Sức hấp thụ vốn ngày càng tăng
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM (số liệu thực tế) đạt 4,102 triệu tỷ đồng, tăng 3,89% so với cuối năm 2024 và tăng 13,64% so với cùng kỳ năm trước.
Các yếu tố thuận lợi từ môi trường kinh tế - xã hội và cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố chính tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm của Thành phố. Trong đó, chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, linh hoạt đã và đang hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.
Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ cho các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế (có đóng trên 60% GRDP của Thành phố) như thương mại, du lịch; truyền thông; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục; tài chính; nghệ thuật vui chơi giải trí…
Theo đó, dư nợ cho vay lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đã tăng trưởng dương trở lại trong 2 tháng gần đây, đạt trên 580.000 tỷ đồng (tăng 0,34% so với cuối năm 2024 và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước); cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 557.000 tỷ đồng (tăng 2,37% so với cuối năm 2024 và tăng 9,35% so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố phản ánh xu hướng tích cực, gắn liền với hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và tăng trưởng kinh tế.
Trong quá trình này, tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Yếu tố này được duy trì sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Những động lực tăng trưởng mới gắn với yêu cầu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh… sẽ có tác động tích cực hơn khi những cơ chế, chính sách mới được ban hành để thực hiện các nghị quyết Trung ương và việc hình thành phát triển trung tâm tài chính quốc tế, thay đổi về không gian phát triển kinh tế - xã hội khi Thành phố sáp nhập và mở rộng, cùng với tính mùa vụ về du lịch, dịch vụ của kỳ nghỉ hè năm 2025, các giải pháp thực hiện đầu tư công… sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động tín dụng trên địa bàn theo xu hướng tích cực và đạt được mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong nửa cuối năm.
![]() |
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% trong năm 2025 |
5 giải pháp hoạt động ngân hàng
Với ý nghĩa đó và đặt trong mối liên hệ với kết quả hoạt động ngân hàng trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM cũng như nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, hoạt động ngân hàng Thành phố cần tập trung một số giải pháp sau.
Thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát huy các yếu tố nền tảng, các yếu tố thuộc môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi để tăng trưởng và phát triển kinh tế Thành phố. Trong đó, yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn thông suốt trong 5 tháng đầu năm tiếp tục là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố. Thị trường tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định; chính sách lãi suất thấp đã và đang là những yếu tố rất thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn mở rộng và phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, mở rộng tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính sách tín dụng và lãi suất hợp lý, cùng dịch vụ tín dụng đa dạng và phù hợp với các đối tượng vay vốn, ứng dụng công nghệ trong quy trình cấp tín dụng và thẩm định tín dụng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng kinh doanh và tăng trưởng. Theo đó, khi các giải pháp tăng trưởng khác phát huy hiệu quả (đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng…), khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục cải thiện… sẽ là yếu tố tác động ngược trở lại đến tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tiếp tục tạo hiệu ứng tăng trưởng cho các tháng tiếp theo và đạt được mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm 2025 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; đối thoại và kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng: Chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu và nông nghiệp - nông thôn với lãi suất cho vay không quá 4%/năm; chương trình tín dụng chính sách; cho vay nhà ở xã hội; giải ngân các gói tín dụng lâm sản, thủy sản; gói tín dụng nhà ở cho người dưới 35 tuổi…, qua đó, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh cũng như các thị trường phát triển.
Tiếp tục tập trung vốn cho nhóm, ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng. Trong đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, với chi phí phù hợp nhất (về lãi suất, giao dịch, thủ tục…) để góp phần chủ động thích ứng với những tác động không tích cực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động kết nối, đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo những phương thức đã và đang thực hiện thông qua phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM cùng Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.
Thứ tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và đáp ứng tốt nhất nhu cầu dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện; tổ chức triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; làm tốt công tác thông tin truyền thông và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực ngoại hối hiệu quả… nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, từ đó tạo lập, củng cố niềm tin doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, góp phần mở rộng và tăng trưởng các hoạt động dịch vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tăng trưởng kinh tế Thành phố.
Thứ năm, chủ động thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM về đổi mới tổ chức bộ máy, xây dựng phát triển trung tâm tài chính quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân và phong trào bình dân học vụ số của ngành… Đây là những chương trình hành động cụ thể, thiết thực đã, đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới, có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động ngân hàng. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh hơn việc phát triển ngân hàng số trong hoạt động tín dụng để chủ động triển khai thực hiện các giải pháp tín dụng về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như chương trình hành động của ngành ngân hàng về chuyển đối số quốc gia.
Trên đây là một số giải pháp hoạt động ngân hàng sau 5 tháng đầu năm nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ địa phương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM với mục tiêu 2 con số trong năm 2025. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt và phối hợp cùng ngành ngân hàng Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp này, từ công tác đáp ứng vốn, cung cấp dịch vụ ngân hàng, đến hoạt động tư vấn và thông tin truyền thông… bằng những chương trình và hành động cụ thể để phát huy hiệu quả các giải pháp và cơ chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước.