6 việc doanh nghiệp nên làm để vượt qua khó khăn hiện nay

6 việc doanh nghiệp nên làm để vượt qua khó khăn hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thực tế, doanh nghiệp đang nỗ lực trong việc duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bán tài sản, tái cấu trúc, thay đổi mô hình kinh doanh… để vượt lên.

Tìm kiếm nguồn vốn mới, mô hình kinh doanh mới

Trao đổi tại Talkshow Chọn Danh mục (phần II) số 5 với Chủ đề “Thích ứng trong hành động” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/11, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng, doanh nghiệp để vượt qua nghịch cảnh cần đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc. Năng động hơn để đổi mới quy trình sản xuất, tìm kiếm nguồn vốn khác, không chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng, trái phiếu.

Từ kinh nghiệm của cá nhân ông đi làm tư vấn cho thấy, tiền của nhà đầu tư ở trong dân còn rất lớn. Họ thông qua các tổ chức tư vấn hợp tác đầu tư để góp tiền vào các doanh nghiệp mà không cần qua tổ chức trung gian. Họ cũng tham gia vào quản trị điều hành doanh nghiệp.

Chẳng hạn, những doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe hợp tác theo hình thức, người có mặt bằng, người có kinh nghiệm cùng góp vốn đầu tư, quản trị và chia sẻ lợi nhuận.

Theo ông Hà, “cái khó ló cái khôn”, không nên nhìn thị trường màu tối, mà từ khó khăn có thể tạo ra cơ hội mới. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng và trái phiếu, có rất nhiều hình thức hợp tác đầu tư để có thể thu hút được vốn. Các doanh nghiệp trước tiên phải rất năng động tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn giai đoạn này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, khó khăn về nguồn vốn thì sẽ tìm nguồn vốn khác nhau. Ảnh Dũng Minh

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, khó khăn về nguồn vốn thì sẽ tìm nguồn vốn khác nhau. Ảnh Dũng Minh

Giải quyết khó khăn, ông Hà cũng khuyến nghị doanh nghiệp tập trung cắt giảm chi phí, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh lõi, đi kèm với đó ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số gia tăng sức mạnh của tập thể. Người đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn sáng tạo để tìm ra giải pháp đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Tôi thấy doanh nghiệp có thể sử dụng là áp dụng mô hình kinh doanh mới ví dụ như mở rộng hệ thống franchise (nhượng quyền thương hiệu) hoặc lập ra các mô hình dự án thu hút sự hợp tác của nhà đầu tư. Những mô hình này rất đa dạng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giúp nhà đầu tư được tham gia dự án được quản trị đồng vốn của mình”, ông Hà khuyến nghị.

Theo ông, hiện nay nhiều nhà đầu tư lo lắng khi góp vốn vào doanh nghiệp mà không biết đồng tiền của mình đi đâu, thế thì mô hình Franchise hoặc các mô hình hợp tác đầu tư kinh doanh, nhà đầu tư hoàn toàn kiểm soát được dòng tiền của mình. Bài học ở đây là khó khăn về nguồn vốn thì sẽ tìm nguồn vốn khác nhau.

Bên cạnh đó các quỹ nước ngoài hiện nay ở châu Âu và Nhật Bản khi kinh tế trong nước khó khăn họ cũng muốn tìm kiếm nguồn hợp tác. Việt Nam vẫn được coi là thị trường mới nổi, tiềm năng, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia.

6 việc cần làm bước qua khó khăn

Ở góc nhìn của một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm quốc tế, ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam chỉ ra có 6 việc mà doanh nghiệp nên làm trong bối cảnh hiện nay để vượt qua khó khăn.

Ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam.

Ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam.

Thứ nhất, với những doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền thì nên tập trung tái cấu trúc để đảm bảo thích ứng trong tương lai.

Thứ hai, doanh nghiệp chú trọng về vấn đề nhân sự, tuyển dụng và giữ gìn nhân tài, cần cố gắng nhận diện ra nhân sự tạo ra giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, giữ họ ở lại trong doanh nghiệp nhằm mục tiêu phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Thứ ba, doanh nghiệp cần chú trọng bảng cân đối kế toán, tình hình thanh khoản, dòng tiền của doanh nghiệp. Đây là hướng đi tốt bởi quan trọng nhất vẫn là dòng tiền, đấy mới là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, đảm bảo tính thanh khoản ổn định.

Thứ tư, về vấn đề nguồn vốn, doanh nghiệp cần trả lời một số câu hỏi liên quan để liên quan đến nguồn vốn, tại sao cần nguồn tiền này, tại sao phải đến ngân hàng bởi vì nếu doanh nghiệp đang hoạt động với với mỗi đồng doanh thu tạo ra thì doanh nghiệp đang làm ăn lỗ.

Thứ năm, doanh nghiệp cần củng cố hoạt động quản lý ngân quỹ. Trên toàn cầu, đây là hoạt động quan trọng nhất, đảm bảo công ty có nguồn vốn để hoạt động hay không. Trong quá trình tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ tại Việt Nam, chuyên gia này đánh giá quá trình quản lý ngân quỹ của doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp cần làm tốt hoạt động này để đảm bảo khả năng thanh khoản, nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến lãi vay, và rủi ro quản lý ngân quỹ khác nhằm đảm bảo khả năng hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Thứ sáu, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình định hướng chiến lược, có thể dự báo trước những biến động và các tình huống có thể xảy ra, sự bất thường của thị trường để có kịch bản ứng phó.

Nếu doanh nghiệp đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư và yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) gắn với môi trường, thay vì có thể hoàn thiện ngay, doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình 6 tháng tới thể đạt được điều đó nhằm đảm bảo tin tưởng của nhà đầu tư và thu hồi vốn.

Tin bài liên quan