí biến đổi khác tăng, giá khí tự nhiên, giá dầu đã tăng đột ngột cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi đó khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chi phí này chiếm 70% đến 90% chi phí sản xuất ammoniac.

Do đó, việc xuất khẩu phân bón tăng về lượng, tăng về trị giá một mặt có lợi cho các doanh nghiệp, nhưng ở góc độ thị trường nội địa, một lượng lớn ngoại tệ cũng phải chi ra nhập khẩu nhóm hàng này.

Nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm. Các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ (phân bón hóa học) đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: phân đạm, phân DAP, phân lân (supe lân, lân nung chảy), NPK,...

Năm 2021, sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 7,1 triệu tấn, tăng 6 % so với cùng kỳ. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu tấn phân bón các loại từ urea, đến DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK,…Hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gồm Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sản xuất 1,035 triệu tấn phân bón các loại, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất 898.000 tấn (bao gồm urea, NPK, phân bón hữu cơ,..).

Tin bài liên quan