2 tỷ USD theo chân người bệnh “chảy” khỏi Việt Nam mỗi năm, cách nào để giữ lại?

2 tỷ USD theo chân người bệnh “chảy” khỏi Việt Nam mỗi năm, cách nào để giữ lại?

(ĐTCK) Tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn, cảnh “tị nạn” y tế ở nước ngoài với khoảng 2 tỷ USD chảy khỏi Việt Nam mỗi năm đang là lý do thôi thúc nhiều nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào lĩnh vực y tế, song đây không phải là lĩnh vực dễ dàng hái quả ngọt. Ông Bùi Chấn Phương, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Y tế Việt Mỹ đã có cuộc trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Ông nhìn nhận như thế nào về xu thế đầu tư vào lĩnh vực y tế gần đây?

Thực tế cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân đang ngày càng lớn, các bệnh viện quá tải và Nhà nước hiện vẫn phải bù đắp rất nhiều chi phí. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có các nhà đầu tư, các bệnh viện tư ra đời giống như mô hình của nhiều nước trên thế giới.

Riêng với bệnh ung thư, tỷ lệ bệnh nhân đang tăng rất nhanh. Số liệu của ngành y tế cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 125.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, gấp 9 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.

Vận hành một bệnh viện, để bệnh viện phát triển có thể phải mất 5 - 10 năm mới tạo dựng được uy tín, thương hiệu. Do đó, các bệnh viện tư ở thời điểm ban đầu thường gặp khó khăn, đặc biệt trong việc thu hút nhân sự giỏi.

Rõ ràng, Nhà nước khó có thể bao cấp được mãi, trong khi đó người bệnh đang phải điều trị rất vất vả, phải nằm ghép giường, nằm chật, trang thiết bị không đủ, hệ thống y tế làm thâu đêm cả 3 ca, có những người bệnh 12h đêm, 1h sáng mới đến lượt điều trị. Nhu cầu rất lớn như vậy, nên việc đầu tư là xu thế tất yếu.

Khó khăn lớn nhất với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này là gì, theo ông?

Trong đầu tư y tế, nhân lực là thách thức lớn nhất. Nhà nước thiếu vốn, nhà đầu tư có vốn nhưng nhân lực lại không có, do đó chúng tôi phải phối kết hợp giữa công và tư.

Một bác sĩ có năng lực thường ít khi chọn ra ngoài làm việc vì các bệnh viện lớn là môi trường đào tạo tốt. Một bác sĩ thường phải qua 15 - 20 năm làm việc thì mới trở thành bác sĩ giỏi. Người ta cũng sẽ không ra ngoài làm nếu đã có thời gian cống hiến cho bệnh viện 15 - 20 năm.

Nơi khám chữa bệnh có điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhân lực tốt, dịch vụ tốt là mô hình lý tưởng. Như vậy, cần sự phối kết hợp giữa các bệnh viện và các nhà đầu tư, nhằm có các cơ sở y tế với điều kiện chăm sóc tốt.

Xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị hiện đại đòi hỏi lượng vốn lớn. Vậy gọi vốn trong lĩnh vực này có khó không?

Ngành y tế không như các ngành kinh doanh khác, cần đặt tính nhân văn lên hàng đầu. Do đó, đầu tư vào y tế, các nhà đầu tư không thể đặt lợi nhuận lên đầu tiên, mà phải coi chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng nhất.

Khó khăn trong gọi vốn ở đây là chúng ta chưa có nhiều tiền lệ, do là lĩnh vực đầu tư mới, nên phải là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm mới dám làm và mới có thể kêu gọi được đối tác.

Như tôi đã đề cập, với lĩnh vực y tế, không thể kỳ vọng lợi nhuận ngay, đầu tư vào lĩnh vực này là chặng đường dài. Chẳng hạn, vận hành một bệnh viện, để bệnh viện phát triển có thể phải mất 5 - 10 năm mới tạo dựng được uy tín, thương hiệu. Do đó, các bệnh viện tư ở thời điểm ban đầu thường gặp khó khăn, đặc biệt trong việc thu hút nhân sự giỏi.

Tuy vậy, hiện nay, các nhà đầu tư cũng có thuận lợi hơn, như chính sách của Nhà nước cho làm ngoài giờ. Bác sĩ sau khi hoàn thành công việc ở cơ quan có thể làm ngoài giờ để nâng cao thu nhập.

Thực tế chưa xuất hiện nhiều thương vụ hợp tác công tư như thỏa thuận 3 bên các ông vừa ký kết tại Bệnh viện K mới đây. Vậy yếu tố quan trọng nhất để các bên tìm được tiếng nói chung là gì?

Theo tôi, đó là các nhà đầu tư phải có kinh nghiệm để thuyết phục được đối tác. Cái khó của các bệnh viện là cần đối tác có kinh nghiệm để vận hành.

Trong mô hình hợp tác đầu tư Trung tâm khám chữa bệnh ung thư chất lượng cao, Bệnh viện K sẽ chịu trách nhiệm về chuyên môn, còn Đầu tư Y tế Việt Mỹ và SCIC sẽ đảm nhận việc quản trị điều hành. Chúng tôi phối hợp với SCIC trong dự án này nhằm tư vấn, cung cấp trang thiết bị, giải pháp để Trung tâm hoạt động tốt nhất, hiệu quả nhất.

Mỗi năm, khoảng 2 tỷ USD đã “chảy” khỏi Việt Nam, theo chân người bệnh ra nước ngoài. Những nhà đầu tư như ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?

Thực sự, đó là nỗi trăn trở không của riêng tôi, mà của rất nhiều nhà đầu tư khác và các cơ quan quản lý.

Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn thương thảo, phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài và Bệnh viện K, dự kiến đầu tư một bệnh viện chuyên về u bướu chất lượng quốc tế.

Dự án này được thực hiện với mong muốn giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện, cung cấp địa chỉ điều trị chất lượng cao cho các bệnh nhân có thêm lựa chọn, thay vì ra nước ngoài điều trị, để tránh thất thoát tài nguyên, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí và đỡ mệt mỏi về thể xác, tinh thần do khoảng cách địa lý xa xôi khi phải ra nước ngoài điều trị.

Tin bài liên quan