Bán khống hay ứng trước chứng khoán T+3?

(ĐTCK-online) Bán khống là một khái niệm tài chính còn tương đối mới mẻ đối với TTCK 7 năm non trẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, nghiệp vụ bán khống đã được một số TTCK trên thế giới thực hiện từ rất lâu và hiện trở nên phổ biến ở TTCK các nước phát triển.

Cơ hội kiếm lời

Bán khống trong giao dịch chứng khoán là bán một loại chứng khoán mà người bán không sở hữu tại thời điểm bán, cụ thể hơn là bán chứng khoán vay mượn. Khi nhà đầu tư dự đoán rằng, trong tương lai giá cổ phiếu sẽ hạ, họ sẽ thực hiện bán khống, tức là đi vay cổ phiếu của CTCK để bán; sau khi giá hạ, họ sẽ mua cổ phiếu đó trên thị trường để trả lại và hưởng khoản chênh lệch giá. Nhưng nếu giá trên thị trường không hạ như dự đoán mà lại tăng lên, nhà đầu tư vẫn phải mua cổ phiếu đó để trả và chấp nhận một khoản lỗ.

Để đảm bảo an toàn, CTCK triển khai nghiệp vụ này thường yêu cầu người vay chứng khoán ký quỹ một khoản tiền nhất định, tuy nhỏ hơn giá trị chứng khoán đi vay nhưng đủ để bù đắp khoản lỗ nếu có. Trong quá trình chưa trả được nợ, nếu giá thị trường tăng lên thì người bán khống (người vay) phải bổ sung thêm tiền ký quỹ. Ngược lại, nếu giá giảm thì người vay có thể rút bớt ra để sử dụng.

Bán khống chứng khoán khi thị trường điều chỉnh giảm cũng là một hình thức khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường, bởi họ vẫn có thể kiếm được lời, trong khi mua bán theo cách bình thường, họ chỉ kiếm được lời khi thị trường tăng giá.

 

Năm 2009 Việt Nam sẽ có bán khống

Khoản 9, Điều 71 Luật Chứng khoán quy định về nghĩa vụ của CTCK như sau: “Thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”. Như vậy, Luật thì không cấm nhưng phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo Quyết định số 701/QĐ-UBCK ngày 20/11/2006 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Kế hoạch phát triển CTCK giai đoạn 2006 - 2010, thì đến năm 2009 nghiệp vụ bán khống sẽ có quy chế hướng dẫn thực hiện.

Theo quy định hiện hành, khách hàng phải ký quỹ đủ 100% tiền thì mới được mua chứng khoán, có nghĩa là không được “mua khống”. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hoạt động lách được quy định này, chẳng hạn với hoạt động repo hoặc cầm cố chứng khoán thì khách hàng có thể nhận thêm vốn để tiếp tục mua cổ phiếu.

Nhà đầu tư cần vốn nhưng không muốn bán đứt số chứng khoán mình hiện có, có thể bán cho CTCK với mức giá cụ thể, đồng thời cam kết mua lại sau một thời gian với một mức giá xác định. Đây chính là nghiệp vụ repo (mua bán cổ phiếu có kỳ hạn).

Còn cho vay cầm cố chứng khoán là việc thế chấp, thường là cổ phiếu (cả niêm yết và OTC), để vay tiền của CTCK hoặc ngân hàng trong một thời gian nhất định, mức vay thường được tính bằng 20 - 50% thị giá, tùy theo quy định của bên nhận cầm cố. Trong thời hạn vay mà thị giá cổ phiếu giảm xuống dưới một mức quy định thì người vay phải nộp thêm tiền để đảm bảo an toàn cho bên nhận cầm cố, nếu không bên nhận cầm cố có quyền thanh lý cổ phiếu.

Cả cầm cố và repo đều là những nghiệp vụ lách luật hợp pháp nhằm giúp nhà đầu tư được “mua khống”.

Hoạt động cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán cũng đã xuất hiện với tên gọi: “ứng trước tiền bán chứng khoán”. Hiện nay, để thực hiện nghiệp vụ này, các CTCK phải hợp tác với ngân hàng, đứng ra làm trung gian nhằm giúp khách hàng có thể nhận được tiền bán chứng khoán trước ngày T+3. Chỉ cần có thông báo kết quả lệnh bán đã được khớp là khách hàng hoàn toàn có thể làm hợp đồng xin ứng trước tiền chứng khoán đã bán với mức phí quy định. Một số công ty thực hiện ứng trước tiền cho khách hàng ngay sau khi có kết quả khớp lệnh và khách hàng có thể dùng để mua chứng khoán ngay trong phiên giao dịch.

 

Có thể ứng trước chứng khoán?

Theo quy định, sau khi mua chứng khoán, đến ngày T+3 chứng khoán mới được ghi nhận vào tài khoản, nhưng do chứng khoán được chuyển vào chiều ngày T+3 nên khách hàng chỉ có thể bán chứng khoán vào sáng ngày T+4. Vậy, với một nghiệp vụ tương tự như “ứng trước tiền bán chứng khoán” thì có thể có nghiệp vụ “ứng trước chứng khoán” với những khách hàng đã có thông báo kết quả khớp lệnh mua thành công chứng khoán nhằm giúp nhà đầu tư có thể cắt lỗ trong trường hợp giá có xu hướng giảm? Nghiệp vụ này có thể được thực hiện giữa CTCK và khách hàng của mình hoặc các khách hàng của công ty với nhau hay giữa các CTCK với nhau.

Nếu nghiệp vụ áp dụng giữa CTCK với khách hàng thì yêu cầu để thực hiện là tài khoản tự doanh của CTCK phải có chứng khoán để có thể ứng trước cho khách hàng và khách hàng ký với công ty cam kết vay và chuyển giao chứng khoán mình đã mua lại cho công ty. Tất nhiên, khách hàng sẽ chịu một mức phí nhất định gọi là phí “ứng trước chứng khoán”. Nếu nghiệp vụ áp dụng giữa khách hàng với nhau thì CTCK đứng ra làm trung gian và hưởng phí môi giới, phí quản lý hoạt động vay mượn và thanh toán giữa các khách hàng.