Xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc tăng cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ tháng 7 năm 2021, cao hơn mức tăng 17,9% trong tháng 6, đồng thời cao hơn dự báo tăng 15% của giới chuyên gia.
Xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc tăng cao kỷ lục

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu suy giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kim ngạch thương mại của quốc gia này trong thời gian tới.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ tháng 7 năm 2021. Đây là mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Dữ liệu tháng 7 thậm chí cao hơn mức tăng 17,9% trong tháng 6 và hơn mức dự báo tăng 15% của giới chuyên gia.

Bất chấp nhu cầu toàn cầu đang giảm đi, đà xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi việc bình thường hóa hoạt động sản xuất ở những nơi như khu vực Đồng bằng sông Dương Tử bao gồm Thượng Hải và một phần của các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang.

Nhu cầu mạnh mẽ từ Đông Nam Á, châu Âu và Nga đã hỗ trợ tăng trưởng. Xuất khẩu đến các nước ASEAN, Liên minh châu Âu và Nga đã tăng lần lượt 34%, 23% và 22% trong tháng trước.

Xuất khẩu chiếm 0,9 điểm phần trăm - tương đương hơn một phần ba - tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Ngành này cũng là chìa khóa của thị trường việc làm vì đã tuyển dụng 180 triệu người vào năm ngoái - tức khoảng một phần tư lực lượng lao động của đất nước.

Đây chính là một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm nay trong bối cảnh các quy định phòng dịch khắt khe làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, trụ cột của nền kinh tế, tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng.

Nhiều chuyên gia phân tích dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chậm lại do nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào một giai đoạn suy thoái nghiêm trọng trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao và các ngân hàng trung ương chạy đua lãi suất.

Theo kết quả một khảo sát tư nhân gần đây, nhu cầu hàng hóa đang trong xu hướng giảm với các chỉ số đo lường số lượng đơn hàng và sản lượng sản xuất đều tụt xuống ngưỡng thấp nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tháng 7 của Trung Quốc cũng cho thấy xu hướng giảm của hoạt động sản xuất, làm dấy lên quan ngại quá trình phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang có dấu hiệu cải thiện, đúng giai đoạn chuẩn bị cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Lưu lượng container qua 8 cảng biển lớn nhất Trung Quốc tăng 14,5% trong tháng trước, cao hơn so với mức tăng 8,4% tháng 6. Lượng container qua cảng Thượng Hải cũng tăng cao kỷ lục trong tháng 7.

Số lượng nhập khẩu trong tháng 7 cũng tăng 2,3%, cao hơn so với tháng 6 nhưng thấp hơn dự báo tăng 3,7% của giới chuyên gia.

“Dù nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng sau khi nhiều quy định phòng dịch Covid-19 được gỡ bỏ, nhưng lĩnh vực sản xuất suy giảm khiến cho hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc thấp hơn dự báo”, ông Xu Shuzheng, Chuyên gia nghiên cứu tại CITIC Securities cho biết. Ông nói thêm, đà hồi phục của Trung Quốc tương đối mong manh trước tình hình dịch bệnh phức tạp.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 7 đạt 101,26 tỷ USD, cao hơn dự báo 90 tỷ USD của giới chuyên gia và cũng là lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD. So với tháng 7/2021, thặng dư thương mại của nước này đã tăng đến 44%.

Tin bài liên quan