VPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp

VPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp

“Ấm lòng” cổ đông ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông 2024, nhiều ngân hàng lần lượt lên kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại và chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm để dành nguồn lực tài chính nhằm củng cố nội lực.

Đa dạng cách phân phối lợi nhuận

Nếu như các năm trước, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu thì năm nay, nhiều nhà băng kết hợp chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu, hoặc thưởng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, Techcombank dự kiến chia cổ tức 15% bằng tiền mặt, tổng cộng gần 5.284 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tức thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%.

OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng trong năm 2024 thông qua 3 phương án. Thứ nhất, phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Thứ hai, phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP và cổ tức bằng cổ phiếu phát sinh từ các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm, mỗi năm được giải tỏa 25%. Thứ ba, chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần thời điểm phát hành nhất.

Vấn đề cổ tức chưa khi nào hết nóng và được cổ đông quan tâm nhiều nhất trong các mùa đại hội cổ đông ngân hàng.

Nếu triển khai thành công cả 3 phương án trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông nước ngoài lớn duy nhất của OCB, với tỷ lệ sở hữu 15%.

Với Nam A Bank, Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu trong năm 2024, tổng giá trị hơn 2.645 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ từ hơn 10.580 tỷ đồng lên hơn 13.725 tỷ đồng.

Tại ACB, tỷ lệ cổ tức năm 2023 dự kiến là 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu, tương ứng phát hành thêm hơn 582 triệu cổ phiếu trong quý III/2024, qua đó tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.820 tỷ đồng, lên 44.666 tỷ đồng. Kế hoạch chi trả cổ tức này cũng được Ngân hàng dự kiến áp dụng cho năm 2024.

Đáng chú ý, VIB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 29,5%, gồm tiền mặt 12,5%, cổ phiếu 17%. Các ngân hàng MB, VPBank, HDBank lên kế hoạch chia cổ tức khoảng 25% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt, sẽ được trình cổ đông thông qua trong kỳ họp thường niên năm nay. Trong đó, VPBank cho biết, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.

Mới đây, PGBank chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:4 (40%), tương ứng sẽ phát hành 120 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, PG Bank tăng vốn sau gần 13 năm và lần đầu tiên chia cổ tức/cổ phiếu thưởng sau gần 12 năm.

Có những cổ đông sẽ phải chờ lâu

Năm nay, nhiều nhà băng lên kế hoạch phân phối lợi nhuận cho cổ đông hơn các năm trước.

Với nhu cầu tăng vốn cao trước áp lực tiến tới các chuẩn mực của Basel III, một số ngân hàng không lên kế hoạch chia cổ tức, thậm chí không chia trong vài ba năm tới.

Năm 2023, ABBank ghi nhận nhiều chỉ tiêu kinh doanh không hoàn thành kế hoạch khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 513 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2022 và bằng 18,2% kế hoạch. Sau khi chia các quỹ, lợi nhuận còn lại hơn 298 tỷ đồng, Hội đồng quản trị ABBank dự kiến trình đại hội cổ đông 2024 để lại Ngân hàng nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại. Năm nay, ABBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng.

Tương tự, Hội đồng quản trị LPBank dự kiến tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 17/4/2024 và trình kế hoạch không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới, nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2023, lợi nhuận còn lại các năm trước chuyển sang và thặng dư vốn cổ phần (4.345 tỷ đồng) sẽ được giữ lại. Năm ngoái, LPBank đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 19%, tổng giá trị tính theo mệnh giá gần 3.300 tỷ đồng.

Thực tế, vấn đề cổ tức chưa khi nào hết nóng và được cổ đông quan tâm nhiều nhất trong các mùa đại hội cổ đông ngân hàng. Bên cạnh những ngân hàng chia cổ tức cao thì không ít nhà băng nói “không” với cổ tức, đặc biệt là ngân hàng đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và phải tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng.

Ông Nguyễn Trọng Khanh, nhà đầu tư lâu năm của một ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên không chia cổ tức chia sẻ, nhìn các ngân hàng khác chia cổ tức ở mức 10 - 20% đã chạnh lòng, huống hồ có những nhà băng chia 25 - 30% bằng cả cổ phiếu và tiền mặt.

Một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình tái cấu trúc, khó có thể chia cổ tức như Sacombank. Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng qua các năm, trong đó năm 2023 thu về 9.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng các cổ đông Sacombank không được nhận cổ tức năm thứ 8 liên tiếp.

Trong năm qua, Sacombank tích cực xử lý nợ xấu. Theo ước tính của Ngân hàng, gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng đã được xử lý, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ đồng.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank từng cho biết, Ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cơ bản xử lý xong nợ xấu, còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan. Khi hoàn thành tái cơ cấu, Ngân hàng sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức. Do vậy, đại hội cổ đông năm 2024 dự kiến diễn ra ngày 26/4 tới của Sacombank đang được nhiều cổ đông mong đợi về việc sẽ nhận được câu trả lời cụ thể hơn cho vấn đề cổ tức.

Tin bài liên quan