Bản lĩnh người cầm lái

Bản lĩnh người cầm lái

(ĐTCK) Dù đối diện nhiều ẩn số khó lường từ thị trường thế giới và những thách thức nội tại của nền kinh tế, nhưng với nội lực đã được xây dựng trong một thời gian dài và bản lĩnh vượt khó của thủy thủ đoàn, các ngân hàng đều vững tin vào những cơ hội mới sẽ sớm mở ra khi sóng lặng, gió êm.

Năm nay, HDBank có kế hoạch tham gia tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nên sẽ có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng ở mức cao

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank.

Các chỉ tiêu mà Hội đồng quản trị và Ban điều hành HDBank đặt ra cho năm 2023 đúng là không dễ dàng mà rất thách thức trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhưng chúng tôi vẫn phấn đấu đạt các mục tiêu này. Nhìn lại quá khứ, chẳng hạn năm 2022, Ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng lên tới 24-25% cho thấy rằng, nếu nỗ lực và có các giải pháp kinh doanh đúng đắn, chúng ta có cơ sở vững chắc để tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Và thực tế, quý I/2023 trong bối cảnh nền kinh tế khó hấp thụ vốn, HDBank vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành, lên tới 10%. Bên cạnh đó, năm nay HDBank có kế hoạch tham gia tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nên sẽ có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng ở mức cao.

Ngoài ra, HDBank thời gian qua phát triển mạnh kênh số nên tới đây sẽ có nhiều cơ sở để phát triển. Chất lượng nợ của Ngân hàng cũng luôn được kiểm soát rất tốt, phân bổ rủi ro tốt; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu 70 - 75% là hoàn toàn hợp lý. Khi có điều kiện, Ngân hàng sẽ tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu. Khẩu vị rủi ro của HDBank khá "bảo thủ", các khoản vay đều có tài sản đảm bảo cao nên so với toàn ngành, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức tốt, liên tục trong nhiều năm ở mức trên dưới 1%.

Mỗi chỉ tiêu đề ra đều phải đi kèm với các giải pháp để hiện thực hóa

Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank.
Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank.

Nhận định về năm 2023, Ban điều hành Eximbank đánh giá nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lạm phát gia tăng và sức ép thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển có thể dẫn đến biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế trong nước.

Tuy vậy, với sự điều hành linh hoạt, thận trọng của Chính phủ và các Bộ, ngành cùng sự thấu hiểu các khó khăn, thách thức cần vượt qua, chúng tôi tin rằng các mục tiêu của nước ta như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, mục tiêu GDP đạt 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 7-8% so với năm 2022, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, thu hút FDI tăng, dự trữ ngoại hối duy trì ở mức 3-4 tháng nhập khẩu… sẽ đạt được.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt định hướng tăng trưởng tín dụng 14-15%. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Eximbank đã lên kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu hướng đến sự tăng trưởng, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.

Tin tưởng Ban điều hành sẽ thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB.

Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có cơ hội và thách thức đan xen nhau, nhưng thách thức sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng nói riêng và doanh nghiệp nói chung nhận thức được và tin tưởng rằng Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quốc hội đã đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là khoảng 6,5% và CPI bình quân khoảng 4,5%. Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kế hoạch tài chính chủ yếu năm 2023, theo đó tổng tài sản tăng 10%, huy động khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 8,10%, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,70% (mức tăng phù hợp với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho ACB) và tổng lợi nhuận trước thuế tăng 17,20%. Hội đồng quản trị ACB tin tưởng rằng, Ban điều hành sẽ thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra.

Trong quý I/2023, ACB đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, kiểm soát tốt chi phí và hiệu quả hoạt động nên đã đưa tỷ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) xuống mức 32%; lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn là 5.156 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 26% so với kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, trong quý này, ACB đã triển khai gói cho vay lãi suất ưu đãi 3%, quy mô 20.000 tỷ đồng, đồng thời giảm lãi suất 1-2% cho các khoản vay hiện hữu đến kỳ thay đổi lãi suất có giao dịch chính tại Ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của ACB vẫn duy trì dưới 1%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng đạt 13,4%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.

Bắt đầu một hành trình mới

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng của Ngân hàng Nam Á bắt đầu một hành trình mới - Hành trình khởi khát khao. Ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, duy trì động lực tăng trưởng, nỗ lực hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh trên cơ sở thực thi các nhóm giải pháp trọng tâm.

Theo đó, một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trọng yếu trong năm 2023 được xây dựng như: Tổng tài sản đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2022; Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 155.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2022; Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 132.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.600 tỷ đồng...

Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch trọng yếu nói trên, Nam A Bank đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện như: về công tác quản trị điều hành: nhất quán và kiên định mô hình quản trị điều hành theo nguyên tắc “Quản trị tập trung – Điều hành phân tán”, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong định hướng quản trị hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số: từng bước kiện toàn nền tảng Chiến lược chuyển đổi số, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh theo xu thế hiện đại, duy trì trong nhóm ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam; đầu tư phát triển công nghệ và nguồn nhân lực hàm lượng công nghệ cao....

Về chiến lược kinh doanh: tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nhằm gia tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng cơ cấu thu nhập. Đảm bảo thu nhập dịch vụ tăng 1,7 - 1,8 lần/năm, từng bước đưa tỷ lệ thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập tới mốc 16 - 17% vào năm 2025. Tối ưu hóa việc sử dụng room tín dụng tập trung nhóm khách hàng bán lẻ và thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh nâng dần tỷ trọng cấp tín dụng xanh theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước; Chú trọng quản trị rủi ro...

Nam A Bank tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng của các cá nhân, bộ phận liên quan đến việc triển khai và áp dụng Basel III, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp để triển khai Basel III.

Phải làm sao kích cầu tín dụng đi đôi với an toàn và hiệu quả

Ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng giám đốc VietBank.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng giám đốc VietBank.

Nền kinh tế năm 2023 mở đầu với nhiều dự cảm khó khăn và bối cảnh khác biệt rất lớn so với đầu năm 2022. Tuy nhiên, do đã nhận diện được các khó khăn, thách thức ngay từ đầu năm, chúng tôi nhận thấy rằng công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều Bộ, ngành rất sát sao, quyết liệt, phù hợp với bối cảnh thị trường trong nước chứ không chỉ nương theo các tín hiệu từ thị trường thế giới.

Đối với kết quả tăng trưởng GDP quý I/2023 dù không cao như các năm, song vừa qua Chính phủ cũng đã khẳng định sẽ kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho cả năm 2023. Các động thái đó khiến Vietbank tin rằng khó khăn hiện nay của nền kinh tế đã chạm đáy và tăng trưởng GDP sẽ sớm tăng tốc trở lại.

Đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, có thể thấy rằng chỉ trong 2 tuần cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 2 lần giảm lãi suất điều hành và tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối tháng 5 vừa qua.

Quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được tiến hành trước cả khi cuộc họp quyết định mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tổ chức, trong bối cảnh nền nhiệt lãi suất toàn cầu vẫn đang khá nóng, cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy rằng việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng là rất cần thiết vào lúc này. Ngay sau đó, dữ liệu thống kê cho thấy tăng trưởng GDP quý I đã chậm lại đáng kể và các động lực tăng trưởng kinh tế đều suy giảm.

Thực tế đó cho thấy việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng là phù hợp trong bối cảnh nội tại của Việt Nam. Động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo tiền đề, định hướng để các ngân hàng thương mại, trong đó có Vietbank giảm mặt bằng lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn và nếu không cùng đồng hành, hỗ trợ họ thì khó khăn đó sẽ lan sang cả hệ thống ngân hàng. Điều khó nhất hiện nay là phải làm sao kích cầu tín dụng đi đôi với an toàn và hiệu quả, vì quá trình phục hồi kinh tế vẫn đi kèm với các yếu tố rủi ro mà ngân hàng phải thận trọng và có thể lường trước.

Tăng tốc chuyển đổi số - xây dựng hệ sinh thái kinh doanh

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank.

Với khả năng thích ứng linh hoạt bằng các sáng kiến chuyển đổi số của Ngân hàng và kỳ vọng vào đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 sẽ tăng trưởng 50%, lên 9.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các chỉ số về tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều dự kiến tăng trưởng từ 11 - 12%.

Kết thúc quý I/2023, lợi nhuận trước dự phòng Đề án của Sacombank đạt hơn 3.400 tỷ đồng; sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 49,9% so cùng kỳ năm trước; tổng tài sản 596.694 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm; tổng huy động 529.500 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng 448.531 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,11%, kiểm soát dưới 2%.

Bên cạnh các quyết sách kinh doanh nhạy bén, chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ là yếu tố quan trọng đóng góp vào thành quả của Ngân hàng. Hoạt động chuyển đổi số tại Sacombank lấy sự tiện ích của khách hàng làm mục tiêu cao nhất, tập trung vào 4 yếu tố cốt lõi: Hạ tầng công nghệ, Giải pháp số hóa toàn diện, Sản phẩm - dịch vụ số, Con người và tư duy số.

Sacombank chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm chuyển đổi số từ năm 2021 và triển khai nhiều dự án, số hóa trọng điểm. Tính riêng trong năm 2022, hàng loạt dự án công nghệ được Sacombank khởi động và tiên phong ra mắt như dự án ngân hàng hợp kênh (Omnichanel), ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp hệ thống Trợ lý thông minh (Sari) trong tư vấn khách hàng, triển khai hệ thống máy chủ IBM LinuxOne, ra mắt thẻ tích hợp 1 chip…, đồng thời nâng cấp hệ thống bảo mật nhằm mang đến trải nghiệm tối đa và an toàn cho khách hàng.

Nhờ những nỗ lực này, Sacombank sở hữu hệ khách hàng lên tới 15 triệu, trong đó 50% là khách hàng số. Số lượng giao dịch trên kênh số của Sacombank tăng trưởng gấp 5 lần trong giai đoạn 2018 - 2022, tăng trưởng bình quân 43%. Riêng năm 2022, 97% giao dịch tại Sacombank là các giao dịch số thông qua các kênh như Internet Banking, Mobie Banking và Ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay.

Định hướng chiến lược trong năm 2023 của Sacombank là tăng tốc chuyển đổi số - xây dựng hệ sinh thái kinh doanh. Ngân hàng đồng thời không ngừng gia tăng quy mô và hiệu quả hoạt động của các đơn vị trên toàn hệ thống, đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả. Quan trọng hơn hết, Sacombank sẽ tập trung giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%; hoàn thành Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, thực hiện các thủ tục để chia cổ tức cho cổ đông.

Tin bài liên quan