Yếu tố tâm lý có thể “dìm” thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, khi kỳ vọng được tạo ra bởi những yếu tố tâm lý thì khó có thể xác định được đâu là điểm dừng.

Các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên kịch trần, về tỷ giá thì giao dịch cũng ở mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Dường như tỷ giá và lãi suất sau thời gian nén đã bung mạnh. Có vẻ các giải pháp tăng lãi suất và nới biên độ tỷ giá cũng như tăng tỷ giá trung tâm chưa “thỏa mãn” nhu cầu thị trường?

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Nếu đặt vấn đề các công cụ vừa được Ngân hàng Nhà nước sử dụng có hiệu quả hay không lại còn phụ thuộc vào sự quản lý trong từng công cụ của cơ quan quản lý. Ví dụ, nới biên độ tỷ giá lên +/- 5% là hợp lý và trước đây, Việt Nam đã từng nới biên độ rộng như vậy, nhưng nếu không quản lý thị trường ngoại hối hiệu quả thì sức ép tiếp tục đè lên tỷ giá trung tâm.

Để xác định “thoả mãn” được nhu cầu thị trường cần phải cộng thêm yếu tố về tâm lý, trong khi đây là điều gần như không tính toán được. Đặc biệt, khi kỳ vọng được tạo ra bởi những yếu tố tâm lý thì khó có thể xác định được đâu là điểm dừng và thậm chí xa hơn có thể “dìm” thị trường. Do đó, điều cần là truyền tải thông tin để giữ niềm tin, không tạo những lo ngại.

Ví dụ, sau những biến động gần đây, cho dù hệ thống ngân hàng vẫn hoàn toàn ổn, nhưng một số người không thể tránh khỏi lo lắng về rủi ro tiền gửi. Về mặt luật định, các tổ chức tín dụng, cũng như công ty, có thể phá sản. Nhưng trên thực tế, từ trước đến nay, Việt Nam chưa có ngân hàng nào phá sản. Đây cũng là một kinh nghiệm chung của thế giới và bài học sau đại khủng hoảng 1930 và gần nhất là khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008 là một ngân hàng phá sản sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền lây lan sang toàn bộ hệ thống, làm tín dụng đóng băng và không còn kênh dẫn vốn cho phục hồi kinh tế. Vì vậy, sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, Chính phủ Mỹ đã trực tiếp can thiệp vào hàng trăm ngân hàng, kể cả biện pháp quốc hữu hóa. Do vậy, cũng giống như Mỹ và các nước khác, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bằng cách sát nhập, mua lại và quốc hữu hóa các ngân hàng yếu kém, sau đó dần đưa những ngân hàng này khôi phục lại hoạt động.

Các nhận định gần đây đều cho thấy, hành động của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời với diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với một nền kinh tế quy mô chưa lớn nhưng có độ mở rất lớn thì đâu là những thách thức tiếp theo cần nhận diện sau khi công cụ điều hành tiền tệ đã được vận dụng nhanh và mạnh?

Việc tăng lãi suất được trì hoãn đã lâu và không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Đây cũng là điều khó tránh khỏi trước sức ép lên dự trữ ngoại hối rất mạnh, vốn là một chỉ số đánh giá khả năng tín nhiệm quốc gia và đồng thời chịu kỳ vọng lớn trong những tháng cuối năm.

Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tỷ giá. Trước đây, lịch sử điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hội nhập đã từng theo hướng giật cục, hay nói cách khác là đợi đến một thời điểm nhất định sẽ công bố tỷ giá mới, tạo ra tâm lý găm ngoại tệ trên cả thị trường chính thức và phi chính thức, nhằm đợi Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá mới để kiếm lợi. Hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang điều hành có biên độ, giúp tỷ giá trở nên linh hoạt hơn khi được điều chỉnh liên tục và quan trọng hơn cả là giảm được hiện tượng găm giữ, đầu cơ, tích trữ USD. Tỷ giá dao động ổn định trong biên độ, nhưng để đạt được mức thực sự tự do thì vẫn còn một chặng đường dài.

Có thể nói, rủi ro về tỷ giá đối với những quốc gia có độ mở như Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và đặc biệt là hội nhập về thương mại luôn hiện hữu. Nhưng phải ghi nhận, Việt Nam đã thực hiện từng bước, hay nói cách khác là có lộ trình và thực hiện tỷ giá linh hoạt trong tương lai. Điều này hỗ trợ rất tốt nền kinh tế. Với biên độ đã có thì khi nói phá giá đồng Việt Nam sẽ không hoàn toàn đúng, tỷ giá luôn biến động theo thị trường trong biên độ cho phép, nên đó là sự trượt giá thì đúng hơn.

Rủi ro về tỷ giá đối với những quốc gia có độ mở như Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và đặc biệt là hội nhập về thương mại luôn hiện hữu.

Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá đang làm cho đồng Việt Nam trượt giá và có rủi ro tăng lạm phát nhập khẩu, nhưng đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất, cho thấy sự linh hoạt của nhà điều hành. Một mặt, giảm sức ép lên dự trữ ngoại hối bằng cách nới lỏng biên độ tỷ giá, nhưng mặt khác nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát nhập khẩu do sự trượt giá của tiền đồng. Cơ quan quản lý đang sử dụng hai công cụ này rất linh hoạt và thận trọng.

Dư địa chính sách về tỷ giá vẫn còn. Để áp dụng được chính sách tỷ giá thì việc quản lý thị trường ngoại hối ngân hàng và thị trường tự do cần thực hiện hiệu quả, tránh việc nới lỏng biên độ tỷ giá nhưng không kiểm soát chặt các thị trường. Tương tự, nâng lãi suất là hợp lý, nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp tận dụng vay và lấy lãi chênh lệch, hoặc chênh lệch giữa lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất vay liên ngân hàng.

Các biện pháp tiền tệ thường có độ trễ tác động, doanh nghiệp và nhà đầu tư đang phải có những hành động để ứng xử với diễn biến vĩ mô mới, ông đánh giá thế nào về tác động cụ thể tới hoạt động doanh nghiệp, đâu là ngành nghề sẽ chịu tác động tiêu cực nhất?

Tư duy đơn giản, những doanh nghiệp trong ngành bất động sản và chứng khoán chịu tác động tiêu cực là hiển nhiên, nhưng trong từng lĩnh vực, phải nhìn vào báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp mới đánh giá được đầy đủ nhất tác động tiêu cực đến đâu.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cho đến thời điểm này, trên cơ sở báo cáo tài chính các ngân hàng công bố cho thấy vẫn tốt, lợi nhuận cao. Đây thực sự là điểm sáng của hệ thống và các ngân hàng nên công bố báo cáo tài chính để người dân yên tâm về việc đang vận hành ổn định và không có rủi ro phá sản.

Tín dụng có sự ưu tiên dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên trong chừng mực nào đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn có ưu thế. Điểm đáng chú ý là mức độ trượt giá của đồng Việt Nam khoảng trên dưới 8% so với mức độ trượt giá tới 15 - 16% của các đối tác cạnh tranh thương mại với Việt Nam cho thấy, tỷ lệ trượt giá thấp và tiền đồng vẫn đang tăng giá so với các đối tác cạnh tranh thương mại với Việt Nam, điều này ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa trên các thị trường khác ngoài Mỹ, như ASEAN.

Ngoài ra, lĩnh vực logistic vẫn đang phát triển tích cực, bất chấp những biến động của kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua.

Nếu đề cập đến khuyến nghị chính sách, ông sẽ nói gì?

Niềm tin vào hệ thống ngân hàng vẫn rất khả quan, thậm chí tăng lên, cho thấy các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là phù hợp. Để không gây sức ép quá lớn đối với chính sách tiền tệ và chính sách tiền tệ siết chặt có hiệu quả thì phải thực hiện các biện pháp linh hoạt, không dùng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2023, mà dựa nhiều hơn vào chính sách tài khoá trong ngắn hạn (quý IV/2022 và năm 2023), khi dư địa tài khóa vẫn còn cho phép.

Đặc biệt, tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công, lĩnh vực cung cấp vốn trực tiếp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế sẽ tăng dần vào cuối năm nay và đầu năm sau. Tái cấu trúc gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, vì một số hoạt động sẽ khó thực hiện trong điều kiện thắt chặt tiền tệ, như hỗ trợ lãi suất và hạ lãi suất cho vay. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản hoạt động hiệu quả tiếp tục huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Tin bài liên quan