Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế vẫn là ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 10%, tăng gấp đôi toàn quốc.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu khai mạc Hội nghị “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức chiều ngày 21/9 tại Hà Nội.

“Hội nghị kết nối của ngân hàng và doanh nghiệp thành phố Hà Nội hôm nay nhằm phân tích xem những điểm sáng, những hạn chế và nghe những kinh nghiệm để phát huy giải pháp tích cực, cũng như khắc phục hạn chế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo.

Tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 10%

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung ở ngành thương mại dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất 67,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 11,3%. Một số ngành dịch vụ có dư nợ lớn, mức tăng trưởng cao như ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ... Tiếp đó là tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 8,5%.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, một số lĩnh vực tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực này trên toàn quốc như nông nghiệp, nông thôn tăng 9,8%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 12,48%; dư nợ lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ các lĩnh vực này trên cả nước.

Tín dụng lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, tăng 14,10%; trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, tăng 35,04%, cho thấy sự khởi sắc về phía cung của thị trường bất động sản.

“Các TCTD cũng đã quan tâm, tập trung cung ứng tín dụng đối với một số dự án giao thông trọng điểm, quan trọng của Thủ đô với tổng hạn mức cấp tín dụng là 12.468 tỷ đồng”, bà Giang cho biết.

Cũng theo bà Giang, một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn cũng đạt kết quả tích cực như tín dụng chính sách ưu đãi qua NHCSXH, cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.

Bên cạnh đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội là gần 39.000 tỷ đồng (chiếm hơn 32% tổng số dư gốc và lãi được cơ cấu toàn hệ thống) cho hơn 87.000 lượt khách hàng (chiếm hơn 70% tổng số lượt khách hàng toàn hệ thống).

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song, bà Giang thừa nhận, việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

6 giải pháp từ ngành ngân hàng để thúc đẩy tín dụng

Bà Giang cho biết, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội nghị

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội nghị

“Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản”, bà Giang nói.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới, bà Giang cho biết ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.

Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của Thành phố…

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm qua hệ thống NHTM, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

“Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu”, bà Giang nói.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu…

Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Năm là, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Hội nghị “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” do bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đồng chủ trì.

Tham gia hội nghị còn có Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh TP.Hà Nội; Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, TCTD trên địa bàn Hà Nội.

Tin bài liên quan