Dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Thành Nguyễn.

Dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Thành Nguyễn.

6 tháng đầu năm 2019, 3 khu vực kinh tế chủ lực tăng trưởng chậm lại

(ĐTCK) Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2/2019 với một số điểm đáng lưu ý.

Báo cáo nêu rõ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2/2019 đạt mức 6,71% (so với cùng kỳ), trong 6 tháng đầu năm đạt 6,76% (so với cùng kỳ). Các chỉ số đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

So với 6 tháng đầu 2018, cả ba khu vực kinh tế là dịch vụ; nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp và xây dựng đều tăng trưởng chậm lại.

Cụ thể, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,69% (so với cùng kỳ), thấp hơn so với sáu tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, những nhóm ngành chủ lực vẫn tăng trưởng ổn định. Bán buôn và bán lẻ tăng trưởng tốt 8,09% và tiếp tục là ngành có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,9% và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,43%.

6 tháng đầu năm 2019, 3 khu vực kinh tế chủ lực tăng trưởng chậm lại ảnh 1

6 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 8,5 triệu lượt người, tăng 7,5%. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong đó, các thị trường hàng đầu đều tăng trưởng tích cực về lượt khách du lịch, bao gồm: Hàn Quốc (21,3%), Nhật Bản (12,8%), Đài Loan - Trung Quốc (27%). Trong khi đó khách đến từ Trung Quốc đại lục tiếp tục dẫn đầu về số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2.483,3 nghìn lượt người, nhưng giảm 3,3%, Campuchia đạt 58,5 nghìn lượt người giảm 51%, Úc đạt 200,3 nghìn lượt người, giảm 0,3%...

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu, ở mức 2,39% do dịch tả lợn châu Phi và năng suất và sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Mỹ tăng cao, ngành thủy sản tăng trưởng tốt ở mức 6,45%.

Ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,93%, thấp hơn mức 9,1% của cùng kỳ 2018. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù tăng trưởng mạnh ở mức 11,18% nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành khai khoáng lại tăng trưởng ổn định ở mức 1,78% nhờ vào khai thác than tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,7%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% nhưng đều thấp hơn so với mức tăng của quý 2/2018.

Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu đóng góp của các khu vực kinh tế vào GDP đang di chuyển theo xu hướng thể hiện tính thị trường nhiều hơn: đóng góp của khu vực nhà nước ngày càng giảm, còn 27,67% (năm 2018), trong khi đóng góp của khu vực FDI và ngoài nhà nước ngày càng tăng lần lượt đạt 20,28% và 42,08% (năm 2018).

Tính chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 822,9 nghìn tỷ, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2018, bằng 33,1% GDP. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (43,6%), tăng trưởng cao đạt 16,4%. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng trưởng thấp nhất, chỉ khoảng 3%.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay. Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ 2018 được hy vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam, nhưng thực tế không phản ánh điều đó. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI tăng 9,7%, cao hơn mức 8,5% của cùng kì năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước.

Tính đến cuối tháng 6, có 1.723 dự án cấp phép mới, tăng 26,1%. Vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Ngành công nghiệp và chế biến chế tạo thu hút FDI lớn nhất, chiếm tới 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tiếp theo là dòng vốn đổ vào ngành bất động sản cũng tăng, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.

Xét theo đối tác, trong 6 tháng đầu năm Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc (1.239,2 triệu USD), Nhật Bản (972 triệu USD), Hồng Kông (Trung Quốc - 920,8 triệu USD).

Tin bài liên quan