ADB: Việt Nam cần nhanh hơn nữa cả khía cạnh ra chính sách và thực hiện

ADB: Việt Nam cần nhanh hơn nữa cả khía cạnh ra chính sách và thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể sẽ không còn dư địa thời gian nữa cho dù dư địa tài khóa để thực hiện gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn có thể còn.

Kinh nghiệm từ Thái Lan

Tại sự kiện "Phục hồi và Phát triển kinh tế sau Đại dịch Covid-19, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 17/11, ông Jay Roop, chuyên gia kinh tế chính của ADB tại Thái Lan nhận định, tất cả mọi người đều chịu tác động của Covid-19, Việt Nam và Thái Lan cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. GDP của Thái Lan trong năm 2020 đã thu hẹp còn âm khoảng 6,1% và là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực Đông Nam Á”.

“Điều thú vị, Thái Lan có tới 98% là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng tạo ra 40% GDP và Việt Nam cũng có đặc trưng này. Đây là đối tượng rất là dễ bị tổn thương. Điều quan trọng, những doanh nghiệp này vẫn tồn tại và không bị sụp đổ trong đại dịch nhờ vào rất nhiều các biện pháp của chính phủ cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá”, ông Jay Roop nói

Theo quan điểm của ông Jay Roop, các biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ của Thái Lan cho thấy mang lại những hỗ trợ tốt hơn so với các biện pháp tài khóa.

Cụ thể về một trong những biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ mà Chính phủ Thái Lan triển khai rất hiệu quả, ông Jay Roop cho biết, đó là các khoản vay mềm. Theo đó, Chính phủ đã cung cấp khoản tín dụng 8 tỷ USD nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và có thể là vay được đến 1 triệu USD với mức lãi suất thấp là 5%/năm trong 5 năm của chương trình.

Bên cạnh đó, một biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ được Chính phủ Thái Lan triển khai là hoãn các khoản trả nợ và tài sản của doanh nghiệp như khách sạn sẽ là tài sản đảm bảo. Chính phủ tiếp nhận các khoản tài sản này và coi đó như là khoản tài sản đảm bảo đối với khoản tín dụng mà doanh nghiệp vay để tiếp tục duy trì hoạt động.

“Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Thái Lan cùng sàng lọc doanh nghiệp có thể tham gia vào các chương trình này. Đây là biện pháp mang tính chất hồi phục trong trung hạn với kỳ vọng doanh nghiệp có thể hồi phục về mặt tài chính”, ông Jay Roop nói.

Các diễn giả trao đổi tại sự kiện

Các diễn giả trao đổi tại sự kiện

Biện pháp thứ ba liên quan đến chính sách tài khóa cụ thể là điều chỉnh giảm thuế VAT và gia hạn thời gian nộp tờ khai thuế VAT. Nếu như quá hạn, doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu một mức phạt nhưng thấp hơn so với trước kia.

“Biện pháp tài khóa có thể giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng không thể giúp được các doanh nghiệp trong dài hạn”, ông Jay Roop nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Jay Roop còn chia sẻ một số biện pháp tài khóa thú vị như Chính phủ đồng thanh toán cho người tiêu dùng, đồng thanh toán cho người dân khi chi tiêu trong lĩnh vực du lịch… Những chương trình này chưa kết thúc và cũng phải mất một vài năm mới thể hiện được kết qủa.

“Năm 2021, chúng tôi ước tính chỉ có 0,3% doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản nhờ Chính phủ triển khai các biện pháp trên và nhiều biện pháp khác. 99% doanh nghiệp dễ bị tổn thương, dễ đổ vỡ hiện vẫn tồn tại”, ông Jay Roop nói.

Các nước Đông Nam Á còn đủ dư địa để vay nợ

Còn ông James Villafuerte, chuyên gia kinh tế của ADB chia sẻ, nhìn vào lãi suất trong khu vực và trên toàn cầu đã ở mức gần như rất thấp. Vấn đề chính của nền kinh tế là phải thúc đẩy hơn nữa cầu trong nước và củng cố tài khóa, những yếu tố này đã được ADB nhận diện từ năm 2020 đến nay.

“Gói kích thích tài khóa ở khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 25% GDP của các quốc gia này. Tất nhiên, tỷ trọng giữa các quốc gia là khác nhau nhưng rõ ràng có nhu cầu cần phải hỗ trợ, chi vào những lĩnh vực ưu tiên”, ông James Villafuerte nói.

Cũng theo ông James Villafuerte, việc thông qua mạng lưới an sinh xã hội để có thể bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương cũng như doanh nghiệp hay các hộ gia đình. Cần phải có kế hoạch truyền thông đối với thị trường về việc làm thế nào thực hiện củng cố tài khóa, chưa thắt lại tài khóa sớm, trừ khi phục hồi kinh tế của chúng ta đã đủ độ. Đây là một thông điệp rất quan trọng để chúng ta có thể duy trì được niềm tin thị trường.

Ngoại trừ một số quốc gia nhỏ, ông James Villafuerte cho biết, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á có không gian tài khoá khá mạnh trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Nhưng, đặt giả thiết phải vay nợ, chuyên gia kinh tế ADB cho rằng, các quốc gia có đủ dư địa vay nợ mà vay nợ cũng là điều có ý nghĩa.

“Chúng ta vay nợ để thực hiện chương trình can thiệp sức khoẻ, để đầu tư, để tăng cường năng lực quốc gia ứng phó với cú sốc dịch bệnh trong tương lai… Đây là những điều xứng đáng để đầu tư”, ông James Villafuerte nói.

Việt Nam không còn thời gian để chần chừ

Đối với Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể sẽ không còn dư địa thời gian nữa cho dù dư địa tài khóa để thực hiện gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn có thể còn.

Khi các quốc gia đi vào chu kỳ phục hồi mà lúc đó Việt Nam mới bắt đầu đưa ra và thực hiện các chính sách tài khoá mạnh thì sẽ muộn, vì áp lực lạm phát ngày càng tăng. Trong khi đó, với gần 90% doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch và 1,8 triệu người thiếu việc làm đang gây áp lực cho việc hình thành một chính sách tài khóa mạnh để hỗ trợ nền kinh tế.

“Việt Nam nếu không nhanh cả mặt ra chính sách và thực hiện, càng chần chừ thì càng ngày dư địa thời gian càng thu hẹp lại”, ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.

Tin bài liên quan