Agriseco chọn 7 cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng trong quý II

Agriseco chọn 7 cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng trong quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Agriseco kỳ vọng, thị trường chứng khoán tháng 6 sẽ có những tín hiệu khởi sắc và đưa ra danh mục 7 cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng trong quý II, cơ cấu tài chính lành mạnh và đang có mức định giá phù hợp.

Agriseco Research cho rằng, nền kinh tế chung vẫn gặp nhiều khó khăn khi lợi nhuận quý I các doanh nghiệp trên sàn giảm khoảng 20% so với cùng kỳ, chỉ số PMI tháng 5 giảm xuống 45,3 với số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong vòng 20 tháng.

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán trong tháng 6 lại có những tín hiệu khởi sắc với thanh khoản được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và nền kinh tế sẽ dần thẩm thấu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Sau quá trình nghiên cứu và chọn lọc, Agriseco Research đã đưa ra danh mục đầu tư tháng 6, trong đó ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng trong quý II, cơ cấu tài chính lành mạnh và đang có mức định giá phù hợp.

CTD - CTCP Xây dựng Coteccons

CTD trúng thầu trên 25.000 tỷ đồng trong năm 2022, đưa backlog (lượng công việc tồn đọng) chuyển tiếp sang năm 2023 là 17.000 tỷ đồng, phần giá trị chuyển tiếp chưa bao gồm dự án Lego, đã được CTD ký hợp đồng tổng thầu giai đoạn 1 và đã bắt đầu triển khai từ cuối tháng 4/2023 sau khi được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép xây dựng.

Yếu tố lợi nhuận trong tương lai của CTD dự báo sẽ có sự phục hồi nhờ hạch toán phần lớn dự phòng cần trích lập trong giai đoạn 2020 – 2022. Đồng thời, giá vật liệu xây dựng trong các tháng đầu năm tiếp tục duy trì ở mức thấp sẽ tạo cơ sở phục hồi lợi nhuận thời gian tới

EIB - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam

Tình hình nội bộ ngân hàng đã ổn định để tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh. Năm 2022, EIB tăng trưởng cao nhất ngành với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.709 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của EIB tăng trưởng dương 8%, đạt 871 tỷ đồng. Năm 2023, EIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm 2022. EIB dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 18%.

EIB có hệ số an toàn vốn CAR đạt 14,64% (năm 2022), thuộc top cao toàn ngành. Tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn đạt 18,72% (năm 2022), dưới mức tối đa quy định hiện nay là 34%. EIB có kế hoạch bán hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

HVN - Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Sản lượng khách đi qua các cảng hàng không tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Agriseco kỳ vọng, sản lượng khách quốc tế tới Việt Nam tiếp tục cải thiện thời gian tới, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế. Giá xăng Jet A1 sụt giảm góp phần đẩy nhanh tiến trình cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải hàng không, trong đó có HVN.

Trong quý I, Công ty ghi nhận doanh thu gấp 2 lần cùng kỳ, tương đương 90% trước dịch; trong đó, doanh thu từ vận tải hàng không gấp 2,24 lần quý I/2022. Tuy nhiên, rủi ro có thể liên quan đến khả năng huỷ niêm yết của HVN khi công ty chưa công bố BCTC kiểm toán 2022.

KBC - Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc

Trong quý I/2023, khoản người mua trả trước và nhận đặt cọc hơn 2.200 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với cuối năm 2022 cho thấy tiến độ bán hàng khả quan trong năm 2023. KBC cũng ước tính trong năm 2023 có thể ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt là 9.000 tỷ đồng, gấp 9,5 lần cùng kỳ và 4.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Ngoài ra, áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn trong quý II của KBC đã giảm đi đáng kể nhờ dòng thu lớn từ hoạt động cho thuê bất động sản khu công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, KBC sẽ có đủ nguồn lực tài chính để trả nợ trái phiếu đáo hạn. Hiện, KBC đang tiến hành mua lại trước hạn các trái phiếu đáo hạn trong năm nay và cả năm sau.

POW - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam

Agriseco kỳ vọng sản lượng huy động tăng trong nửa cuối 2023 do nhu cầu điện tăng cao vào mùa cao điểm nắng nóng, trong khi sản lượng thủy điện giảm sẽ hỗ trợ nhóm nhiệt điện tăng sản lượng. Đồng thời, dự kiến POW sẽ tái vận hành tổ máy 1 (600 MW) của nhà máy Vũng Áng 1 trong tháng 8/2023.

Giá bán điện trên thị trường cạnh tranh tiếp tục tăng hỗ trợ biên lợi nhuận. Giá FMP tháng 4/2023 đạt 1.964 đồng/kWh, tăng 10% so với cùng kỳ đạt đỉnh 10 năm trong bối cảnh tăng sản lượng huy động từ nguồn điện than giá cao.

Ngoài ra, trong quý I/2023, POW đã nhận 150 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm sự cố nhà máy Vũng Áng, và kỳ vọng sẽ ghi nhận số tiền còn lại trong nửa cuối năm. Còn động lực tăng trưởng trung và dài hạn của POW sẽ đến từ 3 nhà máy LNG mới là NT3, NT4 và LNG Quảng Ninh.

PVT - Tổng CTCP Vận tải Dầu khí

PVT được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý II nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá cước của các mảng hoạt động chính là vận tải dầu thô, xăng dầu thành phẩm, hóa chất.

PVT cũng đang thực hiện chiến lược mở rộng và trẻ hóa đội tàu giúp doanh nghiệp duy trì được động lực tăng trưởng trong tương lai và có lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường trong nước và quốc tế.

VLB - CTCP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà

VLB là doanh nghiệp sở hữu nhiều mỏ đá lớn, chất lượng tốt với năng lực khai thác hàng đầu và sở hữu lợi thế cạnh tranh tương đối lớn tại khu vực phía Nam. Hiện tại Công ty sở hữu 5 mỏ đá: Tân Cang 1, Thạn Phú 1, Thiện Tân 2, Soklu 2 và Soklu 5.

Nhu cầu thi công tại các dự án đầu tư công hạ tầng trọng điểm khu vực phía Nam gia tăng mạnh, trong đó có dự án sân bay Long Thành, Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Vành đai 3 TP. HCM... Agriseco kỳ vọng, VLB sẽ là một trong số các doanh nghiệp hàng đầu hưởng lợi trong lĩnh vực đá xây dựng khi các dự án trọng điểm lần lượt được triển khai.

Tình hình tài chính của VLB cũng rất lành mạnh khi không có khoản vay nợ tài chính tới cuối quý I/2023 và định giá P/B đang ở vùng thấp hơn trung bình lịch sử trừ 1 lần độ lệch chuẩn.

Tin bài liên quan