2008: Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ “vượt mặt” dầu thô

Theo nhận định của Bộ Công Thương , năm 2008, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt may dự kiến sẽ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2007. “Vượt mặt” dầu thô, đây sẽ là mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất cả nước, giải quyết tới khoảng 3 triệu lao động.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên, ngành dệt may phải vượt qua những trở ngại tại 3 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.

 

Thị trường Hoa Kỳ đang chiếm tới 55% tổng kim ngạch XK của ngành dệt may VN. Hoa Kỳ hiện vẫn đang duy trì cơ chế giám sát đối với hàng dệt may VN đến hết năm 2008, mặc dù VN phản đối cơ chế này và đề nghị phía Hoa Kỳ giảm bớt ảnh hưởng bất lợi của cơ chế…

 

Ở thị trường EU, năm 2008, EU sẽ bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với XK dệt may của VN sang thị trường này. VN và các nước dệt may khác sẽ phải cạnh tranh gay gắt với ngành dệt may Trung Quốc là nước có sức cạnh tranh cao, chủ động được nguyên phụ liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại phẩm cấp hàng hóa.

 

Tại thị trường Nhật Bản, Nhật đã đạt được tiêu chí xuất xứ với mặt hàng dệt may trong EAP với 6 nước ASEAN ( Singapore , Malaysia , Philippin , Indonesia , Bruney và Thái Lan) và các nước này đã xóa bỏ thuế quan xuống 0%. Do đó, VN phải cạnh tranh gay gắt với chính những nước trong khu vực do hàng của ta vào Nhật Bản vẫn bị đánh thuế khoảng 10%.

 

Trong khi đó, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đang được đàm phán và có khả năng kết thúc trong năm 2008. Ngay cả khi Hiệp định được ký kết và hàng dệt may của ta XK sang Nhật được hưởng mức thuế 0% thì các DN VN phải sử dụng nguồn nguyên phụ liệu nội địa hoặc được nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc các nước ASEAN. Tuy nhiên, đây là một khó khăn lớn đối với VN, vì hiện các doanh nghiệp VN nhập khẩu trên 70% nguyên phụ liệu từ ngoài ASEAN.

 

Ngoài ra, vấn đề lao động cho ngành may cũng là nhân tố quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu. Nhu cầu lao động lớn nhưng lượng công nhân dệt may chưa tương xứng với các ngành khác nên có xu hướng chuyển  dịch lao động từ ngành dệt may sang các ngành nghề có thu nhập cao hơn.