ACBS: Giảm lãi suất mới là điều kiện cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một loạt các quyết định về việc điều chỉnh các mức lãi suất áp dụng từ ngày 25/5, ACBS cho rằng đây chỉ là điều kiện cần cho nền kinh tế. 
ACBS: Giảm lãi suất mới là điều kiện cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

NHNN ban hành Quyết định số 950, theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Với Quyết định 951, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn dụng trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động.

Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

"Ngành sản xuất của chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023", báo cáo ACBS cho biết.

Bên cạnh đó, gần đây, Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.

Nhóm phân tích kỳ vọng, những chính sách này sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng nội địa.

Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn.

Ngoài ra, Chính phủ dự định đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023, đây cũng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Tin bài liên quan