Thị trường sụt giảm, "cứu cánh" của nhà đầu tư là thông tin về doanh nghiệp  - Ảnh: Hoài Nam

Thị trường sụt giảm, "cứu cánh" của nhà đầu tư là thông tin về doanh nghiệp - Ảnh: Hoài Nam

Áp lực IR thời giá xuống

(ĐTCK-online) Thời gian gần đây, các câu hỏi của NĐT dành cho DN được gửi đến Báo ĐTCK tăng dần, cho thấy mức độ quan tâm của NĐT đến tình hình DN trong bối cảnh giá cổ phiếu mà họ đang nắm giữ tưởng chừng giảm không phanh. Vì thế, đối với DN, ngoài bộn bề sản xuất - kinh doanh lại thêm áp lực quan hệ cổ đông (IR) thời giá xuống.

Hai ngày qua, qua đường dây nóng, ĐTCK nhận được tâm sự từ cổ đông có số điện thoại 091321... về việc thua lỗ liên tục do nắm giữ một loạt cổ phiếu niêm yết, đặc biệt là mã KTB. Cổ đông này mua gần 10.000 cổ phiếu KTB ở mức giá 40.000 đồng/CP tại phiên chào sàn ngày 1/10/2010 và liên tục nắm giữ cho đến nay, hiện giá giảm xuống dưới 20.000 đồng/CP. Cổ đông này băn khoăn không biết hoạt động của KTB có gì bất thường hay không, mong ĐTCK liên hệ với KTB, trở thành cầu nối để cung cấp thông tin từ DN ra thị trường để cổ đông được biết.

Qua email gửi đến ĐTCK, một cổ đông của CTCP Thuận Thảo (GTT) bày tỏ lo ngại về tính khả thi của việc GTT chi trả cổ tức bằng tiền mặt khi cho biết: "Tài sản ngắn hạn (tiền, các khoản phải thu dưới 1 năm, tồn kho) chỉ là 372 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản nợ phải thanh toán trong năm là 379 tỷ đồng (chưa kể nợ dài hạn), vậy thì tiền mặt đâu để thanh toán cổ tức 52 tỷ đồng (cho dù cổ tức này có thanh toán sau 1 năm nữa).

Nhìn chung, những DN có dấu hiệu "bất thường" hoặc giá cổ phiếu giảm mạnh nhận được nhiều câu hỏi nhất.

Thắc mắc của cổ đông đều được ĐTCK chuyển đến DN. Hầu hết câu trả lời, ngoài đồng cảm với sự mất mát của cổ đông thì DN cũng giải đáp cởi mở về tình hoạt động.

Đại diện KTB cho biết, Công ty vẫn đang hoạt động bình thường, các mỏ được vận hành tốt. Ngoài ra, tranh thủ khi giá cổ phiếu KTB ở mức thấp, Công ty đang nghiên cứu việc mua khoảng 1 triệu cổ phiếu KTB làm cổ phiếu quỹ.

Về GTT, chuyển câu hỏi của cổ đông cho DN, ông Trương Trọng Cử, Phó tổng giám đốc GTT kiêm phụ trách công bố thông tin của Công ty nói: "Việc NĐT quan tâm đến tình hình hoạt động của DN là rất đáng hoan nghênh. Số liệu chi tiết và đầy đủ có trong báo cáo tài chính trên website của GTT, cổ đông nên vào đọc kỹ sẽ thấy rất rõ ràng và có con số chuẩn xác hơn". Cụ thể, ông Cử cho biết, số tiền mà GTT trả cổ tức ở đây không phải là 52 tỷ đồng như NĐT nói ở trên, mà là 34,8 tỷ đồng, vì được tính trên phần vốn điều lệ cũ (chưa tăng thêm) là hơn 290 tỷ đồng. Ngoài ra, theo ông Cử, đây là mức chi trả cổ tức căn cứ trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, chứ chưa tính quý IV, nên cổ đông có thể yên tâm ở mức độ khả thi của nó.

Liên quan đến IR ở phạm vi hẹp, Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI) từng kiến nghị DN niêm yết nên công bố kết quả kinh doanh theo tháng nhằm minh bạch thông tin, giúp NĐT có cái nhìn cận cảnh hơn về DN. Thực tế, không chỉ đến khi TTCK sụt giảm, các DN mới chú trọng công tác IR, thể hiện trên diện hẹp là công bố thường xuyên kết quả kinh doanh từng tháng. Ngay từ khi lên sàn, một số DN như VNS, DRP, HAP, VNG… đã thực hiện việc công bố thông tin theo tháng. Trong bối cảnh thị trường giảm điểm, nhiều DN có thiên hướng "găm" tin, việc công bố kết quả kinh doanh theo tháng được duy trì từ khi lên sàn đến nay của các DN trên là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc kiêm phụ trách công bố thông tin CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS) cho hay, ngày 15 hàng tháng, VNS thường cập nhật kết quả kinh doanh của tháng trước đó tại website của Công ty. "Do công tác trong lĩnh vực taxi, Công ty hiện có một đầu mối tập hợp số liệu, lại chỉ có 2 chi nhánh, cộng thêm với việc hoạt động kinh doanh được cập nhật theo ngày, nên công tác tập hợp số liệu về kết quả không mấy khó khăn. Quan trọng hơn, VNS muốn hướng tới sự minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư của cổ đông", ông Minh nói. Theo ông Minh, kể cả khi Công ty mở thêm nhiều công ty con, thì VNS vẫn cố gắng duy trì việc công bố thông tin theo tháng.

Lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hapaco (HAP) thì chia sẻ, mặc dù việc hạch toán theo tháng không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng Công ty vẫn duy trì, bởi việc minh bạch các con số tài chính là mục tiêu hoạt động của DN. "Khi báo cáo Ban tổng giám đốc xong, chúng tôi cũng đăng tải trên trang web luôn để cổ đông tham khảo", vị này nói.

Thực tế, việc NĐT nóng lòng muốn biết hoạt động kinh doanh của DN là điều bình thường. Trong bối cảnh thị trường suy giảm, giá cổ phiếu giảm sâu thì NĐT lại càng trở nên sốt ruột và cần thông tin trực tiếp từ DN để ra quyết định giữ cổ phiếu hay cắt lỗ. Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm tốt công tác công bố thông tin, vẫn có nhiều DN chây ì, không quan tâm đến sự khốn khổ của các cổ đông ngoài DN. Vẫn biết, vấn đề quan tâm số 1 của DN là tập trung sản xuất - kinh doanh nhằm tạo thêm nhiều lợi nhuận cho cổ đông, nhưng trong lúc thị trường giảm điểm, DN cần dành thời gian cho công tác IR nhiều hơn, thông tin nhiều hơn về tình hình hoạt động của DN để trấn an tâm lý NĐT. NĐT đang cần lắm thông tin từ DN, đặc biệt khi yếu tố tâm lý đang quá yếu như hiện nay.