Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

15 năm TTCK và tầm nhìn chính sách

(ĐTCK) Năm 2003, tôi được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giao trách nhiệm lãnh đạo Vụ Phát triển TTCK và đó cũng là thời điểm UBCK trình Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng về chủ trương, chính sách phát triển TTCK Việt Nam.

Kim chỉ nam phát triển TTCK

Ngày 5/8/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 163/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2010 trên quan điểm và nguyên tắc:

- Phát triển TTCK phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, từng bước hội nhập với thị trường tài chính khu vực và thế giới.

- Xây dựng TTCK thống nhất trong cả nước, hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần huy động vốn cho đầu tư phát triển và thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.

- Nhà nước thực hiện quản lý bằng pháp luật, tạo điều kiện để TTCK hoạt động và phát triển; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và có chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia TTCK.

- Bảo đảm tính thống nhất của thị trường tài chính trong phạm vi quốc gia, gắn việc phát triển TTCK với việc phát triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm.

Đến nay, những nguyên tắc này tiếp tục là kim chỉ nam cho phát triển TTCK của nước ta.

Nhìn lại Chiến lược phát triển TTCK đầu tiên đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra, có những nội dung của bản chiến lược này được thực hiện rất hiệu quả như: “cải tiến phương thức phát hành trái phiếu chính phủ, tăng cường phát hành theo phương thức đấu thầu và bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ; đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu chính phủ để tạo đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường vốn; xây dựng và thức hiện kế hoạch phát hành theo lịch biểu…”; hoặc đang được tích cực triển khai hiện nay: “gắn tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết trên TTCK”.

Ngày 28/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK, thay thế cho Nghị định số 48/1998/NĐ-CP được ban hành năm 1998. Nghị định 144 hiện thực hóa các quy định về hoạt động của TTCK sau 3 năm thị trường đi vào hoạt động. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên về tính dự đoán chính sách và thực tiễn hoạt động thị trường của Nghị định 48 được ban hành trước khi TTCK hoạt động 2 năm. Đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu, đúc rút và học tập kinh nghiệm quốc tế một cách sáng tạo của chúng ta khi xây dựng thị trường trong buổi ban đầu.

Từ năm 2004 đến 2006 là giai đoạn khó khăn trong việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phát triển thị trường đã được nêu tại Chiến lược trên các khía cạnh: phát triển hàng hóa, tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhà đầu tư, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là xã hội chưa “hiểu” và “biết” rõ về TTCK. UBCK theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã soạn thảo các tài liệu để Bộ gửi cho các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành và đó cũng là những bài học cho chúng tôi về các giải pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTCK.

Tư duy “mở” trong xây dựng và quản lý thị trường

Ngay từ giai đoạn đầu chuẩn bị các chính sách phát triển TTCK, vấn đề tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK đã được nghiên cứu và đưa vào quy định pháp lý, điều đó thể hiện tư duy “mở” trong xây dựng và quản lý thị trường. Tuy nhiên, đây cũng lại là một vấn đề gắn với nhiều lĩnh vực chính sách liên quan như quản lý ngoại hối, quản lý dòng vốn, sở hữu của bên nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam và rõ ràng đây là một quá trình dài để đi đến những quy định pháp lý chính thức ở tầm cao hơn và đó cũng là một ví dụ điển hình về tính “lộ trình” trong việc áp dụng các giải pháp chính sách khuyến khích phát triển TTCK.

Dòng vốn đầu tư vào TTCK là một trong những nội dung cần phải giải quyết một cách căn cơ và thực chất. Từ những năm 2005, dòng vốn từ ngân hàng đầu tư vào TTCK đã gây nên nhiều tranh cãi và thời điểm đó, quan niệm dòng vốn này tham gia vào đầu tư chứng khoán là điều hiển nhiên và chúng ta chưa có các quy định rõ ràng về điều kiện tín dụng, quản lý rủi ro, sử dụng và thu hồi vốn. Qua hơn 10 năm, đến nay vấn đề này đã có các quy định chặt chẽ hơn, song cũng có thể khẳng định rằng, ở Việt Nam cũng như các thị trường khác trên thế giới, dòng vốn đầu tư mang tính ổn định, bền vững và không gây xáo động lớn trên TTCK phải là nguồn vốn tiết kiệm, tích lũy từ dân cư và tổ chức kinh tế.

Một trải nghiệm cá nhân thú vị

Một trong những trải nghiệm khá thú vị là khi chúng tôi đóng hai vai, vừa làm cơ quan quản lý, vừa tham gia HĐQT theo mô hình doanh nghiệp tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) trong những năm 2009 - 2011. Tập thể HĐQT chúng tôi đã thông qua hàng loạt quy chế, nghiệp vụ cũng như quy chế quản trị doanh nghiệp, cơ chế tài chính và VSD là đơn vị đầu tiên trong các doanh nghiệp do UCBK quản lý về hoạt động TTCK thiết lập tổ chức kiểm soát nội bộ.

Tôi đặc biệt ấn tượng với Ban điều hành năng động và rất chịu khó đột phá của VSD. Việc VSD xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin theo dõi đến tài khoản lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư là một điểm sáng không chỉ đối với nghiệp vụ lưu ký chứng khoán, mà còn là yếu tố hỗ trợ đắc lực UBCK trong công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường. VSD đã làm được một việc mà không phải thị trường nào cũng thực hiện được do chúng ta xây dựng hệ thống trong điều kiện cơ sở nhà đầu tư chưa quá lớn và cũng là quyết tâm cũng như sự sáng tạo của đội ngũ công nghệ thông tin Việt Nam.

Nhìn lại để bước tới

Cho đến hôm nay, có lẽ không còn những băn khoăn về sự tồn tại hay không tồn tại của TTCK Việt Nam, dù đã có những thời điểm khó khăn đến mức có ý kiến đề nghị xem xét đóng cửa thị trường. Với cách xây dựng thị trường rất đặc trưng Việt Nam, song tư tưởng và quan điểm hội nhập lại rất mạnh mẽ và hiện nay, với quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý, nỗ lực của các thành viên thị trường và nhà đầu tư, TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ có một tương lai xán lạn.

Vấn đề của hôm nay là TTCK Việt Nam cần phải tiếp tục được khẳng định vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Những nội dung phải thực hiện, những giải pháp then chốt trong chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 về cơ bản vẫn là những nội dung mấu chốt trong chiến lược phát triển TTCK đầu tiên, tuy nhiên đòi hỏi sự nâng tầm về chất lượng hiệu quả bên cạnh việc tiếp tục phát triển quy mô thị trường.

Để tiếp tục phát triển TTCK, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng tôi cho rằng, thực tiễn 15 năm qua đã gợi ý cho chúng ta những vấn đề mấu chốt để đi tới thành công. TTCK, từ cơ quan quản lý tới các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hiện đại hoá công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát, vận hành và cung cấp dịch vụ trên TTCK. Đồng thời, nguồn nhân lực, một trong trong những yếu tố quan trọng nhất để TTCK phát triển, cần có chiến lược, kế hoạch và giải pháp toàn diện hơn. Thực tiễn cho thấy, khi chúng ta đứng vững “hai chân” này sẽ thực sự là nền tảng, động lực cho phát triển TTCK.

Thực tiễn cũng cho thấy, một trong những đóng góp rất quan trọng của TTCK là mở ra một kỷ nguyên mới về sự minh bạch. Cùng với các nội dung và giải pháp đồng bộ thực hiện tái cấu trúc TTCK Việt Nam trên 4 trụ cột: hàng hóa, tổ chức kinh doanh chứng khoán, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức thị trường và việc chúng ta kiên trì, quyết liệt thực hiện minh bạch hóa TTCK sẽ là nhân tố mang tính quyết định, song lại không đòi hỏi chi phí lớn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, ở lại lâu dài với thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc TTCK Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển lành mạnh, bền vững.

Tin bài liên quan