Một dự án điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Gia Lai.

Một dự án điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Gia Lai.

Ai dọn rác điện năng lượng mặt trời? - Bài 4: Công tác quản lý cần được “nắn chỉnh”

0:00 / 0:00
0:00
Việc phát triển điện năng lượng mặt trời trong những năm qua để lại nhiều hệ lụy phải xử lý. Do vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và “nắn chỉnh” công tác quản lý.

Sau làn sóng đầu tư tự phát, không có trong quy hoạch, giờ đây, một loạt dự án, công trình điện mặt trời ở Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk... để lại “bãi rác” khó dọn, nhất là việc xử lý các tấm pin năng lượng.

Bài 4: Công tác quản lý cần được “nắn chỉnh”

Việc phát triển điện năng lượng mặt trời trong những năm qua để lại nhiều hệ lụy phải xử lý. Do vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và “nắn chỉnh” công tác quản lý.

Nhiều lỗ hổng cần “lấp”

Không thể phủ nhận rằng, sau khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, loại hình năng lượng này đã có những tác động tích cực đến phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư. Tuy vậy, những “hạt sạn” đi kèm với quá trình phát triển đã để lại nhiều hệ lụy và phải mất nhiều thời gian “dọn dẹp”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tạo (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho biết, qua giám sát thực tế, ông nhận thấy, việc phát triển điện năng lượng mặt trời đang tồn tại nhiều lỗ hổng cần phải kiến nghị xử lý. “Không thể chấp nhận thực trạng có quá nhiều hệ thống điện mặt trời dưới 1 MW để không cần phải có giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép xây dựng... Cứ thế, bên mua điện và bên bán điện tự thông qua với nhau và làm. Vậy công tác quản lý nhà nước thế nào? Giá mua bán điện như thế có thất thu ngân sách hay không? Điều này cần phải lên án, chấn chỉnh”, ông Tạo nói.

Quan điểm của ông Tạo là ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cần phải làm rõ việc có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành. Theo đánh giá của ông Tạo, chính sách phát triển năng lượng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành còn lúng túng, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quán, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về điện lực đã lạc hậu, trong khi một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các lĩnh vực mới, như điện mặt trời… lại chưa có. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng.

“Bài học kinh nghiệm là việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ và có tính khả thi cao là yếu tố then chốt để đảm bảo vận hành cơ chế đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, giá cả thị trường, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng. Trên cơ sở đó, phát huy tiềm năng, lợi thế, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch theo yêu cầu chung của quốc gia và quốc tế; đảm bảo tính ổn định, hài hòa trong quá trình thực hiện các chính sách”, ông Tạo cho hay.

Yêu cầu khẩn trương kiểm tra, rà soát

Mới đây, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra, rà soát việc phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà theo đúng Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp phát hiện vi phạm, cần xem xét xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Còn theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng chưa đi đôi với việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện, dẫn đến phát sinh nhiều bất cấp, vướng mắc.

Trong đó, một vấn đề là có cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời mái nhà, nhưng chưa ban hành kịp thời các quy định, hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện cơ chế, thu gom và xử lý sau thu gom đối với các tấm pin năng lượng hư hỏng, hết hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, hiện chưa có các quy định pháp luật chi tiết, rõ ràng về quản lý nhà nước ở địa phương đối với việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, nên rất khó cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia, góp phần bổ sung nguồn cung năng lượng cho quốc gia. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, sau khi hết thời hạn áp dụng giá mua bán điện mặt trời mái nhà theo các cơ chế chính sách khuyến khích, một số nhà đầu tư đã đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhưng không thể thực hiện các thủ tục để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực tài chính.

Đề nghị sớm ban hành hướng dẫn xử lý tấm pin năng lượng

Theo một kiểm toán viên (thuộc Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII), việc phát triển các dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo tùy quy mô công suất mà có những tác động khác nhau đến môi trường tự nhiên. Mặc dù năng lượng tái tạo góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước so với việc sử dụng năng lượng hóa thạch, nhưng ngược lại, diện tích sử dụng đất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo là rất lớn, dẫn đến giảm diện tích đất canh tác, đất trồng trọt, đất trồng cây lâu năm.

“Qua kiểm toán cho thấy, các văn bản hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 quy định về việc quản lý chất thải rắn, nhưng chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý chất thải nguy hại; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 chưa hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lý chất thải nguy hại từ các tấm quang điện mặt trời khi hết tuổi thọ hoặc kết thúc vòng đời. Do vậy, việc xử lý các tấm quang điện mặt trời phế thải là một trong những vướng mắc trong bảo vệ môi trường, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, kiểm toán viên này cho hay.

Liên quan đến vấn đề trên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng vừa đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy định hướng dẫn việc xử lý rác thải từ các dự án năng lượng tái tạo, như các tấm quang điện mặt trời khi hết tuổi thọ hoặc kết thúc vòng đời của dự án.

Ông Trần Tiến Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa cho biết, nhiều nước trên thế giới đã lấy lại nguyên liệu từ pin năng lượng mặt trời để tái tạo, sản xuất sản phẩm mới. “Nên chăng, Việt Nam cũng có thể xử lý các tấm pin năng lượng hư hỏng hoặc hết tuổi thọ theo hướng này, để vừa đảm bảo môi trường, vừa tận dụng được nguồn phế liệu và phần nào cải thiện nguồn tài chính đầu tư cho doanh nghiệp”, ông Bình nêu quan điểm.

Tin bài liên quan